Nhớ về người gieo gương sáng cho ACB - Cố doanh nhân Trần Mộng Hùng
Một năm đã trôi qua kể từ ngày cố doanh nhân Trần Mộng Hùng, nhà sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) từ biệt cõi trần (25/4/2024 - 25/4/2025). Nhưng với những ai từng gặp gỡ, làm việc cùng ông, hay đơn giản chỉ từng nghe kể về ông, hình ảnh một người đàn ông điềm đạm, chính trực, giàu lý tưởng và luôn kiên định với triết lý phát triển bền vững vẫn còn in đậm trong tâm trí.
Sinh năm 1953, ông Trần Mộng Hùng xuất thân là giảng viên ngành ngân hàng tại TP.HCM. Ông bắt đầu sự nghiệp kinh doanh từ con số không trong một giai đoạn đầy biến động của nền kinh tế. Năm 1993, cùng với các cộng sự, ông sáng lập Ngân hàng Á Châu (ACB), một trong những ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đầu tiên tại Việt Nam, với số vốn điều lệ chỉ 20 tỷ đồng.
Ngay từ những ngày đầu, ông Hùng đã định hình cho ACB một lối đi riêng, với triết lý nhất quán: “Làm ngân hàng là làm niềm tin.” Với ông, tài sản lớn nhất không phải là số dư tài khoản hay quy mô tổng tài sản, mà là niềm tin của khách hàng, của nhân viên và của xã hội. Và niềm tin ấy, ông chưa bao giờ để bị lung lay, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Trong bối cảnh nhiều ngân hàng chạy đua đầu tư vào bất động sản và các lĩnh vực rủi ro cao, ông Hùng lựa chọn đi ngược dòng. Ông kiên định không đưa ACB vào các hoạt động đầu tư thiếu kiểm soát. "Chúng tôi sống nhờ tín dụng của xã hội, thì càng phải biết giữ mình", ông từng chia sẻ. Lối đi ấy không phổ biến, nhưng là minh chứng rõ nét cho bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp.
Khi ACB rơi vào biến cố năm 2012 liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên, chính ông Trần Mộng Hùng đã trở lại Hội đồng Quản trị, âm thầm cùng tập thể đưa ngân hàng vượt qua khủng hoảng. Không nhiều lời, không ồn ào, ông chỉ lặng lẽ hành động, đúng như cách ông đã sống: bằng bản lĩnh, sự tử tế và uy tín được tích lũy từ nhiều năm làm nghề.
Hiện nay, ông Trần Hùng Huy, con trai ông, đang giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Dù từng có những băn khoăn về sức ép kế thừa, nhưng thời gian đã chứng minh: niềm tin mà người cha gửi gắm vào thế hệ kế thừa là đúng đắn.
Dưới sự điều hành của ông Huy, ACB không chỉ phục hồi mà còn bứt phá ngoạn mục. Tính đến cuối năm 2024, ngân hàng có tổng tài sản vượt mốc 700.000 tỷ đồng, liên tục nằm trong nhóm có hiệu suất sinh lời cao nhất ngành. ACB được đánh giá cao về chiến lược phát triển bền vững, quản trị minh bạch và năng lực chuyển đổi số.

Nhưng điều đáng quý nhất mà ông Trần Mộng Hùng để lại không chỉ là một thương hiệu ngân hàng, mà là một chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Trong thời đại mà tốc độ và lợi nhuận nhiều khi đẩy người ta rời xa các giá trị nền tảng, thì tinh thần “tử tế và bền bỉ” của ông trở thành điểm tựa đạo lý, giúp những người làm nghề vững bước mà không mất phương hướng.
Ngày 15/4 vừa qua, ACB được UBND TP.HCM vinh danh là ngân hàng duy nhất góp mặt trong “Top 50 Doanh nghiệp tiêu biểu”, có thương hiệu và sản phẩm chủ lực nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là minh chứng rõ ràng cho hành trình dài xây dựng giá trị bền vững và đồng hành cùng sự phát triển của thành phố.
Ngân hàng có thể tăng vốn, mở rộng mạng lưới, phát triển công nghệ nhưng chính đạo lý kinh doanh, tinh thần trách nhiệm và sự tử tế mới là điều khiến ACB trở nên khác biệt. Đó là ánh sáng mà ông Trần Mộng Hùng đã thắp lên, và hôm nay, vẫn đang được gìn giữ bởi những người ở lại.
Nhân dịp giỗ đầu, nhiều doanh nhân gắn bó với ông Hùng, trong đó có doanh nhân Phạm Phú Ngọc Trai đã nhắc nhớ tôi và dành một tình cảm trân trọng.
Chúc mừng ACB và một lần nữa xin được nghiêng mình trước một doanh nhân mẫu mực, một người gieo gương sáng cho thế hệ doanh nhân hôm nay và mai sau.