Khi trái đất càng nóng lên, tần suất xuất hiện của các thiên tai sẽ càng tăng lên. Một hệ quả của biến đổi khí hậu là giá cả của hầu hết hàng hóa đều tăng lên, đó là thách thức buộc doanh nghiệp phải đánh giá lại chiến lược và thay đổi cách thức kinh doanh.
UPS hiện sử dụng công nghệ tìm đường, tiết kiệm tới 8,4 triệu gallon nhiên liệu mỗi năm. |
Cuối năm 2011, trận lũ lụt kinh hoàng tại Thái Lan đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến sản lượng sản xuất của các hãng xe như Toyota, Honda giảm tới hàng trăm ngàn chiếc.
Sang tháng 10/2012, cơn bão Sandy đã làm ngập nặng khu vực trung tâm Manhattan, làm mất điện gần 4 ngày, khiến các doanh nghiệp tại New York bị thiệt hại tới 6 tỉ USD.
Một năm sau, siêu bão Haiyan đã quét qua Philippines, cướp đi sinh mạng của hơn 6.000 người, gây thiệt hại ước tính lên tới 14 tỉ USD.
Khi trái đất càng nóng lên, tần suất xuất hiện của các thiên tai như thế sẽ càng tăng lên. Một hệ quả của biến đổi khí hậu là giá cả của hầu hết hàng hóa đều tăng lên, một sự ngược lại hoàn toàn so với xu hướng giá giảm trong suốt thế kỷ qua.
Giá cả tăng cao đã ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Chẳng hạn, giá cotton tăng lên đã buộc các nhà sản xuất hàng may mặc và nhà bán lẻ phải đứng trước 2 lựa chọn khó khăn.
Một là chuyển phần chi phí tăng lên sang cho người tiêu dùng, nhưng điều này sẽ làm giảm doanh số bán. Hai là giữ giá bán như cũ nhưng điều này sẽ làm ảnh hưởng đến biên lợi nhuận.
Những thách thức như thế đã buộc doanh nghiệp phải đánh giá lại chiến lược và thay đổi cách thức kinh doanh. Andrew Winston, chuyên gia tư vấn chiến lược môi trường và là tác giả của cuốn sách The Big Pivot: Radically Practical Strategies for a Hotter, Scarcer, and More Open World, cho biết ông đã dành hơn 10 năm nghiên cứu và tư vấn cho nhiều tập đoàn lớn nhất trên thế giới, tìm hiểu cách doanh nghiệp giải quyết các thách thức môi trường và xã hội.
Ông Winston nhận thấy một số doanh nghiệp đang bắt đầu thực hiện những thay đổi lớn trong chiến lược, hoạt động và triết lý kinh doanh để trở nên bền vững hơn và cho phép họ tạo ra giá trị mới trong một thế giới nóng dần lên với nguồn tài nguyên hạn hẹp và giá cả tăng lên.
Cách làm của họ là thực hiện những cải tiến lớn nhằm tăng hiệu quả hoạt động, cắt giảm việc sử dụng năng lượng và nguyên liệu, hạn chế chất thải và khí thải.
Một công ty sản xuất, chẳng hạn, nếu hạn chế tối thiếu việc sử dụng năng lượng và tự tạo nguồn điện riêng từ các nguồn năng lượng tái tạo thì sẽ có thể hoạt động bền vững hơn nếu lưới điện gặp vấn đề.
Đặt ra những câu hỏi “không giống ai”
Thay đổi khí hậu và nguồn lực khan hiếm chắc chắn sẽ tác động đến doanh nghiệp trong ngắn hạn nhưng thay vì giải quyết hậu quả từ biến đổi khí hậu, việc chủ động đối phó mới là cách làm khôn ngoan nhất.
Để làm điều này, ông Winston cho rằng cần phải biết đặt ra các câu hỏi “lạ lùng”, những câu hỏi đả phá mọi cách làm cũ của một doanh nghiệp. Tại tập đoàn vận tải Mỹ UPS, một nhà quản lý đã đặt câu hỏi là “Liệu chúng ta có thể cắt giảm chi phí nhiên liệu bằng cách tránh quẹo trái không?”.
Giống như nhiều công ty khác trong ngành có sở hữu một lượng xe hùng hậu, UPS hiện sử dụng các công nghệ tìm đường, trong đó tránh những đường đi mà phải quẹo trái để giảm số km xe chạy và giảm khoảng thời gian chạy lòng vòng, tiết kiệm tới 8,4 triệu gallon nhiên liệu mỗi năm.
Hay tại Adidas và Nike, chẳng hạn, các nhà cải tiến tại đây đã đặt câu hỏi liệu có thể nhuộm quần áo - một quy trình sử dụng rất nhiều nước - mà không phải dùng nước. Cả hai công ty đã tìm ra được công nghệ để hoàn thành được mục tiêu này.
Tại Kimberly-Clark, câu hỏi được đặt ra là “Liệu giấy cuộn vệ sinh có thực sự cần đến lõi carton?”. Đó là lý do thúc giục Công ty phát triển những cuộn giấy vệ sinh không lõi và họ đã thành công.
Những cải tiến đến từ những câu hỏi “không giống ai” như vậy giúp tạo ra các doanh nghiệp bền vững hơn. Bây giờ giả dụ nước có trở nên khan hiếm, các nhà máy của Adidas và Nike cũng sẽ không gặp vấn đề gì vì họ đã phát triển được công nghệ không cần dùng đến nước.
Định giá khí thải
Nhà điều hành doanh nghiệp luôn phải quyết định nên phân bổ các nguồn lực như tài chính, con người… vào đâu mới có thể đem lại lợi nhuận cao nhất. Họ làm điều này bằng cách dựa vào các công cụ cơ bản như chỉ số ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) hay ROI (lợi nhuận/vốn đầu tư).
Thế nhưng, những công cụ này chỉ “xài” được khi doanh nghiệp có thông tin đầy đủ như giá đầu vào, đầu ra... thì mới có thể đưa ra ước tính chính xác về ROE. Nhiều thứ có thể tạo ra giá trị hoặc phá hủy giá trị lại không có “bảng giá” kèm theo hoặc không có trong các tính toán trên.
Những thứ này rơi vào 2 loại: Một là cái mà các chuyên gia kinh tế gọi là những yếu tố ngoại vi, hoặc những lợi ích hoặc chi phí phát sinh bên ngoài công ty. Hai là những yếu tố gián tiếp tác động lên lợi nhuận hoặc giá trị trong nội bộ công ty nhưng khó có thể đo lường.
Những yếu tố ngoại vi bao gồm ô nhiễm và thiệt hại gây ra cho nguồn tài nguyên thiên nhiên (ở phía tiêu cực) và những lợi ích mà một công ty mang lại cho xã hội nhưng không được “thanh toán lại” như tạo ra việc làm và của cải cho xã hội (ở phía tích cực).
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Thiên nhiên ban tặng cho xã hội và doanh nghiệp nhiều dịch vụ mà không hề được định giá trên thị trường như không khí sạch và nước sạch, một khí hậu tương đối ổn định, cây trồng và gia súc gia cầm để con người dùng làm thức ăn và dược liệu… Những tài sản này được gọi là vốn thiên nhiên, mà giới doanh nghiệp thường phớt lờ đi giá trị của chúng.
Kinh tế học cơ bản chỉ ra rằng khi giá trị của một nguồn lực không được đo lường, doanh nghiệp sẽ có xu hướng không quan tâm bảo vệ nó đúng mức. Hoặc tệ hơn, khi doanh nghiệp không có tốn bất cứ chi phí nào để có được nguồn lực giá trị đó, họ sẽ có xu hướng sử dụng nó một cách bừa bãi và khiến nguồn lực đột ngột trở nên khan hiếm.
Hãy xem cách nền kinh tế thế giới sử dụng bầu khí quyển như một ống xả khí thải carbon miễn phí và hệ quả mà nền kinh tế đang gánh chịu là bầu khí quyển trở nên ô nhiễm, trái đất nóng dần lên.
Tuy nhiên, điều đáng mừng là các công ty như Dow Chemical và Puma, cùng với các đối tác như Nature Conservancy, Trucost và PwC, đang nỗ lực đánh giá xem tự nhiên đã tạo ra giá trị như thế nào cho doanh nghiệp của họ.
Một số công ty đã bắt đầu dành ra một khoản ngân sách cho các khoản đầu tư xanh. Như Johnson & Johnson, chẳng hạn, hàng năm dành ra 40 triệu USD cho các dự án năng lượng và giảm khí thải nhà kính. Một số khác như General Electric thì tạo ra hẳn một danh mục các dự án tiết kiệm năng lượng.
Không ít doanh nghiệp đã đi trước cả các cơ quan quản lý khi tự mình định giá các nguồn lực mà xưa nay chưa từng được “gắn bảng giá”. Carbon Disclosure Project gần đây cho biết 29 trong số các công ty lớn nhất thế giới đang đưa giá thải khí carbon vào các kế hoạch tài chính dài hạn.
Hầu hết doanh nghiệp sử dụng cái gọi là “giá bóng” (một thuật ngữ để chỉ giá được trả cho phần phát sinh thêm trong quá trình sản xuất kinh doanh) để ước tính lợi nhuận đầu tư qua thời gian trong một thế giới mà carbon sẽ khiến cho họ phải tốn kém thực sự.
Việc dự báo giá carbon sẽ giúp các doanh nghiệp này thấy được rủi ro tiềm ẩn trong các khoản đầu tư dài hạn (như các nhà máy than đá) mà có thể trở nên ít giá trị hơn trong tương lai.
Trong số đó, Microsoft và Disney thậm chí còn tính phí đối với mỗi tấn carbon mà một bộ phận trong công ty thải ra trong quá trình hoạt động. Sau đó họ dùng số tiền thu được để rót vào các dự án tiết kiệm năng lượng hoặc các dự án bù đắp cho phần carbon thải ra như dự án tái trồng rừng.
Tạo ra thị trường xanh
Đối với những vấn đề lớn như biến đổi khí hậu toàn cầu, hay khan hiếm nước trong khu vực, một mình doanh nghiệp sẽ không thể nào giải quyết được mà cần phải có sự góp sức của chính phủ, doanh nghiệp và cả khách hàng.
Nhưng chờ đợi chính phủ hành động sẽ mất nhiều thời gian. Vì thế, doanh nghiệp cần phải chủ động. Một cách tiếp cận tương đối mới là đưa ra tiêu chuẩn cho các nhà cung cấp bên cạnh những tiêu chuẩn do chính phủ quy định.
Wal-Mart, chẳng hạn, đã yêu cầu các nhà cung cấp phải báo cáo công khai việc sử dụng 10 hóa chất độc hại trong các sản phẩm của họ vào năm 2015 và sẽ giảm dần việc sử dụng các chất độc hại này theo lộ trình.
Hãng máy tính HP gần đây khuyến khích các nhà cung cấp giảm 20% khí thải carbon liên quan đến hoạt động sản xuất và vận tải của họ.
Phát triển một công nghệ mới rất tốn kém. Vì thế, các công ty không ngại cùng hợp tác, ngay cả với các đối thủ của mình để xây dựng một thị trường chung và cùng hưởng lợi từ nó.
Ông Winston cho biết ông đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng một liên minh giữa những người mua năng lượng lớn gọi là Energy Pivot Coalition. Liên minh này sẽ mua một lượng đáng kể năng lượng tái tạo và các công nghệ sạch cho doanh nghiệp mình, như năng lượng mặt trời tại chỗ, hệ thống lưu giữ năng lượng, lưới điện “mini”.
Bằng cách cam kết này, các thành viên trong liên minh có thể thu được nhiều lợi ích lớn: chi phí năng lượng rất thấp (từ nguồn năng lượng tái tạo), không lo bị thiếu điện, ít bị tác động bởi yếu tố thời tiết thay đổi, khơi được nguồn cảm ứng ở các nhân viên, lòng trung thành của khách hàng, doanh số bán tăng lên và nhiều lợi ích khác nữa.
Bất cứ một cải tiến xanh nào cũng rất khó khăn. Nhưng thành quả thu được từ những cải tiến ấy sẽ rất lớn. Doanh nghiệp có thể sẽ tạo ra được những cải tiến mang tính đột phá, tạo nên bước nhảy vượt bậc cho doanh nghiệp mình và xã hội.
Trong cuốn Antifragile, tác giả Nassim Taleb cho rằng, nên đặt 90% danh mục đầu tư vào các canh bạc có mức độ rủi ro thấp nhưng đem lại nguồn doanh thu ổn định và 10% vào các canh bạc cực kỳ rủi ro nhưng có thể tạo ra lợi nhuận gấp 10 lần hoặc hơn trong những điều kiện bất ổn.
Doanh nghiệp có thể áp dụng nguyên tắc 90:10 này vào các dòng sản phẩm và hoạt động kinh doanh của mình qua việc tung ra dịch vụ mới cạnh tranh ngay với các sản phẩm cốt lõi nhưng sẽ thu được lợi nhuận khổng lồ nếu nhu cầu khách hàng chuyển hướng đột ngột.
>“Điểm danh” các nước bị tác động mạnh nhất bởi thay đổi khí hậu
>Những cách thức kinh doanh mới
>Ý tưởng đơn giản để phát triển bền vững
>Làm giàu từ ý tưởng xanh