Những bông hồng của giới sản xuất phim Việt

Gia Khanh| 11/03/2023 07:00

Thời gian gần đây đã có những gương mặt nữ đảm nhận vai trò nhà sản xuất (hay giám đốc sản xuất) điện ảnh Việt Nam. Có thành công, có thất bại nhưng họ đã mang lại sự đa thanh, đa sắc cho thị trường màn ảnh.

-9149-1678421906.jpg

Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc (thứ hai từ phải) cùng đoàn phim Tro tàn rực rỡ ở Liên hoan phim Tokyo 2022

Đội ngũ khá hùng hậu  

Tháng 3 này, ba bộ phim ra rạp đều có nhà sản xuất là nữ. Trong đó, Siêu lừa gặp siêu lầy là phim đầu tay của nhà sản xuất Mai Bảo Ngọc, phim Khi ta hai lăm là sự chuyển mình của nhà sản xuất - đạo diễn Luk Vân về đề tài startup. Biệt đội rất ổn là phim thứ hai của Phạm Trần Bảo Quyên - người từng thành công với Bẫy ngọt ngào của năm ngoái. 

Cũng trong năm ngoái, một loạt phim của nhà sản xuất nữ được công chiếu như Thanh Sói: Cúc dại trong đêm -  nhà sản xuất kiêm đạo diễn Ngô Thanh Vân, Tro tàn rực rỡ - nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, Dân chơi không sợ mưa rơi - nhà sản xuất kiêm diễn viên Thu Trang,  Mười: Lời nguyền trở lại - nhà sản xuất kiêm đạo diễn Trịnh Hằng, Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác - nhà sản xuất Jenni Trang Le; Em và Trịnh - nhà sản xuất Đinh Thị Hoa, Vũ Quỳnh Hà... 

-3462-1678421906.jpg

Cảnh trong phim Người bất tử

Kể từ đầu những năm 2000, khi các hãng phim tư nhân tham gia vào thị trường điện ảnh, đội ngũ nhà sản xuất với nhân lực nữ dần tăng. Đến nay, nhà sản xuất nữ có khá nhiều người kỳ cựu hay gắn bó nhiều năm.

Đó là nhà sản xuất Đinh Thị Thanh Hương và Đinh Thị Hoa của Galaxy Studio và Galaxy M&E với các phim Nụ hôn thần chết, Long ruồi, Cô dâu đại chiến, Mắt biếc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Em và Trịnh, Ngô Thị Bích Hạnh và Ngô Thị Bích Hiền của BHD đứng sau các phim Cánh đồng bất tận, Những nụ hôn rực rỡ, Đoạt hồn, Hotboy nổi loạn, Trương Ngọc Ánh của Công ty TNA Entertainment sản xuất các phim Hương ga, Truy sát, Vệ sĩ Sài Gòn, Sắc đẹp ngàn cân, Trưng Vương, Ngô Thanh Vân của Công ty VAA từng làm phim Ngày nảy ngày nay, Bẫy rồng, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Cô Ba Sài Gòn, Song Lang, Hai Phượng, Trạng Tí, Hồng Ánh của Blue Productions thực hiện các phim Đường đua, Đảo của dân ngụ cư.

Jenni Trang Lê - nhà sản xuất của Chánh Phương Film với các phim Dòng máu anh hùng, Long ruồi, Để Mai tính, Em chưa 18, Fan cuồng, Thanh Thúy của Công ty Thiên Phúc làm các phim Taxi, em tên gì, Ma dai, Mỹ nhân, già gân và găng tơ, Sứ mệnh trái tim, Hằng Trịnh - nhà sản xuất các phim Chung cư ma, Ngủ với hồn ma, Kung Fu phở, 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy, 100 ngày bên em, Vũ Quỳnh Hà - nhà sản xuất Để mai tính 2, Cô gái đến từ hôm qua, Cô hầu gái, Yêu đi đừng sợ, Em là bà nội của anh, Tháng năm rực rỡ. Gần đây có thêm diễn viên Thu Trang - nhà sản xuất phim Chị mười ba: Ba ngày sinh tử, Thanh Hằng - nhà sản xuất phim dã sử Quỳnh hoa nhất dạ, Lương Hằng - nhà sản xuất phim Thưa mẹ con đi, Vũ Thị Ngọc Diệp - nhà sản xuất 578 - Phát đạn của kẻ điên, Thành phố ngủ gật.

Thời gian đầu, hầu hết nữ giám đốc sản xuất phim Việt Nam đều từ dân kinh doanh hay quảng cáo và truyền thông chuyển sang làm chủ công ty phim. Tự mày mò học nghề từ thực tiễn công việc, có thất bại, có sai lầm và rút kinh nghiệm, đã có nhiều người trở thành nhà sản xuất phim chuyên nghiệp và thành công (về doanh thu, giải thưởng). Sau này, có thêm một số nhà sản xuất là diễn viên hay từng học đạo diễn như Mai Thu Huyền, Trương Ngọc Ánh, Ngô Thanh Vân, Hồng Ánh, Thanh Thúy, Minh Hằng, Thu Trang, Mai Bảo Ngọc, Trần Thị Bích Ngọc.

Rồi thêm nữa là những nhà sản xuất được học hành bài bản hơn, như Jenni Trang Le tốt nghiệp Trường Đại học UCLA ( Mỹ) - có chuyên ngành điện ảnh danh giá nhất thế giới, Hằng Trịnh tốt nghiệp khóa học sản xuất ở Trường Phim ảnh châu Á (Busan Asian Film School), Vũ Quỳnh Hà được học bổng của Ford sang Mỹ học chuyên ngành sản xuất phim tại University of Southern California. 

-4483-1678421906.jpg

Cảnh trong phim Hai Phượng

Không đơn thuần là đam mê  

Qua nhiều bộ phim có nhà sản xuất là nữ kể trên, có thể thấy đề tài và thể loại khá phong phú, giàu tính nữ. Ngay cả phía sau những phân cảnh hành động gay cấn của Hai Phượng, Thanh Sói, Truy sát là chuyện về tình gia đình, tình mẹ con, tình anh chị em, tình người và sâu xa hơn là thông điệp về nữ quyền... Không chỉ giúp cho nhiều bộ phim “ăn khách”, hay được giải Bông Sen Vàng, Cánh Diều Vàng trong nước, mà giới sản xuất là nữ còn góp công đưa phim Việt tham dự nhiều liên hoan phim quốc tế. Mới nhất, bộ phim Tro tàn rực rỡ (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên) của nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc đã thắng giải cao nhất (Khinh Khí Cầu Vàng) tại Liên hoan Phim Ba châu lục (Pháp), phim còn được chọn tranh giải chính thức tại Liên hoan Phim Tokyo (Nhật Bản) - điều mà chưa phim điện ảnh Việt Nam nào đạt được.

Nhà sản xuất có thể là nhà đầu tư, chủ công ty phim. Nhà sản xuất thường là người đứng giữa nhà đầu tư và ê kíp thực hiện bộ phim, nên phải theo từ lúc làm kịch bản đến khi quay xong và ra rạp chiếu. Do vậy, công việc luôn bận rộn, áp lực và đòi hỏi nhà sản xuất phải giữ tâm thế dám làm, dám chấp nhận, cống hiến hết mình. Ngô Thanh Vân, Luk Vân, Trịnh Hằng vừa sản xuất vừa đạo diễn để làm được bộ phim như ý muốn.

Nhiều nhà sản xuất nữ của điện ảnh Việt Nam có khả năng kêu gọi vốn đầu tư làm phim. Một số người có mối quan hệ từ các đối tác nước ngoài, như Trần Thị Bích Ngọc đã trở thành “bà đỡ” cho nhiều phim độc lập ra chợ phim quốc tế. Không chỉ tìm kinh phí sản xuất trong nước, những nhà sản xuất trẻ như Lương Hằng đã tiếp cận mô hình “hợp tác sản xuất phim trên quy mô quốc tế” nhằm mang lại nhiều cơ hội hơn cho những có tính nghệ thuật cao. 

Chỉ có đam mê thì chưa đủ. Sản xuất phim điện ảnh cũng như các ngành kinh doanh khác, đích đến vẫn là doanh thu phòng vé. Thị trường sản xuất phim ở Việt Nam vẫn đang tồn tại khó khăn về nhân sự, thiếu kịch bản hay, đặc biệt là thị hiếu khán giả luôn khó đoán. Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc từng chia sẻ: “Khán giả ngày càng tinh tế và kỹ tính. Tôi luôn quan tâm và lo lắng vào việc phải làm thế nào để làm ra một bộ phim tốt nhất, chỉn chu nhất trong quá trình sản xuất. Đó là cách mình tôn trọng khán giả”. Đó cũng là tâm sự của nhiều nhà sản xuất nữ khác. 

Điện ảnh là một cuộc đua khốc liệt và tốn kém. Đằng sau sự thành bại của nhiều phim, các nhà sản xuất nữ cho thấy tầm quan trọng của họ trong sự phát triển của điện ảnh Việt Nam.   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những bông hồng của giới sản xuất phim Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO