Cơ hội cho phim Việt trong trạng thái "bình thường mới"

Xuân Hương| 27/11/2021 07:00

Khởi chiếu trong trạng thái "bình thường mới", con đường đến với khán giả của phim Việt chiếu rạp sau đợt dịch Covid-19 lần thứ tư dường như không suôn sẻ.

Cơ hội cho phim Việt trong trạng thái

Cảnh trong phim "Bẫy ngọt ngào"

Mùa của phim "bom tấn"

Ngay sau khi được mở cửa với công suất hoạt động tối đa 100%, 50% hay 25% tùy cấp độ dịch ở mỗi địa bàn, lịch chiếu dự kiến tại TP.HCM của hàng loạt tác phẩm đã được công bố. Trong đó, có nhiều phim "bom tấn" Hollywood rất ăn khách. Đây là điều dễ hiểu vì đang là mùa làm ăn của phim Hollywood. "Cũ người mới ta" cộng với tên tuổi thương hiệu và hiệu ứng ăn khách trước đó của những "bom tấn" này trên thế giới, nên khán giả trẻ nhiều nước, trong đó có Việt Nam vẫn mong được xem chúng trên màn ảnh rộng.

Các đợt dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2021 đã khiến cho nhiều phim Việt phải dời, đổi hoặc hoãn thời điểm ra rạp, nhà sản xuất phải chịu thiệt hại khá lớn về kinh phí tiếp thị và quảng bá. Đồng thời, ảnh hưởng dây chuyền cũng khiến cho nhiều phim phải tạm dừng sản xuất. Do vậy, ở thời điểm này đang có hơn 15 phim Việt đã làm xong từ lâu, từng được quảng bá và sẵn sàng công chiếu, như Người tình, Tim hằn vềt sẹo, Bí mật thiên đường, Dân chơi không sợ con rơi, Người lắng nghe, Vô diện sát nhân, Bẫy ngọt ngào, Rừng thế mạng, Chìa khóa trăm tỷ, 578: Phát đạn của kẻ điên, 1990, Bóng đè, Đêm tối rực rỡ, Thanh Sói, Em và Trịnh, Mỹ nhân thần sách, Mục tiêu chết. Tuy nhiên, từ ngày 19/11/2021, chỉ có Thiên thần hộ mệnh được công chiếu.

Còn các phim Việt mới như Bóng đè - thể loại kinh dị, công bố lịch chiếu dự kiến từ ngày 24/12, Rừng thế mạng - thể loại sinh tồn, pha giật gân, kinh dị và Bẫy ngọt ngào - tình cảm, lãng mạn, cùng khởi chiếu từ ngày 31/12. Các phim Thanh Sói, 1990, Chìa khóa trăm tỷ, Người tình, Người lắng nghe: Lời thì thầm, 578: Phát đạn của kẻ điên, Em và Trịnh... đều thông báo sẽ ra rạp trong và sau Tết Nguyên đán 2022.

Cơ hội nào cho phim Việt?

Ở những lần rạp tái mở cửa sau các đợt dịch Covid-19 của năm 2020 và đầu năm 2021 cho thấy, hiệu ứng khán giả dành cho phim Việt là khá tốt, giúp cho một số phim đạt doanh thu rất cao. Như cuối năm 2020, Ròm thu hơn 60 tỷ đồng, tiếp đó Tiệc trăng máu thu 175 tỷ đồng, Chị Mười Ba:13 ngày sinh tử thu 100 tỷ đồng. Tháng 3/2021, phim Bố già quyết định chiếu ngay sau ngày rạp được mở cửa đã đạt doanh thu kỷ lục hơn 400 tỷ đồng, tiếp đó Lật mặt 4: 48h thu 150 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các phim ra rạp cuối năm 2020 đầu năm 2021 như Chồng người ta, Người cần quên phải nhớ, Võ sinh đại chiến, Sám hối, Cậu Vàng không thu hút được khán giả như kỳ vọng, thậm chí Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả chỉ thu về 55 tỷ đồng trên kinh phí đầu tư gần 2 triệu USD.

Link bài viết

Một điều lưu ý là ở thời điểm cuối năm 2020 và nửa đầu năm 2021, khi Ròm, Tiệc trăng máu, Bố già hay Lật mặt: 48h, Thiên thần hộ mệnh, Trạng Tí phiêu lưu ký ra rạp lần đầu, phim Việt chiếm ưu thế gần như hoàn toàn trên sân nhà. Bởi hầu hết phim "bom tấn" Hollywood bị "đóng băng", rất ít phim từ Hàn Quốc, Thái Lan... được chiếu ở Việt Nam.

Nhưng hiện nay thế giới đã dần bình thường trở lại, các "bom tấn" Hollywood liên tục công phá phòng chiếu toàn cầu, điện ảnh thế giới đang phục hồi sau đại dịch với doanh thu năm 2021 dự báo đạt trên 22 tỷ USD, tăng 80% so với năm 2020 (theo Deadline). Bởi vậy, cạnh tranh với "rừng" phim ngoại cũ và mới, cơ hội giúp Thiên thần hộ mệnh và các phim Việt khác đạt doanh thu "khủng" có vẻ khá mong manh.

Còn nữa, số liệu thống kê gần đây từ cụm rạp BHD cho thấy, năm 2021, do rạp phải đóng cửa vào tháng 2 (Tết Nguyên đán) và từ đầu tháng 5 đến nay khiến lượng khán giả giảm còn 10-15% so với năm 2019. Việc đóng cửa rạp kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của khán giả, hình thành ở họ thói quen xem phim trên nền tảng trực tuyến; thu nhập sụt giảm vì phải "ở yên trong nhà” cũng khiến họ cân nhắc việc đến rạp. Tình hình rạp khó có thể phục hồi ngay sau thời gian đóng cửa kéo dài, chỉ đạt doanh thu 30-40% so với trước dịch, một đại diện cụm rạp CGV nhận định.

Quá khó khăn để lôi kéo khán giả đến rạp sau khi tái mở cửa nên các chủ rạp đang phải trông chờ vào nguồn phim "bom tấn" ngoại - vốn vẫn mang lại phần lớn doanh thu bấy lâu. Riêng các nhà sản xuất phim Việt cũng phải tính toán rất kỹ, tránh cạnh tranh với "bom tấn" Hollywood và cả phim nội (đang xếp lượt chờ ra rạp) để đảm bảo doanh thu. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ hội cho phim Việt trong trạng thái "bình thường mới"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO