Đề xuất bỏ Bằng tốt nghiệp THCS, bổ sung quy định miễn học phí: Hướng tiếp cận mới trong cải cách giáo dục
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố dự thảo Hồ sơ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi từ các tổ chức, cá nhân. Đây là bước đi quan trọng nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho sự phát triển bền vững và hội nhập của nền giáo dục quốc dân trong giai đoạn mới.
Theo đó, một số nội dung sửa đổi đáng chú ý bao gồm: đề xuất bãi bỏ Bằng tốt nghiệp Trung học Cơ sở (THCS), bổ sung cấp học Trung học nghề trong hệ thống giáo dục quốc dân và hoàn thiện chính sách miễn học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông.
Dự thảo đề xuất sửa đổi Điều 6 của Luật Giáo dục, theo hướng xác định rõ cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Đặc biệt, điểm mới là việc bổ sung Trung học nghề như một cấp học độc lập.
Phương án sửa đổi này bám sát Phân loại Chuẩn Quốc tế về Giáo dục (ISCED 2011) của UNESCO, qua đó tăng cường tính tương thích với hệ thống giáo dục của các quốc gia phát triển.
Theo đề xuất, hệ thống đào tạo trung cấp sẽ được chuyển đổi sang trung học nghề với chương trình tích hợp kiến thức phổ thông. Học sinh hoàn tất lớp 9 sẽ có 3 hướng lựa chọn: tiếp tục học trung học phổ thông; theo học trung học nghề với chứng chỉ sơ cấp; hoặc học trung học nghề với chứng chỉ trung cấp.

Mô hình này mở rộng cơ hội lựa chọn và học tập suốt đời cho người học, đồng thời nâng cao tính liên thông giữa các bậc học, đáp ứng linh hoạt nhu cầu nhân lực của nền kinh tế hiện đại.
Một thay đổi quan trọng được Bộ GD&ĐT đề xuất là bãi bỏ Bằng tốt nghiệp THCS. Thay vào đó, thẩm quyền xác nhận hoàn thành chương trình giáo dục THCS sẽ được giao cho Hiệu trưởng trường THCS hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục tương đương, thay vì Trưởng phòng GD&ĐT cấp huyện như trước đây.
Tương tự, thẩm quyền cấp Bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông cũng được đề xuất chuyển giao cho Hiệu trưởng trường THPT, thay vì Giám đốc Sở GD&ĐT.
Chủ trương này nhằm thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để, tuân thủ nguyên tắc “nơi nào đào tạo, nơi đó cấp bằng”, phù hợp với xu thế quốc tế và mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Thực tế, nhiều quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Canada, Anh, Australia hay Phần Lan không cấp Bằng tốt nghiệp THCS mà sử dụng xác nhận của cơ sở giáo dục để xét tuyển hoặc định hướng nghề nghiệp.
Việc thay đổi cơ chế cấp văn bằng không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người học, đồng thời tạo thuận lợi trong việc phân luồng và định hướng học tập.
Tại Điều 99, dự thảo đề xuất sửa đổi và bổ sung quy định miễn học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông đang theo học tại các trường công lập. Đối với học sinh tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, sẽ có chính sách hỗ trợ chi phí học phí phù hợp.
Đây là một bước hiện thực hóa kết luận của Bộ Chính trị tại Công văn số 13594-CV/VPTW ngày 3/3/2025, đồng thời đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, không phân biệt điều kiện kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, dự thảo cũng làm rõ nội hàm “dịch vụ hỗ trợ giáo dục” – bao gồm các dịch vụ không thuộc giảng dạy chính thức nhưng có vai trò hỗ trợ phương pháp và hệ thống giáo dục. Những dịch vụ này không được chi trả từ ngân sách nhà nước hoặc học phí mà sẽ áp dụng nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí khi thu phí từ người học.
Nguồn lực để thực hiện các chính sách này sẽ được huy động từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác. Đặc biệt, đối với chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi, ngân sách nhà nước sẽ được bổ sung ngoài mức 20% tổng chi cho giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục, kết hợp với nguồn lực xã hội hóa.