Chuyện làm ăn

Doanh nghiệp đua tăng vốn ngay từ đầu năm

Khánh Phương 13/03/2024 - 15:07

Từ đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp (DN) đã lên kế hoạch tăng vốn “khủng” thông qua bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài hoặc cổ đông hiện hữu. Vậy đâu là động lực dẫn dắt xu hướng này?

Tìm kiếm nguồn vốn mới

CDH Investments - một trong những công ty đầu tư lớn nhất Trung Quốc đang đàm phán mua lại cổ phần thiểu số 10% của chuỗi Bách hóa Xanh từ Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG). Nếu đạt được thỏa thuận, định giá của chuỗi Bách hóa Xanh có thể đạt mức 1,7 tỷ USD.

z5226305893780_332a79ddbf091b30a5b13ada867c68fa-1-.jpg

Trong bối cảnh thị trường thuận lợi, nhiều DN đang cố gắng tận dụng thời cơ để tăng vốn qua giải pháp phát hành thêm cổ phiếu, bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đơn cử như nhóm chứng khoán, Công ty Chứng khoán IVS sẽ có đợt tăng vốn điều lệ gấp đôi, lên gần 1.400 tỷ đồng dựa trên kế hoạch phát hành 69,35 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ phát hành 100%, sẽ được đưa ra lấy ý kiến cổ đông trong cuộc họp ngày 12/3 tới. Tương tự, một loạt công ty chứng khoán khác cũng đang ráo riết triển khai kế hoạch tăng vốn ngay đầu năm 2024.

Ở nhóm bất động sản, Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh mới đây cũng công bố số lượng cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu đợt này là hơn 101 triệu, với giá chào bán 12.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị vốn huy động được hơn 1.220 tỷ đồng. Hay như Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova - Novaland đầu tháng 1 vừa qua cũng công bố phương án phát hành thêm 1,37 tỷ cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu và cho người lao động năm 2022, 2023.

CEO của Vingroup chia sẻ, trong năm 2024, Vingroup huy động vốn thông qua cả kênh tín dụng trong và ngoài nước cùng với phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu trong và ngoài nước để kinh doanh thông thường và mở rộng thị trường quốc tế. Hiện Vingroup có ba thành viên là Vingroup, Công ty CP Vinhomes, Công ty CP Vincom Retail đã huy động thành công hàng tỷ USD thông qua TTCK Việt Nam và quốc tế trong những năm qua.

Động lực dẫn dắt

Có ba động lực dẫn dắt cuộc đua tăng vốn qua giải pháp phát hành thêm cổ phần của các DN trong năm nay. Đầu tiên, là diễn biến TTCK đang thuận lợi trở lại kể từ năm ngoái đến nay. Chỉ số VN-Index trong năm 2023 đã tăng 12% và đà tăng mạnh tiếp tục diễn ra từ đầu năm 2024 đến nay, nhất là khi lãi suất tiết kiệm đang quá thấp thúc đẩy dòng vốn chuyển dịch từ kênh ngân hàng qua chứng khoán, đang hỗ trợ cho kế hoạch tăng vốn của các DN niêm yết.

Để hỗ trợ huy động vốn qua TTCK, hiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đang ra soát Nghị định 155, trong đó có quy định về chào bán IPO, niêm yết, đăng ký giao dịch.

Động lực thứ hai là trước áp lực các khoản nợ đáo hạn ngày càng tăng, đặc biệt là khoản nợ trái phiếu DN của DN bất động sản, rất nhiều chủ đầu tư phải bán tháo dự án, tái cấu trúc toàn diện, nên việc phát hành thêm cổ phiếu không những giúp tăng thêm vốn tự có mà còn tránh bớt sự ràng buộc bởi nghĩa vụ phải trả lợi tức cố định.

Trong bối cảnh kênh trái phiếu DN vẫn chưa hồi phục, việc tiếp cận kênh tín dụng ngân hàng cần phải có tài sản đảm bảo và không phải dễ dàng trong bối cảnh rủi ro nợ xấu đang gia tăng, các DN càng có động lực tăng vốn qua kênh phát hành cổ phiếu. Giới phân tích tài chính chỉ ra rằng, trong trường hợp công ty phát hành cổ phiếu có doanh thu và lợi nhuận chưa như mong muốn, thì bản thân DN đó cũng giảm bớt được nguy cơ phá sản trong trường hợp bị mất khả năng chi trả nợ.

Cuối cùng, với lãi suất tại nhiều quốc gia đang giảm trở lại, DN trong nước sẽ tìm kiếm nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp đua tăng vốn ngay từ đầu năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO