Tản mạn về quốc gia hạnh phúc

TS. Danh Văn| 25/01/2023 06:00

Đầu Xuân, thử lạm bàn thêm vài khía cạnh của hạnh phúc - một khái niệm còn khó "nhận diện" đối với nhiều người.

Tản mạn về quốc gia hạnh phúc

Hạnh phúc là gì?

Câu hỏi này tưởng chừng như đơn giản, nhưng đã tốn không biết bao nhiêu bút mực từ thời xa xưa cho đến bây giờ để bàn về nó. Ý nghĩa và cách sử dụng khái niệm này là một chủ đề gây tranh cãi và có nhiều khác biệt trong các nền văn hóa, triết lý, tôn giáo. Nhiều người Việt thường quy hạnh phúc vào cuộc sống lứa đôi, kiểu như lời chúc "Trăm năm hạnh phúc" trong đám cưới.

Trên bình diện rộng hơn, có thể nói vắn tắt hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề như thế, lại phải giải quyết một loạt vấn đề nảy sinh, đặc biệt thế nào là nhu cầu và thế nào là thỏa mãn nhu cầu.

Từ trước Công nguyên, nhà triết học Hy Lạp Platon đã phân chia hạnh phúc thành các cấp bậc, dựa vào sự thỏa mãn nhu cầu của con người, đó là hạnh phúc xác thịt, hạnh phúc bên ngoài và hạnh phúc về tâm hồn. Do mỗi cá nhân là một thành phần của cộng đồng, không thể xem khát vọng hạnh phúc là quyền tự nhiên của con người trong việc mưu cầu khoái lạc, thỏa mãn lợi ích riêng tư.

Nếu một người nghiện hút ma túy và đạt được sự "hạnh phúc" tột độ khi phê thuốc, điều đó không thể đánh giá như những sự thỏa mãn khác. Nhà triết học Heraclitus cùng thời với Platon có một câu nói nổi tiếng: "Nếu thỏa mãn vật chất là hạnh phúc thì ta có thể xem con bò là hạnh phúc".

Đến thế kỷ XIX, nhà triết học người Anh John Stuart Mill nhắc lại rằng, hoàn toàn có thể phân biệt giữa sự "thỏa mãn cao quý" và "thỏa mãn thấp hèn". Trong một đoạn văn nổi tiếng của tác phẩm Thuyết vị lợi (1861), ông viết: "Thà là một con người không được thỏa mãn còn hơn làm một con lợn thỏa mãn. Thà làm Socrates không được thỏa mãn còn hơn làm một thằng ngốc thỏa mãn. Và nếu thằng ngốc hay con lợn có ý kiến khác, thì đó là bởi vì chúng chỉ mới nhìn thấy mỗi một góc của vấn đề".

Như vậy, cần xác định thêm, con người thỏa mãn nhu cầu trong cuộc sống đủ đầy và có ý nghĩa, với sự hiện diện của nhận thức và ý thức trách nhiệm trước cộng đồng, không thể nhân danh tự do tuyệt đối.

Theo Immanuel Kant - triết gia người Đức thế kỷ XVIII, tự do không có nghĩa là được tùy tiện làm bất cứ điều gì mình muốn. Tự do cũng không có nghĩa là chạy theo thỏa mãn hạnh phúc hay tránh khổ đau, như vậy con người vẫn là nô lệ của hạnh phúc hay khổ đau.

Đối với Kant, đau khổ và hạnh phúc không phải là điều dẫn dắt, mà là lý trí, điều làm con người cao hơn các động vật khác. Buộc trẻ em đi học khi các cháu không thích đi học không phải là hành vi cản trở hạnh phúc của trẻ, vì trình độ nhận thức của chúng chưa đủ để phân biệt lợi ích và hạnh phúc của việc đến trường với việc rong chơi. 

Người ta có thể hạnh phúc hay không hạnh phúc dù nghèo hay giàu, thọ hay yểu, bạn bè nhiều hay ít, sống đơn giản hay nhiều tham vọng, sống đạm bạc giữa thiên nhiên hoang dã hay sang trọng trong biệt thự tiện nghi. Có thể nhận ra một số biểu hiện hạnh phúc của một người hay một gia đình, chứ rất khó chạm đến bản chất của hạnh phúc. 

Quốc gia hạnh phúc

Ở bình diện rộng lớn hơn, hạnh phúc của người dân có thể được xét trong bối cảnh môi trường sống tạo ra sự hài lòng. Môi trường đó bảo đảm cho họ sự phồn thịnh về vật chất và sự phong phú, thanh thản trong đời sống tinh thần. Ở đây, vai trò của quản lý nhà nước rất quan trọng.

Trong kinh tế, không chỉ sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn lực tự nhiên và phi tự nhiên của đất nước, mà còn làm thế nào để tối đa hóa phúc lợi xã hội và tối ưu hóa việc phân chia phúc lợi xã hội, đặc biệt đối với những dân cư chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội.

Về mặt tinh thần, điều kiện tối thiểu để người dân cảm thấy hạnh phúc là được đối xử tôn trọng, bình đẳng, công bằng. Những người cùng năng lực và động lực cần được tạo cơ hội như nhau trong phát triển, cống hiến và hưởng thụ.

-4327-1673495361.jpg

Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (World Happiness Report - WHR) năm 2022, Phần Lan là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong năm thứ 5 liên tiếp. Hơn nữa, chỉ số điểm của Phần Lan còn cao hơn đáng kể so với tốp 15 quốc gia hạnh phúc nhất. Quốc gia này có 5,5 triệu dân, có nhiều khu rừng và hồ nước, nổi tiếng là nước có dịch vụ công tốt, người dân tin tưởng vào chính quyền, mức độ tội phạm và bất bình đẳng thấp.

Trong 20 nước được xếp hạnh phúc hàng đầu thế giới, ngoài hai nước châu Mỹ (Hoa Kỳ và Canada), một nước Trung Đông (Israel), cùng với Úc, New Zealand, các nước còn lại đều thuộc châu Âu, không có một nước châu Á hay châu Phi nào. Việt Nam ở vị trí 77/150 về hạnh phúc, tăng hai bậc so với năm 2021 và tăng 6 bậc so với năm 2020.

Đánh giá về hạnh phúc trong báo cáo nói trên cơ bản dựa vào các chỉ số như tuổi thọ, sức khỏe, thu nhập bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội trong thời kỳ khó khăn, mức độ tham nhũng và lòng tin xã hội. Cùng với đó là độ rộng lượng của cộng đồng và người dân được tự do đưa ra các quyết định quan trọng trong cuộc sống.

Các chỉ số này được tổng hợp từ hơn 150 quốc gia, do mạng lưới giải pháp phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc thực hiện, lấy số liệu chủ yếu từ Gallup World. Dĩ nhiên, kết quả xếp hạng dựa vào việc xác định và đo lường các tiêu chí, đặc biệt là phương pháp lấy mẫu, lấy phiếu điều tra... nhưng dù sao cũng là một dữ liệu tham khảo để chúng ta suy ngẫm.

Không nằm trong bảng xếp hạng, nhưng Bhutan vẫn được xem là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Quốc gia nhỏ bé này nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ, kinh tế vào hạng thấp nhất thế giới, nạn mù chữ và đói nghèo vẫn còn là vấn đề nan giải, nhưng người dân lại luôn cảm thấy hài lòng với cuộc sống. 

Họ hầu như chẳng quan tâm đến Internet, truyền hình hay smartphone. Họ có lối sống rất lành mạnh và điều độ, ngủ nghỉ và sinh hoạt đúng giờ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, ý thức bảo vệ môi trường sống rất cao. Họ sống rất thân thiện, tâm luôn hướng về những giáo lý Phật giáo, làm điều thiện, tránh điều ác, không phân biệt giàu nghèo. Đối với họ, cuộc sống hạnh phúc là không có hờn ghen, hơn thua, giàu lòng tin yêu và sự cảm thông, thấu hiểu nhau. Phải chăng đó là một mô hình về hạnh phúc cần phấn đấu?

Đầu năm mới, cầu mong mọi người, mọi nhà hạnh phúc và cùng góp tay vào quá trình biến đất nước Việt Nam trở thành một quốc gia hạnh phúc. 

Thiep-chuc-tet-CNS_1674021581.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tản mạn về quốc gia hạnh phúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO