Chính thức ban hành tiêu chí môi trường và quy trình xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh
Ngày 6/7/2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg quy định cụ thể về tiêu chí môi trường và việc xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh.
Theo Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg, một dự án đầu tư được xác nhận thuộc danh mục phân loại xanh bắt buộc phải đáp ứng đồng thời hai tiêu chí.
Thứ nhất, dự án phải có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), giấy phép môi trường hoặc giấy đăng ký môi trường theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Những dự án được miễn thực hiện các thủ tục môi trường theo quy định hiện hành sẽ không thuộc đối tượng áp dụng.
Thứ hai, dự án phải nằm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hoặc tạo ra lợi ích rõ ràng về môi trường, đồng thời đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định tại Phụ lục I kèm theo Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg.

Quyết định cũng nêu rõ hai chủ thể có thẩm quyền xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh, gồm: (1) các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy phép môi trường và (2) các tổ chức xác nhận độc lập đáp ứng các điều kiện về pháp lý và năng lực kỹ thuật.
Theo đó, tổ chức xác nhận độc lập phải có tư cách pháp nhân, hoạt động hợp pháp tại Việt Nam và thuộc một trong các loại hình như doanh nghiệp đánh giá sự phù hợp, tổ chức có chức năng đánh giá sự phù hợp, hoặc doanh nghiệp kiểm toán.
Ngoài ra, tổ chức xác nhận độc lập phải vận hành hệ thống quản lý đạt chuẩn theo TCVN ISO/IEC 17029:2020 hoặc ISO/IEC 17029:2019, đồng thời đáp ứng các yêu cầu của Chuẩn mực dịch vụ đảm bảo số 3000 của Việt Nam hoặc ISAE 3000 của quốc tế. Những tổ chức này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả xác nhận, đồng thời bảo đảm tính minh bạch, khách quan trong quá trình đánh giá.
Việc xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh có thể được thực hiện thông qua hai phương thức chính.
Thứ nhất, chủ đầu tư có thể đề xuất xác nhận dự án ngay trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xin cấp giấy phép môi trường. Khi đó, nội dung xác nhận sẽ được tích hợp trong quyết định phê duyệt kết quả ĐTM hoặc trong giấy phép môi trường.
Thứ hai, chủ đầu tư hoặc tổ chức phát hành trái phiếu xanh có thể gửi hồ sơ đề nghị xác nhận tới một tổ chức xác nhận độc lập để thực hiện đánh giá riêng biệt.
Trong trường hợp này, tổ chức xác nhận độc lập sẽ tiến hành kiểm tra, thẩm định và xác nhận theo các tiêu chuẩn, chuẩn mực chuyên môn phù hợp. Thời hạn và chi phí xác nhận do hai bên thỏa thuận và phải tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.
Quyết định cũng quy định cụ thể nội dung và thành phần hồ sơ cần thiết trong từng trường hợp xác nhận. Đối với hình thức xác nhận thông qua cơ quan nhà nước, nội dung đề nghị xác nhận dự án xanh phải được trình bày trong đơn đề nghị thẩm định báo cáo ĐTM hoặc đơn xin cấp giấy phép môi trường.
Đồng thời, báo cáo thuyết minh về việc dự án đáp ứng tiêu chí môi trường phải được trình bày thành một chương riêng, theo nội dung hướng dẫn tại Phụ lục III của Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg.
Trong khi đó, đối với xác nhận do tổ chức độc lập thực hiện, hồ sơ đề nghị cần bao gồm: văn bản đề nghị xác nhận theo mẫu, bản sao quyết định phê duyệt ĐTM hoặc giấy phép môi trường (hoặc giấy đăng ký môi trường nếu dự án thuộc đối tượng đăng ký), kèm theo báo cáo thuyết minh dự án xanh tại thời điểm đề xuất cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh hoặc xin hưởng các chính sách ưu đãi liên quan.
Công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động xác nhận dự án xanh sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các văn bản pháp lý có liên quan.
Các tổ chức và cơ quan xác nhận phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực và khách quan trong quá trình đánh giá, nhất là trong bối cảnh dự án có thể được hưởng các cơ chế ưu đãi về tín dụng xanh, trái phiếu xanh hay các nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước.
Các chuyên gia nhận định, việc ban hành danh mục phân loại xanh quốc gia là một bước tiến quan trọng, đóng vai trò “nền tảng kỹ thuật” để phát triển thị trường tài chính xanh.
Theo chia sẻ từ giới chuyên môn, việc thiết lập tiêu chí và quy trình xác nhận dự án xanh sẽ giúp các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư và doanh nghiệp nhận diện rõ các hoạt động thân thiện với môi trường, từ đó góp phần gia tăng niềm tin của thị trường, giảm thiểu rủi ro trong đầu tư và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn xanh.
Trước đó, nhiều chuyên gia đã bày tỏ kỳ vọng về một hành lang pháp lý minh bạch và đầy đủ cho hoạt động phân loại và xác nhận dự án xanh.
Sự thiếu vắng danh mục phân loại chính thức khiến các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong việc đánh giá, thẩm định và xác định các dự án có đủ điều kiện để tiếp cận nguồn tài chính xanh.
Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg ra đời đúng lúc đã đáp ứng kỳ vọng đó và hứa hẹn sẽ là công cụ hữu hiệu để hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững mà Chính phủ đang theo đuổi.