Xuất khẩu phim Việt: Không chỉ là doanh thu

Đan Khanh| 01/07/2023 07:00

Không chỉ chiếu trong nước, ngày càng có nhiều phim Việt Nam được phát hành ra nước ngoài, mở ra cơ hội tăng doanh thu và quảng bá, xây dựng thương hiệu...

Đường đi đã rộng hơn 

Theo thông tin từ nhà sản xuất, 578: Phát đạn của kẻ điên đang được công chiếu tại nước ngoài với tựa 578: Magnum và đến ngày 30/6 vừa qua, phim sẽ tới 42 quốc gia và gần 10 vùng lãnh thổ như Ý, Ba Lan, Tây Ban Nha, Israel, Ấn Độ, Mexico, Argentina, Brazil, Canada, Đức, Đan Mạch... thông qua công ty phát hành tại Anh, Đức và mục tiêu đến hết năm 2023 sẽ có mặt tại 62 quốc gia. Trước đó, Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh (Face off: The ticket of destiny) cũng được chiếu tại 52 cụm rạp ở 50 thành phố thuộc 19 bang của Mỹ từ ngày 26/5. Đây là phim Việt đầu tiên ra mắt tại Mỹ nhanh nhất, chỉ trong 4 tuần từ khi khởi chiếu trong nước. Lật mặt 4: Nhà có khách (2019) và Lật mặt 5: 48h (2021) cũng từng đến với thị trường Mỹ.

-6004-1687761873.jpg
Poster phim Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh

Vào tháng 3 vừa qua, Nhà bà Nữ (The house of no man) đã công chiếu ở một số bang của Mỹ như California, Texas, Arizona, Virginia, Kansas, Florida và Úc, Singapore, Canada. Phim Chị chị em em 2 sau khi công chiếu lần đầu tiên tại Nhật Bản vào tháng 3 sẽ được phát hành tại Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Cuối năm 2022, phim Mười: Lời nguyền trở lại chiếu thương mại tại hơn 29 cụm rạp ở Hàn Quốc và 5 thành phố lớn ở Úc, tiếp đó là Đài Bắc (Đài Loan) và Mỹ, Colombia, Mexico, Chile, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Brunei, Campuchia, Myanmar... Phim Cô gái từ quá khứ sau khi được chọn chiếu ở Liên hoan Phim Việt tại Úc (AVFF), cũng chiếu bán vé tại 6 thành phố lớn của Úc là Melbourne, Sydney, Brisbane, Perth, Adelaide, Tasmania.

Đây là những phim nối tiếp danh sách phim Việt từng công chiếu ở nước ngoài, như Bố già (2021) - phim Việt đầu tiên thu 2 triệu USD tại thị trường Mỹ. Hai Phượng (2019) chiếu tại 28 thành phố của Mỹ và thu được 600.000 USD, sau đó chiếu ở Canada, Trung Quốc (thu 19 tỷ đồng sau một tuần). Chìa khóa trăm tỷ chiếu tại 50 rạp ở Mỹ. Cha cõng con chiếu ở 16 quốc gia, vùng lãnh thổ như Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, Canada, Ấn Độ, Anh. Bóng đè được mua bản quyền phát hành ở 25 quốc gia. Chuyện ma gần nhà phát hành tại Singapore, Đài Loan và trên nền tảng Netflix tại 10 quốc gia Đông Nam Á. Thiên thần hộ mệnh chiếu tại 12 thị trường gồm Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Singapore, Úc... Hồn papa da con gái chiếu ở Hàn Quốc. Chuyện tình xa xứ, Giấc mơ Mỹ, Âm mưu giày gót nhọn, Chung cư ma, Cánh đồng bất tận, Dòng máu anh hùng, Lửa Phật, Bẫy rồng từng công chiếu ở Campuchia, Malaysia, Indonesia, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Mỹ.

Lợi cả đôi đường 

Từ lâu, mong muốn đưa điện ảnh Việt đến gần hơn với thế giới, nhiều phim đã được chiếu tại các liên hoan phim quốc tế, hoặc chiếu giới thiệu ở các cộng đồng người Việt tại nước ngoài. Những nhà phân phối, phát hành phim từ nhiều quốc gia thường tìm đến các liên hoan phim quốc tế để thương thảo, mua bán bản quyền phim. Hai Phượng là phim Việt đầu tiên được nhà phát hành Well Go USA và Arclight Films (Mỹ) mua và công chiếu tại các rạp lớn ở Mỹ. Một số nhà sản xuất đã và đang nỗ lực đưa phim Việt ra thị trường Mỹ, Canada, Úc, Hàn Quốc, Thái Lan... tìm kiếm cơ hội tăng doanh thu hoặc lấy lại vốn đầu tư, sau khi công chiếu trong nước.

-7720-1687761873.jpg
Poster phim Hai Phượng

Hiện nay, việc xuất khẩu phim Việt đang được giới làm phim đánh giá là đầy tiềm năng. Với “chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, chỉ tiêu năm 2020, ngành điện ảnh đạt khoảng 150 triệu USD. Nhưng thực tế, điện ảnh đã vượt chỉ tiêu từ năm 2018 với tổng doanh thu 155 triệu USD. 

Đạo diễn Lý Hải của series Lật mặt cho biết, mang phim đi chiếu ở Mỹ phải đáp ứng những yêu cầu rất khắt khe, đạt chuẩn về âm thanh, hình ảnh, màu sắc và làm poster, standee, banner quảng cáo... cũng phải theo chuẩn quốc tế. Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân từng mất đến 7 tháng để chỉnh sửa Hai Phượng đạt chuẩn quốc tế mới có thể đem đi trình chiếu tại Mỹ. “Tất cả yếu tố từ âm thanh, hình ảnh, màu sắc và cảnh hành động của phim 578: Magnum đều bắt buộc phải đạt chất lượng quốc tế. Bản sắc và phong cảnh đậm chất Việt Nam được thực hiện thông qua ngôn ngữ điện ảnh là điều đặc biệt tạo nên sức thu hút của phim với những nhà phát hành tại nhiều quốc gia”, Ngô Thanh Vân chia sẻ.

Dù ngày càng có nhiều phim Việt được công chiếu ở nước ngoài, nhưng để thuận lợi hơn, theo đạo diễn Võ Thanh Hòa, trước khi xuất khẩu phim, nhà sản xuất cần chuẩn bị công đoạn tiền kỳ, không phải chiếu rạp xong rồi đem đi tận thu từ những nguồn phát hành khác. 

Theo đạo diễn Charlie Nguyễn, muốn thành công, phim Việt phải đặt mục tiêu chinh phục thị trường nước ngoài từ quá trình lên ý tưởng. Và cách duy nhất là phải thực hiện bộ phim có câu chuyện hấp dẫn và thể hiện sự chuyên nghiệp, chỉn chu.

-5149-1687761873.jpg
Poster phim Nhà bà Nữ

Ngoài chiếu rạp, nhiều phim điện ảnh Việt được chiếu trên Netflix - hệ thống xem phim trả phí có mặt tại hơn 190 quốc gia. Các phim bán được giá trên ứng dụng Netflix sau khi ra rạp có thể kể như Hai Phượng, Thanh Sói, Siêu lừa gặp siêu lầy, Mắt biếc, Bố già, Nhà không bán, Gái già lắm chiêu, Lật mặt... Nguồn thu từ các nền tảng trực tuyến này thường mang lại cho phim khoảng 10-20% kinh phí sản xuất, sau khi chiếu rạp. Nếu không đủ sức chiếu rạp, nhà sản xuất có thể hợp tác bán phim cho nền tảng xem phim trả tiền, hoặc kênh truyền hình các quốc gia, kênh phát lại trên máy bay.

Không chỉ kiếm thêm tiền, xuất khẩu phim còn giúp nhà sản xuất có cơ hội quảng bá tên tuổi ra thế giới, góp phần làm thương hiệu cho phim Việt về lâu dài. Mới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết sẽ xây dựng cơ chế, đề án tổ chức hội chợ phim Việt Nam ở nước ngoài nhằm tạo cơ hội xuất khẩu phim điện ảnh Việt Nam, góp phần xây dựng hình ảnh và quảng bá điện ảnh Việt Nam ra thế giới thông qua những bộ phim đặc sắc, hấp dẫn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu phim Việt: Không chỉ là doanh thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO