Bản tin tổng hợp

Tín dụng tăng gần 10% trong 6 tháng đầu năm 2025

TH 08/07/2025 14:02

Trong 6 tháng đầu năm 2025, hệ thống ngân hàng đã bơm mạnh dòng vốn ra nền kinh tế, đưa tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt mức 9,9%, cao nhất kể từ năm 2023.

Theo số liệu do Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà công bố tại cuộc họp báo ngày 8/7, tính đến hết tháng 6/2025, tổng dư nợ tín dụng đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024 và tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng trong giai đoạn từ 26 đến 30/6, tín dụng toàn hệ thống đã tăng thêm khoảng 300.000 tỷ đồng, mức tăng đột biến thường chỉ ghi nhận vào giai đoạn cuối năm.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà trao đổi tại họp báo
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà trao đổi tại họp báo

Cơ cấu tín dụng tiếp tục dịch chuyển tích cực theo hướng ưu tiên các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và ngành nghề trọng điểm.

Tính đến cuối tháng 5/2025, tín dụng nông nghiệp và nông thôn tăng 5,31%, chiếm 23,16% tổng dư nợ; tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 5,71%, chiếm 17,51%; tín dụng xuất khẩu tăng 2,91%, chiếm 2,06%; tín dụng cho công nghiệp hỗ trợ tăng mạnh 15,69%, chiếm 3,24%.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đang triển khai các chương trình tín dụng quy mô lớn như: 145.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội; 500.000 tỷ đồng cho vay đầu tư hạ tầng và công nghệ số; và 100.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.

Theo NHNN, kết quả tăng trưởng tín dụng nêu trên là nhờ chính sách tiền tệ linh hoạt và đồng bộ ngay từ đầu năm. NHNN đã duy trì mặt bằng lãi suất điều hành ở mức hợp lý, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp, từ đó hỗ trợ giảm lãi suất cho vay trên thị trường.

Tính đến hết tháng 6, lãi suất cho vay bình quân cho các khoản vay mới đã giảm còn 6,24%/năm, thấp hơn 0,64 điểm phần trăm so với cuối năm 2024.

Cùng với đó, NHNN thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ để mở rộng khả năng cung ứng tín dụng với chi phí hợp lý.

Tăng trưởng tín dụng cũng luôn gắn với yêu cầu đảm bảo chất lượng tín dụng và kiểm soát rủi ro, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, hạn chế dòng vốn chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.

Theo đánh giá của đại diện Ngân hàng nhà nước, rủi ro tiềm ẩn trên thị trường tài chính – tiền tệ thế giới vẫn tạo áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất trong nước.
Quang cảnh buổi họp báo

Dư địa tín dụng trong thời gian tới vẫn còn rộng mở. NHNN cho biết sẽ tiếp tục bám sát tình hình thực tế để điều hành linh hoạt chính sách tín dụng, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm 2025, đồng thời kiểm soát lạm phát trong ngưỡng 4,5 - 5%.

Tuy nhiên, NHNN cũng không chủ quan, luôn theo dõi sát diễn biến trong nước và quốc tế để kịp thời có các biện pháp ứng phó phù hợp.

Một nội dung quan trọng được NHNN nhấn mạnh trong thời gian tới là tiến trình từng bước dỡ bỏ “room” tín dụng, công cụ vốn được áp dụng nhiều năm nhằm kiểm soát tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống.

Theo ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, từ đầu năm 2025, NHNN đã không giao chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng nước ngoài và tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Việc bỏ hoàn toàn “room” tín dụng sẽ được thực hiện theo lộ trình thận trọng, dựa trên đánh giá đầy đủ về tác động đối với an toàn hệ thống, ổn định vĩ mô và khả năng kiểm soát lạm phát. Trong trường hợp cần thiết, NHNN sẽ chủ động sử dụng công cụ lãi suất và các biện pháp điều hành khác để kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp.

Trong lĩnh vực thanh toán và chuyển đổi số, NHNN tiếp tục ghi nhận những kết quả vượt bậc. Tính đến giữa tháng 6/2025, Việt Nam có hơn 117 triệu hồ sơ cá nhân được xác thực sinh trắc học qua căn cước công dân gắn chip hoặc ứng dụng VNeID, chiếm gần 100% số tài khoản giao dịch số.

Ngoài ra, gần 1 triệu hồ sơ tổ chức cũng đã được xác thực, đạt tỷ lệ trên 70%. Việc xác thực dữ liệu khách hàng giúp tăng cường an toàn trong giao dịch và là nền tảng để phát triển ngân hàng số bền vững.

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục bùng nổ với giá trị giao dịch gấp 25 lần GDP. Hơn 95% giao dịch ngân hàng hiện nay được thực hiện qua kênh số thay vì tại quầy.

Việt Nam cũng đang dẫn đầu khu vực trong việc kết nối thanh toán QR xuyên biên giới với Thái Lan, Campuchia và Lào, mở ra cơ hội lớn cho hợp tác thương mại và tài chính khu vực ASEAN.

Ngành ngân hàng cũng là lĩnh vực đi đầu trong cải cách hành chính, với 7 năm liên tiếp dẫn đầu trong số các bộ, ngành trung ương. Hệ sinh thái ngân hàng số ngày càng hoàn thiện, cung cấp đa dạng dịch vụ tài chính từ mở tài khoản, thanh toán, tiết kiệm, đến vay vốn hoàn toàn trực tuyến, giúp nâng cao trải nghiệm người dùng và mở rộng khả năng tiếp cận tài chính toàn diện.

Với các kết quả đạt được trong nửa đầu năm, ngành ngân hàng đang đóng vai trò then chốt trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời giữ vững ổn định tài chính - tiền tệ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều rủi ro.

NHNN khẳng định sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa và các công cụ điều tiết khác để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát trong năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tín dụng tăng gần 10% trong 6 tháng đầu năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO