Thương mại 2 chiều tăng gần gấp đôi trong 5 năm
Phát biểu tại "Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Mỹ Latinh năm 2022" do Bộ Công Thương phối hợp UBND TP.HCM tổ chức ngày 25/11/2022, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải ghi nhận những kết quả tích cực trong trao đổi thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh. Từ nhiều năm nay, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh không ngừng phát triển và mở rộng.
Chỉ trong 5 năm, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gần gấp đôi, từ 11,6 tỷ USD của năm 2016 lên 21,4 tỷ USD năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ Latinh đạt 12,5 tỷ USD, tăng 46,4% so với năm 2020, nhập khẩu từ Mỹ Latinh vào Việt Nam đạt 8,9 tỷ USD, tăng 20,2%.
Năm 2022, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nhiều biến động, thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ Latinh vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch hai chiều đạt 18,7 tỷ USD, tăng 10,5%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ Latinh đạt 10,2 tỷ USD, tăng 5,3%, nhập khẩu từ Mỹ Latinh vào Việt Nam đạt 8,6 tỷ USD, tăng 17,3%.
Đáng chú ý, bên cạnh các thị trường có kim ngạch trao đổi hàng đầu là Brazil, Mexico, Argentina, Chile, nhiều thị trường mới nổi như Panama, Colombia, Peru trở thành điểm sáng trong trao đổi thương mại của Việt Nam với Mỹ Latinh. Năm 2021, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các thị trường này đều tăng trưởng rất cao. Cụ thể, với Colombia đạt 674,7 triệu USD, tăng 41,5%; với Peru đạt 633,7 triệu USD, tăng 62%; với Panama đạt 465,6 triệu USD, tăng 45,5%.
Cũng theo Thứ trưởng, Mỹ Latinh luôn nằm trong số các thị trường tăng trưởng cao nhất của Việt Nam. Không chỉ là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như hàng dệt may, da giày, nông thủy sản, Mỹ Latinh còn là khu vực cung ứng nguyên phụ liệu quan trọng cho ngành sản xuất của Việt Nam như ngô, đậu tương, thức ăn chăn nuôi…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải ghi nhận kết quả tích cực trong trao đổi thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh |
Chi phí logistics cao, khác biệt ngôn ngữ, thiếu thông tin thị trường
Theo các chuyên gia, dù kim ngạch trao đổi thương mại song phương không ngừng tăng nhưng con số 21,4 tỷ USD vẫn còn khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 3% so với tổng giá trị trao đổi thương mại của Việt Nam với thế giới.
Riêng với TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, dù tăng trưởng tích cực nhưng quan hệ kinh tế giữa TP.HCM và Mỹ Latinh vẫn chưa xứng tầm và còn nhiều không gian phát triển. Cụ thể, trong 11 tháng của năm 2022, tổng kim ngạch thương mại TP.HCM và Mỹ Latinh đạt 1,25 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của thành phố vào các thị trường Mỹ Latinh đạt 700 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu từ các thị trường Mỹ Latinh đạt 550 triệu USD.
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, DN Việt và các đối tác Mỹ Latinh từ lâu vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong hợp tác kinh doanh như khoảng cách địa lý, chưa có tuyến vận tải hàng hoá và hành khách trực tiếp, chi phí logistics luôn ở mức cao, khác biệt về ngôn ngữ, thiếu thông tin thị trường…
Ông Guillermo Perez Cena - Tổng giám đốc của công ty Asia America Commerce Solution SRL cho rằng, triển vọng tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và các nước khu vực đang đối mặt nhiều thách thức trong bối cảnh xung đột địa chính trị, lạm phát tăng cao hay các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 của Trung Quốc gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, quan hệ kinh tế giữa TP.HCM và Mỹ Latinh còn nhiều dư địa để phát triển |
Trên thực tế, rất nhiều DN xuất khẩu của Việt Nam đang phải xoay sở với nỗi lo sụt giảm đơn hàng khi nhu cầu tại nhiều thị trường giảm mạnh. Bên cạnh đó là sự thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu phục vụ sản xuất. Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần có các giải pháp cụ thể để tiếp tục duy trì chuỗi cung ứng, sản xuất xuất khẩu.
Khuyến khích DN tìm cơ hội ở khu vực Mỹ Latinh
Trong bối cảnh hiện nay, giải pháp hữu hiệu là DN Việt nên tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới nổi của Mỹ Latinh. Tuy thị trường có quy mô nhỏ nhưng phù hợp với sở trường, năng lực của DN Việt, đồng thời có thể xem khu vực này như cửa ngõ, trạm trung chuyển để hàng hoá Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường khu vực.
Bên cạnh đó, DN nên xuất khẩu hàng hoá thông qua hệ thống phân phối nước ngoài. Theo Bà Sải Thị Thu Thuỷ - Trưởng thương vụ Việt Nam tại Chile, các DN thông qua việc đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, quy định kỹ thuật liên quan của các tập đoàn phân phối, bán lẻ nước ngoài, có thể đưa hàng hoá Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường các nước, từng bước đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Đây là hình thức xuất khẩu hiệu quả, mang lại nhiều giá trị gia tăng cho DN trong bối cảnh hiện nay.
Thứ trưởng Nguyễn Thắng Hải kỳ vọng, trong nỗ lực đồng hành cùng cộng đồng DN hai bên khai thác tối đa các cơ hội thị trường, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác mới với ưu thế từ các hiệp định thương mại, Diễn đàn sẽ mở ra một kênh trao đổi thông tin, quan điểm một cách toàn diện, đồng thời hỗ trợ thiết lập mạng lưới kết nối giữa DN hai quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan tại Diễn đàn. |
"Chính phủ, Bộ Công Thương cùng với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước Mỹ Latinh sẽ nỗ lực hỗ trợ các địa phương và cộng đồng DN Việt Nam về thông tin thị trường, làm cầu nối với các đối tác Mỹ Latinh, hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình kinh doanh và đầu tư, mở rộng thị trường", ông Hải nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, hơn 100 DN Việt Nam tham gia kết nối trực tiếp với gần 30 DN Mỹ Latinh ở các lĩnh vực nông sản, thực phẩm, dệt may... Bên lề diễn đàn, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã trao đổi với Thứ trưởng Ngoại giao Haiti Azad Pierre Belfort và Chủ tịch Hội đồng Ngoại thương miền Tây Mexico kiêm Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại bang Jalisco, Mexico về các biện pháp thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương. |