Chuyện làm ăn

Nhân dân tệ tăng giá mạnh: Nhập siêu từ Trung Quốc có thu hẹp?

Khánh Phương 10/09/2024 11:30

Nếu như đồng Nhân dân tệ (CNY) mạnh lên làm hạn chế lượng hàng nhập từ Trung Quốc, hàng hoá xuất khẩu sang Trung Quốc có thể được lợi. Những mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu sang các quốc gia khác có đối thủ cạnh tranh là Trung Quốc cũng sẽ có lợi thế hơn nhờ tỷ giá.

Thâm hụt với Trung Quốc và sự tăng giá của đồng nhân dân tệ

Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước trong 8 tháng qua lên tới hơn 130 tỷ USD. Trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 77,9 tỷ USD, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 92,3 tỷ USD.

Đáng lưu ý, trong khi nền kinh tế nhập xuất siêu hàng hóa 8 tháng lên tới hơn 19 tỷ USD, riêng tháng 8, xuất siêu hơn 4,5 tỷ USD, ngược lại nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 54,4 tỷ USD, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này đặt ra nhiều thách thức trong mục tiêu tìm kiếm mối quan hệ thương mại cân bằng hơn, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu từ quốc gia láng giềng có quy mô kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Trong bối cảnh đồng nhân dân tệ đang trong xu hướng tăng giá trở lại, thâm hụt thương mại với Trung Quốc có thể thu hẹp trong thời gian còn lại của năm nay. Cụ thể, trong tháng 8 vừa qua, CNY bất ngờ tăng 2% so với USD và theo đó ghi nhận mức tăng khoảng 0,7% từ đầu năm đến nay. Những ngày qua, đồng nhân dân tệ có lúc tăng lên đến 1 USD ăn 7,0750 CNY, là mức mạnh nhất kể từ tháng 6/2023.

Trước xu hướng tăng giá của CNY, các nhà xuất khẩu Trung Quốc càng có động lực chuyển đổi ngoại tệ trở lại thành nhân dân tệ, từ đó đẩy đồng tiền này lên mức cao hơn nữa.

Không thể không kể đến thành quả đến từ chiến lược quốc tế hóa đồng nhân dân tệ mà Bắc Kinh đã thực hiện trong những năm gần đây khi tháng 7/2024 đã ghi nhận 53% giao dịch quốc tế của nước này được thực hiện bằng CNY, tăng đáng kể so với mức 40% của cùng kỳ năm 2021.

0956652.jpg

Dè chừng rủi ro tỷ giá với đồng nhân dân tệ

Cần lưu ý là mặc dù tiền đồng đã tăng giá trở lại so với USD trong tháng 8 vừa qua, nhưng nếu so với mức tăng mạnh hơn của nhân dân tệ, tiền đồng vẫn đang ghi nhận mất giá hơn 2,2% so với CNY. Với triển vọng CNY còn mạnh lên trong thời gian tới, doanh nghiệp trong nước chuyên nhập khẩu hàng Trung Quốc có thể đối mặt với rủi ro tỷ giá.

Hiện nay, không chỉ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đang ngày càng nhập khẩu nhiều mặt hàng hơn từ Trung Quốc, thể hiện qua kim ngạch nhập khẩu và giá trị nhập siêu từ liên tục đi lên trong những năm qua. Với vị trí địa lý thuận tiện cho việc vận chuyển, hàng hóa của Trung Quốc có mẫu mã đa dạng và đặc biệt và có giá cả rất cạnh tranh nên “thắng trên thương trường” là tất nhiên.

Nếu như đồng nhân dân tệ mạnh lên có thể hạn chế lượng hàng nhập từ Trung Quốc, hàng hoá xuất khẩu sang Trung Quốc có thể được lợi. Những mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu sang các quốc gia khác có đối thủ cạnh tranh là Trung Quốc cũng sẽ có lợi thế cạnh tranh nhờ tỷ giá. Một trong số đó là các mặt hàng nông sản.

Trong tháng 8 ước đạt hơn 700 triệu USD, tăng 26,8% so với tháng trước và tăng 50,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính trong 8 tháng, xuất khẩu rau quả ước đạt 4,58 tỷ USD, tăng 29,1% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch 2,93 tỷ USD, chiếm tới 64% trong tổng thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Cũng cần nói thêm, trong tháng 8 vừa qua, Việt Nam đã ký kết ba nghị định thư quan trọng, mở đường cho việc xuất khẩu dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu sang thị trường Trung Quốc.

Việc mở cửa sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sang Trung Quốc - những sản phẩm có sản lượng lớn của Việt Nam sẽ đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu ngành hàng rau quả cũng như nông sản nói chung thời gian tới. Đặc biệt, với giá bán dừa tươi đang tăng mạnh, việc ký nghị định thư với Trung Quốc sẽ giúp xuất khẩu dừa tươi có thể đạt 250 triệu USD và đưa ngành dừa có thể cán mốc tỷ USD trong năm nay.

Dù vậy, đà tăng của đồng nhân dân tệ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực từ tăng trưởng chậm, khi chi tiêu giảm và các biện pháp kích thích tiêu dùng quy mô lớn vẫn đang có những hạn chế nhất định. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cũng có thể can thiệp để kiềm chế đà tăng của CNY trước lo ngại về tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với các nhà xuất khẩu Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhân dân tệ tăng giá mạnh: Nhập siêu từ Trung Quốc có thu hẹp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO