Chuyện làm ăn

Thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Mỹ Latinh qua kênh phân phối

Hồng Nga 14/09/2023 15:00

Mỹ Latinh là thị trường lớn, đầy tiềm năng nhưng doanh nghiệp Việt Nam chưa khai phá, đặc biệt là qua các kênh phân phối lớn.

Nhiều tiềm năng chưa khai thác

Chia sẻ tại diễn đàn Thương mại Việt Nam - Mỹ Latinh năm 2023 ngày 14/9/2023, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, từ nhiều năm nay, quan hệ thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh đã không ngừng được phát triển và mở rộng, bất chấp nhiều giai đoạn khó khăn của thị trường.

my-la-tinh-124002_573(1).jpg
Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Mỹ Latinh năm 2023 diễn ra vào ngày 14/9/2023

Chỉ trong vòng 5 năm, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp đôi, từ mức 14,2 tỷ USD của năm 2018 lên mức 23 tỷ USD năm 2022.

Đáng chú ý, bên cạnh các thị trường có kim ngạch trao đổi hàng đầu tại khu vực như Brazil, Mexico, Argentina, Chile, nhiều thị trường mới nổi như Panama, Colombia, Peru đã và đang trở thành điểm sáng trong trao đổi thương mại của Việt Nam với Mỹ Latinh với tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây.
Mỹ Latinh luôn nằm trong số các thị trường quan trọng nhất.

Không chỉ là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như hàng dệt may, da giày, nông thủy sản… Mỹ Latinh còn là khu vực cung ứng nguyên phụ liệu quan trọng cho ngành sản xuất của Việt Nam với các sản phẩm thế mạnh như ngô, đậu tương, thức ăn chăn nuôi…

Tiềm năng và tăng trưởng như vậy nhưng theo ông Tạ Hoàng Linh, giá trị trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Mỹ Latinh vẫn còn khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ Latinh vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong hợp tác kinh doanh như khoảng cách địa lý xa xôi, chưa có tuyến vận tải hàng hóa trực tiếp, chi phí logistics cao, khác biệt về ngôn ngữ, thiếu thông tin thị trường. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, suy thoái kinh tế, xung đột địa - chính trị và tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với thương mại toàn cầu, trong đó có thương mại giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh.

8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ Latinh đạt 13,4 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù vậy, một tín hiệu tích cực là đà giảm xuất nhập khẩu đang được thu hẹp dần so với những tháng đầu năm và vẫn có một số thị trường có kim ngạch 8 tháng đạt tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022, cho thấy thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ Latinh đang có dấu hiệu phục hồi.

Tiếp cận kênh phân phối lớn

Đưa hàng Việt vào kênh phân phối lớn, trong đó có các trung tâm thương mại và siêu thị của các nước tại trường Mỹ Latinh đang là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, các hệ thống siêu thị lớn của Mỹ Latinh đang tìm kiếm các nguồn hàng ngoài Trung Quốc và Việt Nam là điểm đến của những nước này.

Cencosud Chile là một trong những tập đoàn đang tìm kiếm nguồn cung cấp tại Việt Nam. Cencosud có hơn 1.400 siêu thị tại Chile và gần 200 cửa hàng cung cấp thực phẩm tại Mỹ, doanh thu năm 2022 đạt 7 tỷ USD.

Ông Federico Bucher - Giám đốc khu vực châu Á của Tập đoàn Cencosud Chile cho biết, tập đoàn đang tìm kiếm nguồn hàng tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là hàng Việt Nam để thay thế hàng Trung Quốc. Hiện Cencosud đang chú ý đến các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ và nội thất của Việt Nam. Nhưng để có thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam nên chú ý đến 3 yếu tố: chất lượng, giá cả và sự linh hoạt.

img_8300(1).jpg
Đại diện Tập đoàn Cencosud của Chile (bên trái) đang trao đổi với nhà cung ứng Việt Nam

Tương tự, Brazil Renner - tập đoàn bán lẻ hàng may mặc lớn nhất của Brazil cũng đang tìm kiếm các nhà cung ứng tại Việt Nam. Bà Roberta Guttler Difini - đại diện của Brazil Renner cho biết, hiện tập đoàn có 30-40 đối tác lớn tại châu Á. “Nguồn hàng rất lớn của chúng tôi đến từ Trung Quốc. Để tránh rủi ro chúng tôi đang tìm kiếm các đối tác khác để thay thế. Chuẩn bị cho việc này, Brazil Renner vừa mở văn phòng đại diện tại Việt Nam”, bà Roberta Guttler Difini thông tin.

Trong khi các tập đoàn lớn đến Việt Nam tìm kiếm nhà cung ứng mới, một số doanh nghiệp Việt Nam cũng bắt đầu chinh phục thị trường này. Bởi như chia sẻ của ông Lý Hoàng Hải - Tổng giám đốc Công ty Eurofins, thị trường Mỹ Latinh không khó tính và có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm quốc gia khá tương đồng với Việt Nam, Thái Lan…

Chia sẻ kinh nghiệm đưa hàng Việt vào thị trường Mỹ Latinh, bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Giám đốc Kinh doanh Công ty Napoli Coffee cho rằng, điều đầu tiên doanh nghiệp phải tìm hiểu tập quán tiêu dùng, kênh phân phối và điều kiện địa lý bởi nếu không quan tâm sẽ ảnh hưởng tới lô hàng xuất đi. Về thanh toán, doanh nghiệp Việt Nam nên mở L/C để hỗ trợ cả hai phía nhập và xuất khẩu. Bên cạnh đó do đây là thị trường xa, thời gian giao hàng lâu nên phải chọn bao bì đóng gói phù hợp với cách thức tiêu dùng và kênh phân phối ở Mỹ Latinh, đồng thời phải có thời gian sử dụng phải lâu hơn.

“Đặc biệt, nên chọn đơn vị vận chuyển hiểu thị trường và có những chứng nhận phù hợp từng nước trong khu vực”, bà Nguyễn Thị Thanh Hà nhấn mạnh chia sẻ.

Ông Mario Schuff - Giám đốc phụ trách quan hệ Việt Nam - Argentina của Phòng Thương mại châu Á cho biết, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển thị trường ở Mỹ Latinh, tuy nhiên doanh nghiệp cần có những bước đi bài bản, chuyên nghiệp. Khoa học công nghệ, kỹ thuật ngày nay đã giúp cho khoảng cách địa lý ngày càng ngắn lại và mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai nước.

“Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm thị trường trên các lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt Nam đang quan tâm. Phòng Thương mại Argentina có thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa vào Argentina. Trong đó, chúng tôi sẽ hỗ trợ, hướng dẫn pháp lý cũng như những những giải pháp hợp tác và đầu tư thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Việt”, ông Mario Schuff cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Mỹ Latinh qua kênh phân phối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO