Đầu tư văn hóa cần nhiều nguồn lực xã hội

Gia Khanh| 26/03/2023 01:00

Muốn văn hóa trở thành một lĩnh vực kinh tế, đóng góp nguồn thu nhập lớn cho quốc gia, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước rất cần đến nhiều nguồn lực trong xã hội.

Đầu tư văn hóa cần nhiều nguồn lực xã hội

Văn hóa cũng là một ngành kinh tế 

Đối với nhiều quốc gia, văn hóa đã trở thành ngành có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững về văn hóa. Theo báo cáo của UNESCO, trước đại dịch Covid-19, công nghiệp văn hóa và sáng tạo được dự báo đóng góp vào GDP toàn cầu khoảng 10% vào năm 2030, giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, sự gắn kết cộng đồng xã hội. 

Tại Anh, ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đóng góp hơn 115 tỷ bảng, chiếm 5,9% giá trị nền kinh tế, nhiều hơn tổng giá trị của ngành công nghiệp vũ trụ, tự động hóa, khoa học cuộc sống, dầu mỏ và khí đốt. Theo thống kê của Cơ quan Phân tích Kinh tế Mỹ năm 2020, kinh tế văn hóa và nghệ thuật chiếm tỷ trọng 4,2% GDP của nước này, tương đương 876,7 tỷ USD.

Đầu năm 2022, Hạ nghĩ sĩ Seong Il Jong thông tin, nhóm nhạc BTS mang về cho quốc gia 56.000 tỷ won (khoảng 45,5 tỷ USD) - con số khổng lồ chỉ có những tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc đạt được trước đó. Big 4 (gồm 4 công ty giải trí lớn của Hàn Quốc) năm 2021 đạt tổng doanh thu 2.507 tỷ USD với lợi nhuận ròng gần 344,5 tỷ USD. Đóng góp cho sự nhảy vọt thần kỳ của nền kinh tế Hàn Quốc có vai trò của nền công nghiệp văn hóa với làn sóng K-pop (âm nhạc), K-drama (phim truyền hình) xuất khẩu ra thế giới. 

Link bài viết

Thành công của công nghiệp văn hóa Hàn Quốc (và một số nước khác) là xu hướng quản lý văn hóa chuyển từ "chính phủ ra quyết định và quản lý” sang "hợp tác giữa chính phủ và khu vực tư nhân" giúp cho khu vực văn hóa tự chủ và năng động, đồng thời phát triển lành mạnh. 

Sau 5 năm triển khai, thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, 12 ngành công nghiệp văn hóa (quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa) mới đạt doanh thu khoảng 8,081 tỷ USD, tương đương 3,61% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Việt Nam đang tìm đường xuất khẩu văn hóa khi V-pop bắt đầu vươn ra thị trường Đông Nam Á, châu Á bằng các sản phẩm âm nhạc của Sơn Tùng, Erik, Min và gần đây là Hoàng Thùy Linh với See tình; một số phim Việt công chiếu ở nước ngoài hay trên nền tảng Netflix...

Xã hội hóa là vô cùng cần thiết 

Trong giai đoạn 2021-2025, tổng vốn đầu tư cho văn hóa của Nhà nước là 66.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 2% trong tổng chi đầu tư. Cuối năm ngoái, trong Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa", Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ báo cáo Chính phủ rồi Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội xem xét trước mắt có thể thí điểm đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa (như điện ảnh, âm nhạc, thời trang). Văn hóa có thể đem lại lợi ích cho các nhà đầu tư nên PPP rất khả thi.

Do văn hóa là lĩnh vực rộng, cần đầu tư rất lớn, chỉ mỗi Nhà nước bỏ vốn là không đủ. Từ những năm 2000, Nhà nước đã có chủ trương xã hội hóa sản xuất và phân phối sản phẩm văn hóa, giải trí. Nhờ đó bên cạnh các đơn vị trực thuộc Nhà nước, đã hình thành một số tập đoàn và khá nhiều công ty sản xuất, phân phối sản phẩm văn hóa, tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực điện ảnh, truyền hình, âm nhạc.

Những bộ phim như Bố già, Nhà bà Nữ, Hai Phượng, Tiệc trăng máu... và nhiều phim nhập khẩu từ nước ngoài đạt doanh thu vài trăm tỷ đồng cho thấy hiệu quả của xã hội hóa trên lĩnh vực điện ảnh. 

Trong các cuộc hội thảo, tọa đàm về chiến lược phát triển văn hóa, đưa công nghiệp văn hóa đạt mục tiêu đóng góp 7% GDP và tạo thêm nhiều việc làm vào năm 2030, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra những gợi mở trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của thế giới và thực trạng ngành văn hóa của nước ta.

Chẳng hạn, Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật (luật điện ảnh, âm nhạc, bản quyền...) để tạo môi trường pháp lý thuận lợi, xây dựng đề án quy hoạch, bố trí quỹ đất, đầu tư cho các dự án phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn... cung cấp, hỗ trợ tài chính trực tiếp hay gián tiếp với các chính sách ưu đãi (thuế, lãi suất, tín dụng), huy động nguồn lực và sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân trong sản xuất, phát hành, bảo vệ bản quyền, khuyến khích hình thành quỹ đào tạo, quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ, quỹ giải thưởng, quỹ phát triển nhân tài, quảng bá văn học nghệ thuật, tạo mối liên kết thị trường, xây dựng thương hiệu quốc gia cho các ngành công nghiệp văn hóa, phát triển mạng lưới doanh nghiệp (trong đó hình thành một số tập đoàn lớn về công nghiệp văn hóa); một số lĩnh vực độc quyền Nhà nước quản lý như thư viện, bảo tàng, nhà hát, di sản văn hóa... nên được xã hội hóa để tư nhân và doanh nghiệp tham gia.

Kết lại, công nghiệp văn hóa đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy bản sắc văn hóa và hiện đại hơn đất nước. Vì vậy, Nhà nước phải có những giải pháp tốt nhất để công nghiệp văn hóa phát huy được tiềm năng và sức mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư văn hóa cần nhiều nguồn lực xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO