Phim thương mại 2024: Kỳ vọng thu hút khán giả
Trông đợi thị trường sẽ sôi động và khởi sắc hơn, các dự án phim điện ảnh Việt của năm 2024 phải đạt được cả hai mục tiêu là doanh thu và chất lượng.
Năm 2023, đánh dấu năm đầu tiên thực hiện Luật Điện ảnh mới. Mặc dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng vẫn có phim Việt xác lập kỷ lục doanh thu phòng vé, như Nhà bà Nữ với gần 500 tỷ đồng; Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh, Siêu lừa gặp siêu lầy, Chị chị em em 2, Người vợ cuối cùng đều đạt trăm tỷ đồng (theo BoxOfficeVietnam). Ước tính, tổng doanh thu phòng vé Việt năm 2023 (gồm cả phim ngoại) đạt 3.700 tỷ đồng; trong đó phim Việt đạt khoảng 1.700 tỷ đồng, tăng hơn những năm trước. Ngoài phim thương mại, sự xuất hiện của những phim theo hướng nghệ thuật và độc lập đã mang lại màu sắc mới cho Điện ảnh Việt.
Bước sang năm 2024, đang có loạt phim thương mại như: Mai, Gặp lại chị bầu, Sáng đèn, Trà, B4S - Trước giờ yêu, Vũ trụ tiểu tam: Cái giá của hạnh phúc, Lật mặt 7: Một điều ước, Bởi Sài Gòn có nhiều nắng, Ngày xưa có một chuyện tình, Yêu anh nhé! Chàng trai, Sứ mạng sinh tử, Quỳnh hoa nhất dạ, Móng vuốt, Quý cô thừa kế 2... chuẩn bị ra rạp.
Điện ảnh nằm trong danh sách 12 ngành mũi nhọn của chiến lược công nghiệp văn hóa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Nhắc đến công nghiệp điện ảnh là nhắc đến việc đầu tư đạt hiệu quả kinh tế trong phim ảnh. Với một nền điện ảnh đa phần là phim giải trí, thương mại, nếu đầu tư nhiều tỷ đồng mà doanh thu èo uột sẽ khiến nhà sản xuất nản lòng. Những năm gần đây dù có phim đạt trăm tỷ, tổng doanh thu cả năm của phim Việt lên tới ngàn tỷ, song vẫn còn là “may rủi” khi số phim “ăn khách” chỉ đếm trên đầu ngón tay, và “ăn khách” là gặp thời điểm phim ngoại (cụ thể là “bom tấn” Mỹ) không ra rạp hoặc không “ăn khách” ở thị trường Việt Nam. Nghĩa là số lượng ra rạp và doanh thu của phim Việt vẫn phụ thuộc vào thị trường có nhiều hay ít phim ngoại chất lượng; và nhiều thời điểm bị phim ngoại “lấn át”. Để phim nước ngoài không “xâm lăng văn hóa” thì ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam phải tạo được nền tảng vững chắc.
“Đã đến lúc các nhà làm phim cần trở thành những người biết kêu gọi đầu tư, và đầu tư có hiệu quả. Mỗi nhà làm phim không chỉ làm phim, có tác phẩm gì cứ “tung” ra rạp là xong, còn cần ở mỗi nhà làm phim tư duy của người làm kinh tế, biết nắm bắt thị trường, nắm bắt thị hiếu để phục vụ đối tượng khách hàng của mình”.
Đạo diễn Charlie Nguyễn
Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý và sản xuất phim cho rằng, để công nghiệp điện ảnh phát triển, trước tiên cần có chính sách hỗ trợ các nhà sản xuất làm được nhiều phim Việt hơn. Chỉ khi điện ảnh Việt Nam có nhiều phim tốt thì mới cạnh tranh được với phim ngoại. “Chúng ta phải có phim trước đã. Hiện nguồn lực đầu tư kinh phí làm phim hạn chế, chúng ta không có nhiều phim nội, đương nhiên phim ngoại tràn vào”, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh nhận định.
Trên thực tế, số lượng và chất lượng phim Việt luôn không tỷ lệ thuận. Sự xuất hiện của nhiều phim Việt thảm họa trong năm 2022 và 2023 cho thấy, nhiều nhà sản xuất, đạo diễn vẫn chạy theo thị hiếu khán giả, doanh thu phòng vé mà bỏ quên chất lượng. Còn nữa, phim mang tính nghệ thuật được đánh giá cao về chất lượng, thậm chí được giải thưởng trong nước và quốc tế nhưng ra rạp lại có doanh thu thấp; còn phim thuần túy giải trí có doanh thu cao. Tuy nhiên, mỗi loại phim có sứ mệnh riêng, phim nghệ thuật khẳng định thương hiệu và quảng bá cho điện ảnh Việt ra thế giới, phim giải trí (miễn là lành mạnh và chất lượng diễn xuất, hình ảnh, câu chuyện hay) là để tạo sự sống cho rạp, cũng như người làm phim.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng, khi chiến lược công nghiệp hóa điện ảnh còn là câu chuyện xa vời kéo dài trong nhiều năm, trước mắt hãy làm tốt từng dự án phim, khi có phim chất lượng ra rạp, khán giả Việt chắc chắn sẽ đến ủng hộ, từ đó tạo nên thị trường phim nội sôi động, đủ sức đánh bật phim ngoại ở phòng vé.
Đại diện Công ty Mega GS chia sẻ, các nhà làm phim, nhất là thế hệ sau phải luôn trau dồi, nâng cấp kỹ năng, trình độ để nảy sinh các ý tưởng làm phim độc đáo và tiệm cận hơn với hơi thở của điện ảnh thế giới. Làm được như thế thì phim nghệ thuật hay phim thương mại cũng sẽ xóa nhòa ranh giới, bởi công chúng luôn mong muốn được thưởng thức một bộ phim hay, chất lượng tốt. Phim hay thì nhất định sẽ có khán giả.
Năm 2024, phim thương mại vẫn được đặt nhiều kỳ vọng về khả năng thu hút khán giả, giúp hệ thống rạp chiếu thêm vững và giúp nhiều nhà đầu tư, nhà sản xuất có thể tự tin đi lâu dài. Một số phim như Ngày xưa có một chuyện tình - chuyển thể từ cuốn sách cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, một tác phẩm lãng mạn và hoài niệm về tình yêu trong sáng, được kỳ vọng sẽ thành công về doanh thu và chất lượng như Mắt biếc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh trước kia. Năm 2024, có ba LHP quốc tế (TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội) sẽ được tổ chức và nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực điện ảnh, những hoạt động thúc đẩy thực hiện Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam... hứa hẹn mang đến nhiều sức sống mới, cơ hội mới cho điện ảnh Việt và phim điện ảnh Việt.