Bộ Công Thương đẩy mạnh chuyển đổi số: Quyết liệt và toàn diện
Năm 2025, cột mốc cuối cùng của Kế hoạch phát triển 5 năm 2021 - 2025 được Bộ Công Thương xác định là thời điểm then chốt để thúc đẩy chuyển đổi số sâu rộng trong toàn ngành. Với quyết tâm chính trị cao và mục tiêu rõ ràng, Bộ đang triển khai kế hoạch chuyển đổi số một cách đồng bộ, hướng đến nền hành chính hiện đại, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng hiệu quả.
Theo Quyết định số 792/QĐ-BCT ngày 20/3/2025, kế hoạch chuyển đổi số năm 2025 của Bộ Công Thương đặt mục tiêu đưa 100% giao dịch hành chính đủ điều kiện lên môi trường số, thực hiện xác thực điện tử toàn diện, trừ các dịch vụ bắt buộc phải thực hiện trực tiếp theo quy định pháp luật. Đồng thời, toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện sẽ được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đặc biệt là những dịch vụ có liên quan mật thiết đến người dân và doanh nghiệp.
Một trong những chỉ tiêu nổi bật là tối thiểu 70% giao dịch thanh toán nghĩa vụ tài chính thông qua dịch vụ công được thực hiện trực tuyến. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý qua Cổng dịch vụ công Bộ Công Thương dự kiến đạt 90%. Tất cả dữ liệu liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ không phải cung cấp lại, tạo thuận lợi rõ rệt trong quá trình thực hiện thủ tục.

Kế hoạch cũng nhấn mạnh yêu cầu số hóa 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực; tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng với dịch vụ hành chính công của Bộ Công Thương.
Về nội bộ, 100% văn bản hành chính giữa các đơn vị thuộc Bộ và với các cơ quan nhà nước khác sẽ được trao đổi qua mạng, sử dụng chữ ký số chuyên dùng (trừ văn bản mật). 90% hồ sơ công việc sẽ được xử lý trên môi trường mạng. Hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức được quản lý hoàn toàn dưới dạng điện tử, trong khi toàn bộ hệ thống thông tin đều phải xác định cấp độ và triển khai các phương án bảo đảm an toàn thông tin tương ứng.
Công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực cũng được chú trọng: 100% cán bộ, công chức, viên chức được phổ cập kiến thức, kỹ năng số cơ bản, trong đó 80% được tập huấn chuyên sâu về an toàn thông tin và chuyển đổi số. Toàn bộ thiết bị đầu cuối phục vụ công việc đều phải được cài đặt giải pháp bảo vệ phù hợp.
Đặc biệt, ít nhất 50% hoạt động kiểm tra của Bộ Công Thương sẽ được thực hiện thông qua hệ thống số và môi trường mạng. Riêng lĩnh vực xuất nhập khẩu, tất cả dịch vụ công trực tuyến đã thống nhất với Bộ Tài chính sẽ được tích hợp lên Cơ chế một cửa quốc gia, góp phần giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Để đảm bảo tiến độ và hiệu quả, các đơn vị trực thuộc Bộ được phân công nhiệm vụ cụ thể, phải báo cáo định kỳ hàng quý lên Bộ trưởng. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số giữ vai trò đầu mối tổ chức thực hiện, theo dõi, đôn đốc và kịp thời tham mưu các giải pháp nhằm đảm bảo kế hoạch được triển khai đúng định hướng, đúng tiến độ và mang lại hiệu quả thiết thực.