Mảng đề tài giàu chất liệu
Nghề báo (hãng phim TFS sản xuất năm 2006) được xem là bộ phim truyền hình đầu tiên đề cập khá sâu về nghề báo, đã thu hút sự quan tâm của khán giả. Mạnh dạn đi vào đề tài khó và phản ánh chân thực một số góc khuất của nghề, Nghề báo cho công chúng hiểu thêm những áp lực và hy sinh thầm lặng của người làm báo.
Thành công nhất định của Nghề báo sau đó đã góp phần vào sự ra đời của khá nhiều phim truyền hình khai thác về nghề báo hoặc có xuất hiện hình ảnh, công việc của một hay nhiều nhà báo, như Phía trước là bầu trời, Chủ tịch tỉnh, Cuồng phong, Chạy án, Chiếc mặt nạ da người, Khi đàn chim trở về, Phóng viên thử việc, Gái già xì tin, Đèn vàng, Cô nàng bất đắc dĩ, Đàn trời, Bão, Hẻm cụt, Phục hận, Trả giá, Nguyệt thực, Những chuyên án lạ, Những phóng viên vui nhộn, Bão yêu thương, Biệt đội tất tần tật, Sinh tử, Những nhân viên gương mẫu. Mỗi phim một hướng khai thác khác nhau nhưng đều khắc họa khá rõ nét, sinh động chân dung của những người làm báo, niềm đam mê nghề nghiệp, quá trình tác nghiệp của họ, có sự gian khổ, có cả "sinh nghề tử nghiệp".
Điều đáng kể là nhân vật trung tâm trong các phim không chỉ là nhà báo kỳ cựu, mà cả phóng viên mới vào nghề. Nếu Đàn trời, Mặt nạ da người xoay quanh câu chuyện về những nhà báo đã có tên tuổi, những người làm công tác quản lý và sự khốc liệt với nghề, thì Phóng viên thử việc, Tin vào điều không thể, Biệt đội tất tần tật khai thác những chuyện của phóng viên mới cùng những trăn trở của họ về nghề; Đèn vàng, Con nhện xanh, Bão, Chủ tịch tỉnh, Phía trước là bầu trời, Sinh tử cho thấy các nhà báo không chỉ đấu tranh với cái xấu ngoài xã hội, mà còn phải đấu tranh với đồng nghiệp và với chính mình để giữ sự trong sạch của ngòi bút, cân bằng giữa công việc làm báo phức tạp và cuộc sống gia đình; Nguyệt thực hay Phóng viên vui nhộn, Những nhân viên gương mẫu khai thác những khó khăn của người làm báo trong thời đại công nghệ và thị hiếu của người đọc thay đổi với sự đối chọi quan điểm làm báo chính thống và lá cải, sử dụng thủ thuật giật tít câu khách, bài toán kinh tế và báo chí...
Không dễ để khai thác
Dù phim Nghề báo và một số phim khác được đánh giá là thành công khi khắc họa hình ảnh và công việc của người làm báo, song ở không ít bộ phim mắc lỗi "chiếc áo không làm nên thầy tu". Chẳng hạn, chỉ cần cho nhân vật mặc chiếc áo nhiều túi hộp, tay cầm máy ghi âm hoặc sổ tay, vai khoác lủng lẳng chiếc máy ảnh để "nhận diện" là nhà báo; có nhân vật tổng biên tập, trưởng ban biên tập mà như doanh nhân, hay đạo mạo như thầy giáo... Mô típ quen thuộc của khá nhiều phim là nhân vật nhà báo được xây dựng theo kiểu đấu tranh cho cái thiện, chống lại cái ác, phải chấp nhận vất vả, mạo hiểm, hy sinh tình riêng vì cái chung, gây cảm giác nhàm chán và khô cứng. Trong khi chuyện làm nghề, hậu trường tác nghiệp hay thế giới nội tâm, cuộc sống của các nhà báo trong đời thực rất sinh động thì chưa khai thác được một cách thuyết phục.
Nghề báo cùng nghề công an, bác sĩ, luật sư được xem là có nhiều chất liệu để gợi sự tò mò, lôi cuốn khán giả cho phim truyền hình. Tuy nhiên, vì là nghề đặc thù nên khi viết về nghề báo đòi hỏi biên kịch phải có sự am hiểu sâu rộng về nghiệp vụ báo chí, nếu không thì khó có thể viết đúng, viết hay. Hơn nữa, nghề báo luôn liên quan đến những vấn đề gai góc trong xã hội.
Cảnh trong phim Nghề báo |
Nguyệt thực (2016) nhận được nhiều phản ứng tích cực của khán giả nhờ kịch bản được chấp bút bởi nhà biên kịch, nhà báo Chu Thu Hằng đang là Tổng biên tập Báo Văn Hóa. Nghề báo (2006) được viết bởi nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn - một người từng nhiều năm viết và làm báo. Có một thực tế là đề tài về tình yêu, hôn nhân, gia đình có thể dễ dàng kêu gọi được đội ngũ viết kịch bản tham gia, nhưng với đề tài về nghề đặc thù như nghề báo, công an, bác sĩ thì không phải nhà biên kịch nào cũng nhận lời.
Ra mắt bộ phim Nghề báo vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm 2006, đạo diễn Phi Tiến Sơn từng chia sẻ, nhà báo cũng như công an, có yêu cầu nghiệp vụ rất riêng. Để có được những cảnh quay đặc thù của nghề báo và quá trình tác nghiệp của phóng viên không dễ dàng. Trên kịch bản có miêu tả chi tiết nhiều cảnh tác nghiệp của phóng viên rất hấp dẫn nhưng trong quá trình ghi hình, đoàn làm phim muốn thực hiện được thì rất khó khăn.
Nữ diễn viên Hồng Ánh cũng chia sẻ, khi vào vai chính - phóng viên kinh tế Thúy Bình trong phim Nghề báo, cô đã gặp không ít áp lực. Nhà báo vừa am tường về lĩnh vực mà mình viết, vừa có kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống nhanh nhạy. "Nhiều người nói, phim mới chỉ chạm nhẹ vào lớp bên ngoài của nghề báo. Bên trong nghề, hẳn sẽ còn phức tạp hơn thế", Hồng Ánh thừa nhận.
Cảnh trong phim Biệt đội tất tần tật |
Đó là một trong số những lý do vì sao chưa có nhân vật nhà báo nào để lại dấu ấn đậm nét với khán giả và nhiều phim truyền hình chỉ thấp thoáng hình ảnh nhà báo, hoặc nghề báo chỉ là cái nền cho chuyện chính về lựa chọn nghề, hay tình yêu, hôn nhân, gia đình của giới trẻ. Gần đây, số lượng phim truyền hình về nghề báo hay có nhân vật nhà báo ngày càng ít. Ngay cả khi đang là thời "nở nồi" của mạng xã hội và truyền thông, thực tế nghề báo và tác nghiệp của phóng viên có những góc khuất rất thú vị. Nhưng các nhà biên kịch vẫn ngại viết về đề tài nghề báo, còn các nhà sản xuất vẫn không "mặn mà" đầu tư, dù phương tiện để thực hiện những cảnh tác nghiệp của nhà báo dễ dàng hơn. Và khi đề tài gia đình, hôn nhân, tình yêu đang được khán giả ưa chuộng, thì không chỉ nghề báo mà nhiều ngành nghề khác cũng không tránh khỏi bị "bỏ quên".