Chuyện làm ăn

Khai thác thị trường Mỹ, doanh nghiệp cần làm gì?

Hồng Nga 01/03/2024 17:25

Nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ (Mỹ) thành “đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững” đã mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia thị trường Hoa Kỳ. DN tận dụng cơ hội này như thế nào?

Xuất khẩu rộng mở

hoi-thao-2.jpg

Chia sẻ tại hội thảo “Bùng nổ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - Hoa Kỳ trong bối cảnh mới, DN Việt Nam cần chuẩn bị gì” sáng 1/3 do Công ty Green+ tổ chức tại TP.HCM, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên hội đồng tư vấn Chính sách - Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho biết: "Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 27,2 tổng kim ngạch. Tổng giá trị thương mại giữa hai nước năm 2023 là 110,6 tỷ USD, tăng 247 lần so với năm 1995 (năm 1995 là 450 triệu USD) và gấp 4,4 lần so với năm 2012 (năm 2012 là 25 tỷ USD).

Có rất nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu tốt sang thị trường này như dệt may, điện thoại, gỗ, hải sản, nông sản (hạt điều, cà phê…). Riêng về lĩnh vực du lịch, có 730.000 du khách Mỹ đến Việt Nam trong năm 2023 và có thể đạt 1 triệu người trong 1 - 2 năm tới".

TS Lực cho biết thêm, năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ giảm gần 15%, tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới nói chung và thị trường Mỹ nói riêng đã tăng trở lại, ở mức 15-20%. Đây là mức tăng trưởng khá tích cực, chứng tỏ nhu cầu đã phục hồi.

Hiện Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, tuy nhiên, ở lĩnh vực đầu tư chỉ là đối tác thứ 11 với 1.300 dự án tại Việt Nam. Việc nâng tầm mối quan hệ của hai nước đang mang lại những cơ hội phát triển kinh tế cho hai nước. Việt Nam có cơ hội thu hút trực tiếp DN Mỹ trong các lĩnh vực bán dẫn và khai khoáng.

Hai nước còn nhiều lĩnh vực, không gian để tiếp tục gia tăng hợp tác như tài chính, năng lượng, giáo dục…

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang cung cấp nhiều hàng hóa cho thị trường Mỹ nhưng vẫn ở phân khúc thấp của chuỗi giá trị như nàng dệt may, da giày. Gần đây, đã có một số DN thành công với các sản phẩm ở phân khúc cao hơn như phần mềm, thậm chí là đặt chân vào thị trường của sản phẩm công nghiệp như VinFast.

Có rất nhiều lợi thế từ thị trường Mỹ mà Việt Nam cần khai thác. Trong đó, chính sách tăng cường mua hàng từ các nước, tránh phụ thuộc quá nhiều hàng từ Trung Quốc được Mỹ triển khai từ nhiều năm qua. Chẳng hạn, trong năm 2023, điện thoại thông minh từ Trung Quốc xuất sang Mỹ đã giảm 10% trong khi mặt hàng này được nhập khẩu từ Ân độ tăng gấp 5 lần, hay như máy tính xách tay từ Việt Nam sang Mỹ tăng gấp 4 lần.

Các công ty Mỹ tìm phương án thay thế hàng hóa Trung Quốc từ sau khi chính quyền thời Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế nhập khẩu lên hàng nghìn mặt hàng nhập từ Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Joe Biden sau đó vẫn tiếp tục duy trì các mức thuế cao với hàng Trung Quốc. Và giờ đây, với mối quan hệ nâng cấp lên “đối tác hiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững” đang mang lại nhiều cơ hội hơn nữa cho hàng Việt.

Khai thác cơ hội thế nào?

hoi-thao-.jpg

Vấn đề là trong bối cảnh mới hiện nay, DN cần tận dụng cơ hội để vượt khó, quản trị rủi ro và bắt nhịp với xu thế. DN cần nâng cấp thực hiện theo xu thế xanh, công nghệ số, dịch chuyển chuỗi cung ứng…

Mỗi năm Công ty CP Phúc Sinh xuất khẩu 300 triệu USD hàng hóa đi các nước, trong đó, doanh thu tại Hoa Kỳ chiếm 60 triệu USD từ cà phê, tiêu và gia vị. Riêng trong năm 2023, Phúc Sinh đã đưa 6.300 tấn tiêu sang thị trường này. Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh cho rằng, muốn xuất khẩu sang bất cứ thị trường nào, DN phải tìm hiểu xu thế, nhu cầu của thị trường và những khách hàng trong lĩnh vực của mình. Bên cạnh đó, phải đầu tư hệ thống máy móc, quản trị chất lượng, minh bạch trong hệ thống kinh doanh. Trong xu thế hiện nay, DN cần phải chú trọng đầu tư cho phát triển bền vững, gắn liền ESG, tuần hoàn xanh.

Cùng quan điểm này, bà Phan Thị Tuyết Mai - Chủ tịch Công ty TMTM, Phó chủ tịch Hội nữ doanh nhân TP.HCM (Hawee) cho rằng, điều đầu tiên trước khi tiếp cận thị trường Hoa Kỳ là DN phải nghiên cứu thị trường thật kỹ và xác định thị trường mục tiêu cụ thể. Kế đó, phải tìm hiểu về pháp lý thương mại của Hoa Kỳ. Quốc gia này có đến 50 tiểu bang, và mỗi tiểu bang có luật pháp khác nhau. Hoa Kỳ cũng là quốc gia đa văn hóa, khác nhau về yếu tố nhân khẩu học, thời tiết, tôn giáo, chủng tộc… Hoa Kỳ không phải là một thị trường duy nhất, vì vậy, khi muốn xuất hàng vào tiểu bang nào cần tìm hiểu kỹ về thị trường đó.

Cũng theo bà Mai, Hoa kỳ áp dụng những rào cản kỹ thuật phức tạp và tinh vi. Luật pháp nước này rất chú trọng đến việc bảo vệ người tiêu dùng và DN trong nước bằng nhiều chính sách bảo hộ thương mại. Quốc gia này áp dụng chính sách “mua hàng Hoa Kỳ” và chú trọng đến vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ, thương hiệu…

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, đã có nhiều DN đã và đang làm tốt nên Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, DN có thể cân nhắc thêm một số yếu tố như tìm hiểu kỹ hơn về thị trường, về văn hóa, tập quán kinh doanh vì luật pháp của Hoa Kỳ khác nhau giữa các ban. Bên cạnh đó, DN phải làm theo hướng chuyên nghiệp và chuẩn hóa - hai vấn đề phía DN Hoa Kỳ rất chú trọng. DN cần có sự tư vấn pháp lý khi giao dịch, trao đổi với thị trường Mỹ. Điều quan trọng nữa là, DN cần chú trọng đến những mặt hàng hướng đến xanh hóa nhiều hơn, ít ảnh hưởng đến môi trường.

“Thời gian tới, Hoa Kỳ sẽ áp dụng những đạo luật liên quan đến khí cacbon xuyên biên giới. Hoa Kỳ cũng rất chú trọng đến kinh tế tuần hoàn như thị trường châu Âu đã làm nên DN cần tăng khả năng tái chế sản phẩm”, TS. Cấn Văn Lực tư vấn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khai thác thị trường Mỹ, doanh nghiệp cần làm gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO