Văn hóa đọc

Tri thức - kết nối - Phát triển bền vững: Thế hệ kế nghiệp: Đọc để lãnh đạo tương lai

Khánh Hưng 22/04/2025 14:05

Đối mặt với thử thách giữ vững và phát triển “đế chế” kinh doanh đã có, các doanh nhân trẻ kế nghiệp không chỉ cần khả năng lãnh đạo sắc bén mà còn cần một nền tảng kiến thức vững chắc. Trong bối cảnh đó, sách trở thành người bạn đồng hành âm thầm nhưng mạnh mẽ…

Người bạn đồng hành âm thầm nhưng mạnh mẽ

Việc kế nghiệp trong một doanh nghiệp gia đình không đơn thuần là tiếp quản vị trí lãnh đạo, mà là bước vào một hành trình đầy thử thách và giằng xé nội tâm. Trước khi chính thức tiếp nối nghề truyền thống của cha mình, bà Tôn Nữ Xuân Quyên - Chủ tịch HĐQT Công ty CP BluSaigon đã từng nhiều lần khởi nghiệp, nếm trải cả thành công lẫn thất bại. Sau những va vấp đầu đời, cô bắt đầu suy ngẫm nghiêm túc về con đường kinh doanh mà mình thực sự muốn đi. Cuối cùng, cô lựa chọn khởi sự với ngành sản xuất tặng phẩm thủ công từ chính những chất liệu quen thuộc: vỏ sò, ngọc trai - một cách tiếp nối nhẹ nhàng nhưng đầy bản sắc đối với nghề truyền thống của gia đình.

13-ton-nu-xuan-quyen.jpg
Tôn Nữ Xuân Quyên - Chủ tịch HĐQT Công ty CP BluSaigon

Trên hành trình viết tiếp những trang di sản, Xuân Quyên phải đối mặt với những vấn đề không hề dễ dàng: từ cái “bóng” quá lớn của thế hệ đi trước, sự khác biệt trong văn hóa điều hành giữa các thế hệ, cho đến trăn trở về việc để lại một di sản có giá trị trong một thế giới liên tục biến đổi. Theo Chủ tịch HĐQT Công ty BluSaiGon - đây không chỉ là câu chuyện của riêng cô, mà là nỗi trăn trở chung của rất nhiều người trẻ trên con đường tiếp nối công việc kinh doanh của gia đình.

Xuân Quyên chia sẻ rằng, trong bối cảnh đó, sách trở thành người bạn đồng hành âm thầm nhưng mạnh mẽ. Cách đây hơn 10 năm, khi khái niệm mentor, cộng đồng hỗ trợ khởi nghiệp còn rất mờ nhạt, sách chính là nguồn lực quan trọng nhất giúp cô tự trang bị tri thức, rút ngắn sai lầm và tăng tốc trưởng thành. “Sách giúp tôi hệ thống lại kinh nghiệm, lọc ra giá trị từ di sản cũ để kế thừa và phát huy, đồng thời tạo nền tảng để để lại những di sản mới phù hợp hơn với thời đại”, Quyên nói.

Cô chọn đọc song song hai thể loại sách: phát triển bản thân và kinh doanh - mà theo cô chính là “hai cánh tay” giúp giữ thăng bằng trên con đường đầy biến động. Những cuốn sách phát triển bản thân giúp cô thấu hiểu nội tâm, quản trị cảm xúc, rèn luyện EQ và nuôi dưỡng sức bền tâm lý - yếu tố sống còn với một doanh nhân trong môi trường nhiều áp lực và bất định. Những tựa sách như “7 thói quen hiệu quả” hay “Trí tuệ xúc cảm” trở thành “người thầy” đồng hành nhiều năm, mỗi lần đọc lại là một lần thấm sâu hơn những tầng nghĩa mới.

Trong khi đó, thể loại sách kinh doanh giúp cập nhật kiến thức, xu hướng, mô hình mới và học từ bài học thực tế của những doanh nhân đi trước. Không chỉ quan tâm đến lý thuyết, cô đặc biệt trân trọng những câu chuyện thật - nơi người viết kể lại hành trình, cả những lần vấp ngã lẫn cách đứng dậy. Từ quản trị, tài chính, marketing cho đến chuyển đổi số… đều được lựa chọn đọc rộng để xây dựng cái nhìn toàn diện, bởi theo Xuân Quyên, một doanh nhân giỏi phải là người hiểu được nhiều lĩnh vực cùng lúc.

“Tuy sách không bảo đảm thành công, nhưng hầu hết những người thành công đều đọc sách. Với thế hệ lãnh đạo tương lai, việc duy trì thói quen đọc trung bình một cuốn mỗi tuần là cách bồi đắp năng lực bền vững nhất. Nếu không có sách, hành trình kế nghiệp không chỉ khó khăn hơn mà còn trở nên đơn độc và dễ chênh vênh”, Xuân Quyên chia sẻ.

Chọn sách như chọn người đồng hành

Theo góc nhìn của Tôn Nữ Xuân Quyên, hiện nay, văn hóa đọc của thế hệ trẻ, trong đó có cả các doanh nhân, đang có sự cải thiện song vẫn còn khá phân mảnh và dễ bị chi phối bởi trào lưu. Dù phần lớn các bạn trẻ đã bắt đầu chú trọng đến việc đọc sách, nhưng xu hướng này thường bị chi phối bởi những cuốn sách đang “hot” trên mạng xã hội, thiếu sự chọn lọc kỹ càng. Họ có thể dễ dàng bị cuốn theo những cuốn sách được “review” nhiều, nhưng lại thiếu kiên nhẫn để theo đuổi những đầu sách mang tính chiều sâu, dẫn đến việc đọc qua loa, không thấm nhuần, và không thể áp dụng vào thực tế con đường kế nghiệp kinh doanh hay cuộc sống.

13.jpg
Văn hóa đọc trong giới trẻ đang dần cải thiện

Xuân Quyên cho rằng, để giải quyết vấn đề này, điều đầu tiên là cần xác định rõ: Để lãnh đạo tương lai thì mình thiếu gì, cần gì, và muốn phát triển điều gì, từ đó chọn lựa sách với mục tiêu rõ ràng. Đọc sách không phải vì người khác đọc, mà là vì mình cần trưởng thành hơn trong một lĩnh vực nào đó. Chẳng hạn, nếu gặp khó khăn trong quản lý nhân sự, việc tập trung vào các cuốn sách về tâm lý học lãnh đạo, nghệ thuật giao tiếp hay văn hóa tổ chức sẽ giúp bạn tìm ra giải pháp thực tế.

Việc chọn sách cũng giống như việc chọn người thầy đồng hành - cần có sự tỉnh táo và hiểu biết về bản thân. Một mẹo Xuân Quyên hay áp dụng là xem mục lục và đọc thử vài trang đầu để cảm nhận phong cách viết của tác giả. Nếu cảm thấy không kết nối được ngay từ đầu, việc kiên trì sẽ trở nên khó khăn.

Cô cũng thường đọc sách theo chủ đề trong từng giai đoạn cụ thể. Khi cần đào sâu vào chiến lược hay phát triển tư duy sáng tạo, cô sẽ dành một vài tháng chỉ đọc sách thuộc một chủ đề đó để dễ dàng tổng hợp và xâu chuỗi kiến thức. Điều này giúp tránh bị loãng và giúp việc áp dụng kiến thức vào thực tế trở nên hiệu quả hơn.

Cuối cùng, là tham khảo danh sách sách của những người mà mình tin tưởng hoặc ngưỡng mộ, như những doanh nhân thành đạt, học giả hay lãnh đạo có chiều sâu. Những lựa chọn sách của họ có thể gợi ý cho bạn những hướng đi giá trị.

“Quan trọng hơn cả là đừng áp lực bản thân phải đọc nhiều. Mỗi cuốn sách đến với bạn vào đúng thời điểm có thể mang đến những thay đổi sâu sắc, chỉ cần một câu thôi cũng có thể thay đổi cách bạn nhìn nhận thế giới”, Xuân Quyên nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tri thức - kết nối - Phát triển bền vững: Thế hệ kế nghiệp: Đọc để lãnh đạo tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO