Nhìn lại "mùa vàng" của phim Việt

XUÂN HƯƠNG| 03/03/2019 07:00

Theo thống kê, doanh thu bán vé tại các rạp trong Tết Kỷ Hợi 2019 đạt con số 350 tỷ đồng, cao hơn khoảng 100 tỷ đồng so với tết 2018. Điều này thổi bùng hy vọng Tết đã lại trở thành "mùa vàng" của phim chiếu rạp, đặc biệt là phim Việt.

Nhìn lại

Cảnh trong phim "Trạng Quỳnh"

2 "cánh én" làm nên mùa xuân

Theo fanpage chính thức của Cua lại vợ bầu - bộ phim công chiếu vào mùng 1 Tết ( 5/2) này đã bước vào danh sách phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại với hơn 176,5 tỷ đồng (con số chưa được kiểm chứng độc lập). Bộ phim Trạng Quỳnh cũng khởi chiếu từ 5/2 đạt con số 95 tỷ đồng (theo một đại diện nhà sản xuất vào ngày 19/2).

Tính đến ngày 20/2 trước thời điểm Hai Phượng chính thức công chiếu (từ 22/2), Trạng Quỳnh vẫn còn từ 1 - 9 suất chiếu/rạp tại 15 cụm rạp ở TP.HCM; Cua lại vợ bầu từ 5 - 13 suất chiếu/ rạp tại 15 cụm rạp; Táo quậy (chiếu từ 5/2) còn một suất tại mỗi 3 cụm rạp; 3D Cung tâm kế (chiếu từ 12/2) còn chiếu 1 - 2 suất/ rạp ở 15 cụm rạp; Tình đầu thơ ngây (chiếu từ 14/2) còn 1 - 2 suất chiếu ở 12 cụm rạp.

Cộng với doanh thu ở các tỉnh, thành khác vẫn còn khá dày suất chiếu, Cua lại vợ bầu có thể sẽ đạt kỷ lục như Avengers: Infinity War (hơn 183 tỷ đồng - năm 2018) để trở thành phim chiếu rạp ăn khách nhất tại Việt Nam, tính đến nay.

Có thể thấy từ đầu thập niên 2000, khi phim Việt chiếu rạp dần được sản xuất nhiều hơn thì mùa Tết vẫn là thời điểm giúp các nhà sản xuất kiếm bộn tiền. Nhưng vài năm gần đây, phim Việt rơi vào tình trạng thất thế trên chính sân nhà trong dịp Tết, khi bị "phim bom tấn" của Trung Quốc và Hollywood giành khán giả. "Gió đổi chiều" khi Tết 2018, Siêu sao siêu ngố bất ngờ thu 108 tỷ đồng - con số mà nhiều phim Tết ăn khách trước đó chưa đạt tới.

Cảnh trong phim Cua lại vợ bầu, Trạng Quỳnh

Cảnh trong phim Cua lại vợ bầu

Tất nhiên, Siêu sao siêu ngố gặp may khi không phải đối đầu với nhiều bom tấn ngoại. Năm nay Cua lại vợ bầuTrạng Quỳnh cũng vậy, khi chỉ có 3 phim Việt chiếu Tết, thay vì  5 - 6 phim như các mùa Tết trước. Riêng Táo quậy tuy có đề tài lạ nhưng "mạo hiểm" mời dàn diễn viên ít tên tuổi, đạo diễn "tân binh" làm phim Tết nên không có nhiều lợi thế.

Về phía phim ngoại có Tân vua hài kịch của Châu Tinh Trì và Đại chiến âm dương của Thành Long (chiếu từ 5/2) song tương đối cũ kỹ; Nữ thần rắn (8/2), Bí quyết luyện rồng: Vùng đất bí ẩn The lego Movie 2 là 2 phim hoạt hình (6/2); Alita: Thiên thần chiến binh của Cameron mãi 14/2 mới công chiếu.

Một thuận lợi nữa cho Cua lại vợ bầu (Galaxy phát hành) và Trạng Quỳnh (CGV phát hành) là số lượng cụm rạp mới trong năm 2018 tăng khá cao và trải khắp cả nước, cộng với số suất chiếu cũng được 2 nhà phát hành lớn nhất nhì Việt Nam xếp tối đa.

"Có thực mới vực được đạo"?

Nhìn chung, mùa Tết Kỷ Hợi từ phim Việt lẫn phim ngoại đều thuộc thể loại hài hước hay nhẹ nhàng, mang thông điệp về gia đình, tình thân... vốn được số đông khán giả ưa chuộng.

Thực ra, phim Tết năm nào cũng có 2 thể loại chính: hài hước và gia đình hoặc kết hợp cả hai. Nói như nhà sản xuất Mega GS (từng làm khá nhiều phim Tết) thì, đối tượng xem phim Tết đa phần là đại chúng, vậy họ muốn xem một bộ phim Tết như thế nào?

Đến thời điểm nào đó, cơ chế điều phối của thị trường và nhu cầu, thị hiếu của số đông khán giả sẽ giúp phim Việt điều tiết, cân bằng doanh thu lẫn chất lượng.

Thứ nhất là có câu chuyện nhẹ nhàng về gia đình, hay tình thân (Tết là sum họp, đoàn viên) có ý nghĩa, gần gũi với văn hóa, tập quán người Việt để cả nhà từ lớn đến bé cùng xem.

Thứ hai là khán giả đại chúng vẫn có tâm lý đi xem phim vì ngôi sao, nhất là các danh hài như Hoài Linh, Trường Giang, Việt Hương hay Trấn Thành... để có được tiếng cười vui, mang lại sự may mắn đầu năm.

Ông Nguyễn Khoa Hồng Thành (cố vấn tiếp thị các dự án phim TP Entertaiment, sản xuất Siêu sao siêu ngố, Trạng Quỳnh) trong một cuộc trả lời phỏng vấn nói rằng, về góc độ kinh doanh thì khách hàng mục tiêu của phim Tết là khán giả đại chúng, cho nên phim phải phục vụ cho đối tượng rộng lớn hơn và dễ hiểu hơn, chứ không phải một tác phẩm được cân đo đong đếm dựa trên yếu tố nghệ thuật theo quy chuẩn.

Trước đó, đã có nhiều phim Việt được khen về mặt nghệ thuật như Đảo của dân ngụ cư, Song lang... không thu đủ kinh phí sản xuất. Và nhiều nhà sản xuất phim ăn khách khác cũng từng bị hỏi "tại sao không đầu tư phim nghệ thuật?".  Ngay tại Hollywood vẫn có nhiều phim được giới phê bình đánh giá cao, được giải Oscar mà thua lỗ khi chiếu rạp, còn rất nhiều phim bị chê tơi tả như Lord of the Rings, Star War, Avatar... lại mang về lợi nhuận cả tỷ đô.

Thiết nghĩ, "có thực mới vực được đạo", chỉ khi có nhiều nhà sản xuất "nhảy" vào thì thị trường phim Việt chiếu rạp mới có thể khởi sắc. Đến thời điểm nào đó, cơ chế điều phối của thị trường và nhu cầu, thị hiếu của số đông khán giả sẽ giúp phim Việt điều tiết, cân bằng doanh thu lẫn chất lượng. Trước mắt, qua mùa Tết đang có loạt phim Việt mới "xếp hàng" công chiếu như Hai Phượng, Cuộc gọi định mệnh, Chị Mười Ba, Thiên linh cái, Hạnh phúc của người mẹ...

Trong đó, Hai Phượng cùng lúc chiếu ở Mỹ và Việt Nam được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện cả về chất lượng lẫn doanh thu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhìn lại "mùa vàng" của phim Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO