Chuyện làm ăn

Tái cơ cấu nợ, doanh nghiệp dễ thở hơn

Khánh Phương 14/08/2024 - 11:58

Việc gia hạn chính sách cơ cấu nợ cũng giúp các doanh nghiệp (DN) có thời gian phục hồi, từ đó có dòng tiền trả nợ ngân hàng. Vì vậy, các DN cũng cần nỗ lực tận dụng cơ chế hỗ trợ này để vượt qua khó khăn hiện nay.

Tận dụng cơ chế - Vượt qua khó khăn

Trước nguy cơ nợ xấu từ đầu năm nay đang đi lên, ngay từ tháng 4 năm nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 06/2024/TT-NHNN kéo dài thời gian thực hiện chính sách tại Thông tư 02 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho DN khó khăn đến hết ngày 31/12 năm nay, thay vì kết thúc vào ngày 30/6. Đây được cho là quyết sách cần thiết và kịp thời để góp phần kiềm hãm nợ xấu trên sổ sách của hệ thống ngân hàng tiếp tục gia tăng.

Ngoài ra, việc gia hạn chính sách cơ cấu nợ cũng giúp các DN có thời gian phục hồi, từ đó có dòng tiền trả nợ ngân hàng. Vì vậy, các DN cũng cần nỗ lực tận dụng cơ chế hỗ trợ này để vượt qua khó khăn hiện nay, với kỳ vọng nền kinh tế cũng đang phục hồi tích cực trở lại sẽ giúp hoạt động của các DN khởi sắc hơn.

Dữ liệu mới đây cho thấy chỉ số quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam có tháng thứ 2 liên tiếp đạt mốc 54,7 điểm, đánh dấu tháng 6 duy trì trên ngưỡng 50 điểm trong 7 tháng đầu năm nay. Số lượng đơn đặt hàng mới, gồm cả thị trường nội địa và xuất khẩu, cũng cho tín hiệu tăng mạnh trở lại. Về cơ bản, PMI nằm trên mốc 50 điểm cho thấy các điều kiện kinh doanh đang được mở rộng.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, giúp Việt Nam tiếp tục xuất siêu 14,08 tỷ USD.

Mặt bằng lãi suất cho vay liên tục giảm trong thời gian qua cũng giúp các khoản nợ nếu được tái cơ cấu cũng sẽ dễ chịu hơn về mặt chi phí lãi vay. NHNN cho biết lãi suất cho vay bình quân hiện ở mức 8,3% một năm, giảm 0,96% so với cuối năm 2023, còn lãi suất tiền gửi bình quân là 3,59% một năm, giảm 1,08%. Định hướng của Chính phủ là vẫn phải tiếp tục kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay xuống thấp hơn trong thời gian tới.

taico-cau-no.jpg

Khi tiếp cận tín dụng mới vẫn khó

Theo đại diện FiinGroup, khoảng trống tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ - SMEs ở Việt Nam ước tính khoảng 24 tỷ USD, gấp 2,11 lần mức cho vay DN SMEs hiện tại. Trong khi đó, dự toán khoảng trống tài chính của DN SMEs tại các nước đang phát triển chỉ cao hơn 1,23 lần các khoản vay hiện thời dành cho DN SMEs.

Nguyên nhân khiến DN SMEs khó tiếp cận tín dụng là do nhiều yếu tố như yêu cầu cao về tài sản đảm bảo, quy trình phê duyệt tín dụng phức tạp và sự thiếu hụt thông tin tài chính minh bạch từ các DN này. Ngoài ra, với phương pháp chấm điểm tín dụng truyền thống, DN SMEs cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay các tổ chức tín dụng, đặc biệt trong bối cảnh các tổ chức tín dụng ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế.

Đáng lưu ý là tín dụng sau khi tăng tốc trong tháng 6 để kéo mức tăng trưởng trong nửa đầu năm lên mốc 6%, bước sang tháng 7 đã bất ngờ giảm trở lại khi chỉ còn tăng 5,66%. Với rủi ro trong nền kinh tế vẫn tiềm ẩn, các ngân hàng cũng ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn điều kiện cấp tín dụng, nhất là khi nguồn vốn đầu vào vẫn có nhiều hạn chế, thể hiện qua tăng trưởng tiền gửi của các nhà băng liên tục không theo kịp mức tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay.

Về phí các ngân hàng, chính sách tái cơ cấu nợ cũng giúp ngành ngân hàng góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN, kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, tạo điều kiện tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng qua đó góp phần phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu đề ra của năm.

Điều quan trọng hơn là các ngân hàng cũng muốn kiềm chế nợ xấu để không tiếp tục tăng nhanh, nên một mặt đẩy tín dụng mặt khác tích cực tái cơ cấu nợ cho khách hàng đủ điều kiện. Các dữ liệu gần đây cũng cho thấy nợ cơ cấu lại thời hạn và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 06/2024 và Thông tư 02/2023 đã tăng khá mạnh, với tổng giá trị nợ gốc và lãi đã tăng thêm 25,5% so với cuối năm 2023 lên 230.400 tỷ đồng. Đồng thời, số lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng đi lên, từ 188.000 lượt lên 282.000 lượt tính đến cuối tháng 6/2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tái cơ cấu nợ, doanh nghiệp dễ thở hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO