Tôn kính tổ tiên: Bản sắc văn hóa Tết Việt Nam

Lý Tùng Hiếu| 25/01/2023 01:00

Tổ tiên trong văn hóa Việt Nam có nhiều nét riêng biệt so với tổ tiên trong các nền văn hóa khác. Một trong những nét riêng biệt đó trong rất nhiều lễ mục và sự vụ trong ngày Tết Nguyên đán, người Việt Nam xưa nay luôn dành ưu tiên cho tổ tiên mình, khiến cho việc tôn kính tổ tiên trở thành một bản sắc văn hóa trong ngày Tết Nguyên đán Việt Nam.

Tôn kính tổ tiên: Bản sắc văn hóa Tết Việt Nam

"Tổ tiên" trong văn hóa Việt Nam?

Đối với các tộc người theo chế độ gia đình phụ hệ (đa số các tộc người Việt Nam, bao gồm người Việt), nói đến tổ tiên, người ta nghĩ ngay đến dòng dõi, ông bà bên cha. Đối với các tộc người theo chế độ gia đình mẫu hệ (9 tộc người Nam Đảo và Nam Á ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ), nghe đến tổ tiên người ta lại nghĩ ngay đến dòng dõi, ông bà bên mẹ. Đối với các tộc người theo chế độ gia đình song hệ (5 tộc người Nam Á ở Bắc Tây Nguyên và người Khmer Nam Bộ), nhắc đến tổ tiên thì người ta nghĩ đến cả hai dòng dõi, hai tập hợp ông bà bên cha và bên mẹ.

Tuy nhiên, điểm gặp gỡ chung của các nền văn hóa ấy là ý niệm về tổ tiên rất đỗi thiêng liêng, nhuốm màu sắc thần linh. Trong vật linh giáo mà nay vẫn còn phổ biến hoặc còn ảnh hưởng ở nhiều tộc người Việt Nam, tổ tiên cũng là thần linh, bên cạnh các thần linh khác cai quản môi trường sinh thái.

Giống với niềm tin của những người Việt theo đạo ông bà ngày nay, vật linh giáo của người Việt Nam xem vong linh tổ tiên là những thực thể vĩnh cửu, sống đời đời nơi mộ địa và có quyền năng để có thể phù hộ cho con cháu được tai qua nạn khỏi, công toại danh thành, gia đạo bình an. Tức là tổ tiên cũng có quyền năng ban phúc, giáng họa, nhưng so với các nhiên thần thì họ gần gũi với con người hơn vì có công ơn và gắn bó mật thiết với thành viên của từng gia đình và dòng họ.

Khi người Việt Nam tiếp thu các tôn giáo thế giới (Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Đại thừa, Công giáo, Hồi giáo, Tin lành...), ý nghĩa của ý niệm tổ tiên được điều chỉnh lại theo niềm tin và giáo lý của các tôn giáo ấy. Trong các tôn giáo này, tuy tổ tiên trực tiếp của gia đình, dòng họ không phải là thần linh, nhưng tri ân và tôn kính tổ tiên là một bổn phận liên quan đến quả phúc mà con người sẽ nhận sau khi họ qua đời. Do đó, song song với các thần linh, người ta cũng phải tôn kính hoặc thờ cúng tổ tiên.

Vì sao người Việt Nam ưu tiên hướng đến tổ tiên trong ngày Tết?

"Tết" ở đây là cách nói tắt "Tết Nguyên đán" hay "Tết Cả" - một phong tục kiêm lễ hội cổ truyền, hình thành ở Việt Nam vào thời Bắc thuộc. Truyền thuyết "Bánh chưng bánh giầy" đã nói lên cách thức tri ân tổ tiên rất đặc biệt, không chỉ của người Việt mà cả các tộc người khác ở Việt Nam. Trong Tết Nguyên đán, người Tày và người Nùng đều dùng gạo nếp để làm một loại bánh chưng dài gọi là "bẻng lì" và các loại xôi ngũ sắc.

Từ khi tổ tiên của người Việt tiếp thu các tôn giáo và phong tục của người Hán trong thời Bắc thuộc và phong kiến, họ lần lượt đưa các nhiên thần vào Phật giáo Đại thừa (Tứ Pháp), Đạo giáo (Mẫu Tam Phủ, Mẫu Tứ Phủ), Nho giáo (Thành Hoàng, Thần Nông). Còn tổ tiên thì được giữ lại trong các gia đình, các nhánh họ, dòng họ, với các thiết chế như bàn thờ, trang thờ, gian thờ, nhà thờ, từ đường, giỗ kỵ, giỗ họ, cúng việc lề...

Từ thời Pháp thuộc đến nay, đạo ông bà được hình thành, các tôn giáo khác cũng tiếp nhận tục thờ cúng tổ tiên của người Việt và chuyển đổi thành một phần nghi lễ của mình để thỏa mãn nhu cầu tinh thần của tín đồ người Việt (Phật giáo Đại thừa, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương, Cao Đài, Hòa Hảo, Công giáo...). Do đó, trong Tết Nguyên đán là dịp trọng đại mỗi năm chỉ có một lần, để tôn kính, tạ ơn, khấn nguyện, người Việt Nam chia thời gian biểu để vừa đến với thần linh, vừa hướng đến tổ tiên.

Thực hành tôn kính tổ tiên trong ngày Tết Việt Nam

Trong thời gian biểu đó, một so sánh đơn giản sẽ cho thấy người Việt Nam dành ưu tiên cho tổ tiên trong ngày Tết như thế nào. Từ khoảng 20-25 tháng chạp âm lịch, họ đi giãy mả hoặc đi thăm viếng nơi đặt tro cốt ông bà trong các ngôi chùa và nhà thờ. Trong khoảng 25-30 tháng chạp, họ lau dọn bàn thờ, gian thờ, đi chợ Tết mua hương hoa, trà quả, rau cá thịt, bánh mứt để làm cỗ đón ông bà. Trưa hoặc tối 30 tháng chạp, lễ đón ông bà được gia chủ thành kính tiến hành, trong lúc các thành viên gia đình có thể tụ họp gói và nấu bánh chưng, bánh tét, cũng để cúng kiếng ông bà.

Sáng mùng một Tết, việc ưu tiên là "mùng một ăn Tết ở nhà", với các công việc: bày cỗ cúng gia tiên, mâm cơm cúng thân nhân vừa quá cố còn tang chế, cúng thần đất đai, cô hồn, tử sĩ, đón con cháu về đoàn tụ. Trước cúng, sau ăn. Những người đã lập gia đình ra riêng thì "mùng một Tết cha", tức là vợ chồng, con cái cùng tụ họp về nhà cha mẹ chồng, ông bà nội, khấn cáo tổ tiên và chúc mừng, mừng tuổi cha mẹ, ông bà.

Sang mùng hai Tết, việc ưu tiên là "mùng hai nhà vợ", tức là vợ chồng, con cái đưa nhau về nhà cha mẹ vợ, ông bà ngoại, để khấn cáo tổ tiên và chúc mừng, mừng tuổi cha mẹ, ông bà. Mùng ba hoặc mùng bốn, gia chủ lại làm cỗ cúng, khấn nguyện và đưa tiễn ông bà về lại mộ phần. Tức là trong ba ngày Tết, người Việt tin rằng hoặc mong rằng, đó là khoảng thời gian con cháu đoàn viên với tổ tiên và ăn uống, vui chơi trong sự chứng kiến với tình yêu thương của tổ tiên.

Trong Tết Nguyên đán của mình mà tiếng Tày - Nùng cũng gọi là "Tet" hay "Nèn", người Tày sẽ cúng Thổ công (Cốc Bản) trong các miếu thờ, là vị thần bảo hộ làng bản, mùa màng, cúng tổ tiên trong nhà và tổ chức các trò chơi tiêu khiển. Người Nùng làm lễ giao thừa, cúng tổ tiên, làm bánh, làm gà, tổ chức ăn uống, vui chơi.

Người Thái Đen xưa kia chỉ cúng tổ tiên (xên hươn) vào cuối năm, nay cũng lấy Tết Nguyên đán làm ngày để tiến hành lễ cúng tổ tiên, hiến tế lợn to, bày cỗ bàn, uống rượu, tổ chức hát đối đáp, đánh trống chiêng, tổ chức múa dân gian (xòe). Các Phật tử Việt Nam sẽ có thêm tiết mục đi chùa lễ Phật để khấn nguyện cho mình và cho tổ tiên mình. Tín hữu Công giáo Việt Nam thì đón Tết theo trình tự: tảo mộ ông bà; đêm giao thừa làm thánh lễ tạ ơn tại nhà thờ; mồng một làm lễ cầu bình an cho năm mới và hái lộc thánh tại nhà thờ; mồng hai làm lễ cầu nguyện cho ông bà tổ tiên, cha mẹ...

Niềm tin và sự ngưỡng vọng đối với thần linh, tổ tiên khiến cho Tết Nguyên đán trở thành những ngày lễ thiêng liêng đối với mọi người Việt Nam lớn lên trong văn hóa Việt Nam. Và sự đoàn viên, vui vầy cùng ông bà, cha mẹ, anh chị em giúp siết chặt quan hệ giữa các thành viên của gia đình và quan hệ giữa hai dòng nội - ngoại.

Vì vậy mà, như tác giả được biết, những người phương Tây có dịp tham dự Tết Nguyên đán ở Việt Nam thường hiểu và giải thích ý nghĩa của lễ hội này như là lễ Giáng sinh và lễ Tạ ơn ở phương Tây cộng lại. Đối với người Việt Nam, Tết Nguyên đán đồng nghĩa với lời mời gọi hướng về gia đình, hướng về tổ tiên và xa hơn nữa, hướng về quê hương xứ sở. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tôn kính tổ tiên: Bản sắc văn hóa Tết Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO