Bình luận

TP.HCM kiến tạo thế và lực mới để vươn lên thành trung tâm thương mại - dịch vụ khu vực

Kim Loan 12/07/2025 06:30

Không gian mở rộng, vị thế nâng cao và quyết tâm chính trị mạnh mẽ đang tạo thế và lực mới để TP.HCM vươn mình trở thành trung tâm toàn diện về thương mại, tài chính, dịch vụ và logistics của khu vực.

Tại tọa đàm “Không gian phát triển TP.HCM - Động lực từ xây dựng chuỗi cung ứng và bán lẻ” do Sở Công Thương TP.HCM phối hợp cùng Báo Tuổi Trẻ tổ chức chiều 11/7/2025, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng khẳng định, thành phố đang bước vào giai đoạn phát triển chiến lược, đòi hỏi hành động đồng bộ, quyết liệt và sáng tạo.

Theo ông Dũng, TP.HCM hiện đang nắm giữ “thế và lực mới” khi không gian đô thị mở rộng, vị thế được nâng tầm và quyết tâm chính trị đang ở mức cao. Với diện tích hơn 6.700 km² và dân số trên 14 triệu người, TP.HCM không chỉ là "đầu tàu" kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn là thị trường tiêu dùng nội địa lớn nhất cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2025, GRDP của thành phố tăng 7,82%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 654.000 tỷ đồng (tăng 15,8%), kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31,6 tỷ USD (tăng 13,3%), nhập khẩu ước đạt 24,9 tỷ USD (tăng 13,2%). Thành phố đang tiến gần đến mục tiêu tăng trưởng 8,5% trong năm 2025 do Chính phủ giao, trong đó khu vực dịch vụ tiếp tục đóng vai trò chủ lực.

z6795595684274_f16f6ca19e34e2155468a9110592ac00.jpg

Trong bối cảnh không gian đô thị được mở rộng, TP.HCM xác định cần xây dựng một hệ sinh thái thương mại - dịch vụ hiện đại, số hóa và tích hợp sâu rộng. Để hiện thực hóa mục tiêu này, thành phố phải nhanh chóng tái cấu trúc hệ thống hạ tầng thương mại, logistics và phân phối - những trụ cột then chốt tạo động lực phát triển bền vững.

Đặc biệt, ông Dũng nhấn mạnh vai trò chiến lược của hệ thống logistics đa phương thức đang từng bước định hình lại cấu trúc thương mại khu vực phía Nam. TP.HCM đang có cơ hội lớn để hình thành hành lang logistics liên vùng, liên quốc gia, với vai trò trung tâm kết nối. Các công trình trọng điểm như vành đai 3, vành đai 4 kết nối đồng bộ hai sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Long Thành cùng cụm cảng nước sâu và các ICD vệ tinh sẽ là nền tảng cho sự phát triển đồng bộ và toàn diện.

Thành phố cũng đang tích cực thúc đẩy các mô hình liên kết công - tư và hợp tác liên tỉnh. Ví dụ tiêu biểu là sáng kiến liên minh TP.HCM - Bình Dương - Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm xây dựng hành lang logistics kết nối từ cảng biển đến các khu chế xuất và khu công nghiệp trọng điểm, từ đó hình thành hệ sinh thái thương mại - dịch vụ tích hợp theo chuẩn mực khu vực.

Về định hướng phát triển, thành phố xác định ba trụ cột ưu tiên: quy hoạch không gian thương mại đa trung tâm, đầu tư nâng cấp hạ tầng số và logistics, và xây dựng cơ chế đặc thù để triển khai các mô hình thương mại mới như khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm hội nghị - triển lãm tiêu chuẩn cao.

Đáng chú ý, Phó chủ tịch TP.HCM cũng đề xuất phát triển mô hình “outlet hàng hiệu giá rẻ” như một giải pháp đột phá trong lĩnh vực bán lẻ nhằm phục vụ người dân tốt hơn và góp phần chống hàng giả, hàng nhái một cách hiệu quả. Ông cho rằng đây là hướng đi thực tiễn, bắt kịp xu hướng tiêu dùng hiện đại và nâng tầm trải nghiệm mua sắm tại đô thị lớn nhất cả nước.

Không chỉ tập trung vào nội đô, TP.HCM còn đặt mục tiêu phát triển toàn diện không gian mở rộng thông qua mô hình TP.HCM. Trong đó, Côn Đảo được xác định là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng - thương mại - du lịch. “Côn Đảo sẽ không bị tụt lại phía sau. Phải là một phần toàn diện của TP.HCM mới với bản sắc riêng, không gian riêng và động lực phát triển riêng”, ông Dũng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM kiến tạo thế và lực mới để vươn lên thành trung tâm thương mại - dịch vụ khu vực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO