Cảnh trong phim Bếp trưởng tới |
Nhiều phim về nghề
Đang phát sóng trên HTV7, bộ phim Lụa (31 tập) được hãng phim TFS đầu tư kinh phí khá lớn nhằm giới thiệu sự sáng tạo của những nhà thiết kế thời trang trẻ tuổi, về làng dệt lụa ở Duy Xuyên (Quảng Nam) và nghề dệt lụa truyền thống, vừa quảng bá vừa giữ gìn bản sắc một nghề đang dần bị mai một trong cuộc sống hiện đại. Trước đó, nghề làm tranh cát nghệ thuật cũng được giới thiệu và tôn vinh trong phim truyền hình Màu cát với bối cảnh chính tại Ninh Thuận, Bình Thuận.
Tuy khai thác chủ yếu về đề tài gia đình, tình yêu, hôn nhân, thương trường, song nhiều năm qua vẫn có khá nhiều phim Việt (điện ảnh, truyền hình) xoay quanh chuyện nghề nghiệp. Như nghề y có phim Lời thề Hippocrates, Anh em nhà bác sĩ, Blouse trắng, Nữ bác sĩ, Chân trời trắng, Thẩm mỹ viện; nghề báo có phim Nghề báo, Phóng viên thử việc, Đèn vàng, Tin vào điều không thể, Nguyệt thực; nghề cảnh sát, kiểm sát, thẩm phán có phim Cảnh sát hình sự, Chạy án, Bí mật tam giác vàng, Người phán xử, Sinh tử, Hành trình công lý, Lựa chọn số phận, Lửa ấm; nghề người mẫu, diễn viên, thiết kế thời trang có phim Scandal (1 và 2), Âm mưu giày gót nhọn, Những ngọn nến trong đêm, Những cô gái chân dài, Song Lang, Cô Ba Sài Gòn; nghề nấu phở, làm bánh, đầu bếp có phim Mùi ngò gai, Kung Fu phở, Vua bánh mì, Bánh mì ông Màu, Bếp trưởng tới, Bếp hát. Đặc biệt có những phim như Dấu chân du mục về nghề chăn bò, chăn dê, chăn cừu thuê; Vua bãi rác về những người làm nghề nhặt rác; Nghề thế thân về nghề khóc thuê, cười thuê; Lô tô về nghề lô tô hội chợ...
Cảnh trong phim Nghề siêu dễ |
Trong số ấy có một số phim đã "chạm" đến khán giả như loạt phim Cảnh sát hình sự (về công việc của các chiến sĩ điều tra phá án), Thuyền giấy (khai thác đời sống, công việc của công nhân ngành may), Mặn hơn muối (phim về nghề sản xuất muối), Mắt lụa (nói về làng lụa tơ tằm), Những cô gái trong thành phố phần nào khắc họa được cuộc sống khó khăn và công việc của những công nhân làm việc trong xưởng may. Trong phim Nghề siêu dễ, các nhân vật mở quán cơm tấm, ăn khách nhờ món cơm tấm sườn bò nướng vị phở. Đoàn làm phim đã đưa hẳn món ăn này ra thực tế để chứng minh tính chân thật của sự sáng tạo. Thế nhưng phim có sự đầu tư như vậy không nhiều. Ở nhiều phim, nghề nghiệp gán cho nhân vật chỉ là tấm áo khoác cho "có màu".
Làm phim về nghề không dễ
Phim về các ngành nghề, nhất là nghề chuyên biệt hay đặc thù không dễ thực hiện vì nhiều yếu tố, từ kiến thức của biên kịch đến mức độ đầu tư của nhà sản xuất và nỗ lực của diễn viên. Nhà biên kịch muốn viết được về ngành nghề nào đó phải đọc nhiều, hiểu rộng và nắm vững những thuật ngữ cơ bản. Khán giả sẽ không tin vào nhân vật, chẳng hạn như một người làm bác sĩ khi chỉ mặc áo blouse trắng và đi lại trong bệnh viện. Đang viết kịch bản về đề tài ẩm thực truyền thống, nhà biên kịch Đặng Thanh kể rằng, chị phải dành nhiều thời gian đọc, nghiên cứu từ các tài liệu lịch sử, bởi nếu đã mô tả sâu về nghề thì không thể sai lệch kiến thức.
Cảnh trong phim Màu Cát |
Đạo diễn Nhâm Minh Hiền cho rằng, khâu kịch bản vẫn quan trọng nhất. Muốn có kịch bản viết về ngành nghề tốt, người biên kịch phải nghiên cứu kỹ để tìm ra những chi tiết đắt giá nhất của nghề. "Ban đầu trong kịch bản Mặn hơn muối, tác giả chỉ xem nghề sản xuất muối là cái cớ cho diễn biến phim. Nhưng tôi nghĩ, hẳn khán giả phải rất tò mò xem diêm dân sản xuất muối như thế nào, cuộc sống của họ ra sao, nên đã về ở với bà con sản xuất muối mấy ngày liền để thêm kiến thức thực tế”, ông kể.
Tất nhiên, khi làm phim về nghề hoặc có nhân vật làm nghề đặc thù, các nhà sản xuất, đạo diễn luôn nhận được sự cố vấn của những người có chuyên môn. Đạo diễn Trần Đức Long chia sẻ: "Tôi gặp nhiều khó khăn với phim Lụa do không có nhiều kiến thức về thời trang, về nghề dệt lụa. Tôi phải nhờ sự tư vấn, hỗ trợ của người trong giới, phải đọc sách, tìm hiểu trên báo, trên mạng và các kênh thông tin khác rồi trò chuyện, học hỏi người trong ngành. May mắn là tôi được các hãng thời trang hỗ trợ trang phục, các nhà thiết kế hỗ trợ chuyên môn và họ cũng tham gia diễn xuất trong phòng thiết kế của phim".
Cảnh trong phim Lụa |
Trước đó, đoàn phim Màu cát cũng có cố vấn là chuyên gia về tranh cát, thường có mặt ở phim trường để góp ý về kịch bản, tạo hình, cách nói chuyện, lời thoại của diễn viên.
Đến nay, Việt Nam chưa có phim trường và không có nhiều kinh phí để xây dựng bối cảnh, mua sắm thiết bị chuyên biệt phục vụ việc quay phim đi sâu vào bản chất của nghề. Nhiều diễn viên đóng phim cũng không có cơ hội thực tập, tiếp cận nghề sẽ thể hiện. Bởi vậy, khán giả chỉ mới có được những hình dung về một nghề nào đó ở bối cảnh, phục trang, chứ chưa thấy công việc hấp dẫn ra sao. Một nhà sản xuất thừa nhận, nếu chỉ thoáng qua về nghề thì sẽ không tạo được dấu ấn, mà mô tả kỹ lưỡng thì cần kiến thức chuẩn, đầu tư lớn và ê kíp làm phim phải được tìm hiểu thực tế, để thực hành thuần thục những kỹ năng chuyên môn.
Cảnh trong phim Song Lang |
Có một cái khó nữa là nếu quá tập trung vào chuyện của nhân vật (tình yêu, gia đình, tâm lý...) thì yếu tố nghề sẽ chỉ là phông nền mờ nhạt, trong khi nếu quá chú trọng vào nghề thì lại dễ tạo cảm giác đơn điệu, nhàm chán. Nguyễn Mỹ Hà - biên kịch phim Cuộc chiến quý ông về nghề làm bánh, từng nói: "Phim đi sâu vào từng ngành nghề tạo được sự chú ý vì có thông tin thú vị về chuyên môn của ngành nghề đó. Tuy nhiên, nếu kịch bản chỉ có thông tin mà không chú ý đến phần giải trí thì khán giả - nhất là khán giả trẻ không đón nhận".
Dù ở thể loại nào, nhân vật trong phim cũng phải có tuổi tác, công việc, tính cách để dẫn dắt chuyện phim phát triển. Phim về nghề nếu làm hay không chỉ thu hút khán giả mà còn góp phần định hướng nghề nghiệp cho xã hội.