1.Có rất nhiều con số làm nên hành trình đặc biệt của Tro tàn rực rỡ trong 10 năm thai nghén, ấp ủ trước khi nó được trình làng trên màn ảnh rộng.
Phim được quay duy nhất bằng một ống kính tiêu cự 40mm. Cảnh vượt cạn của nhân vật Hậu (Bảo Ngọc Dolling) trên tắc ráng vượt đường ray qua con đê ngăn mặn cũng được quay chỉ trong một shoot. Một tháng cũng là thời gian tối thiểu các diễn viên phải học, trải nghiệm nghề của nhân vật trong phim.
Phim mất hai năm để chuyển thể kịch bản từ hai truyện ngắn Củi mục trôi về và Tro tàn rực rỡ của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Chị cũng là người đã hỗ trợ trong quá trình sáng tạo kịch bản, lời thoại.
3,5 giờ là thời gian bản phim đầu tiên trước khi nó được rút gọn còn 117 phút. 5 năm là thời gian chuẩn bị trước khi bước vào quá trình ghi hình và hậu kỳ. 16 tiếng đoàn phim liên tục phải làm việc cật lực để quay những cảnh cháy nhà mà hoàn toàn không dùng đến kỹ xảo.
10 năm cho một tác phẩm nhiều tâm huyết, với khán giả phải chờ đợi là dài nhưng với nhà làm phim, tưởng dài mà ngắn.
Khi được hỏi về lý do thực hiện bộ phim Tro tàn rực rỡ, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ: “Tôi rất thích truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư - một nữ nhà văn của đất Cà Mau, mảnh đất cực Nam của Việt Nam. Trong truyện của Tư có những người phụ nữ với những tình yêu rất đặc biệt, thứ tình yêu không gì làm dừng lại được. Tôi nghĩ tình yêu là chủ đề không bao giờ cũ, nhất là tình yêu của những người phụ nữ”.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (mũ đen) trên phim trường Tro tàn rực rỡ |
Bùi Thạc Chuyên dường như luôn có cảm hứng đặc biệt với những bộ phim về thân phận con người. Ngược dòng về quá khứ, điều đó càng đúng. Đó có thể là những ẩn ức khó nói nên lời của những người phụ nữ trong Chơi vơi. Là quyết định đứng giữa lằn ranh của tội lỗi, mặc cảm, sinh tử và cả sự hy sinh trong Sống trong sợ hãi. Là những nỗi sợ vô hình, nuối tiếc, ân hận khi phạm phải sai lầm chết người trong Lời nguyền huyết ngải.
Và trong Tro tàn rực rỡ, câu chuyện tình yêu đặc biệt của ba người phụ nữ càng ám ảnh người xem hơn. Mỗi người có những câu chuyện riêng, ẩn ức riêng, nhưng đều ấp ủ trong mình ngọn lửa khao khát yêu và được yêu rực cháy. Tình yêu của họ kiên cường, mạnh mẽ, sẵn sàng bao dung.
Nhưng nếu xem Tro tàn rực rỡ sẽ thấy những biến chuyển trong cách làm phim của vị đạo diễn sinh năm 1968 này. Mọi thứ dường như đời hơn, thật hơn và tình hơn. Không phải ngẫu nhiên, anh bắt các diễn viên chính phải xuống tận Cà Mau để học đốt than, nấu cơm, làm nghề đáy hàng khơi, lái tắc ráng... Chính anh mỗi năm cũng vài lần vào Cà Mau lang thang qua nhiều làng nghề, sinh hoạt cùng dân chài, cùng họ ăn cơm, theo họ ra biển đánh cá.
Vì thế, bộ phim mang hơi thở cuộc sống gần gũi, cũng giàu tính ẩn dụ nhưng không đánh đố người xem. Tư duy duy mỹ vẫn được thể hiện một cách đậm đặc trong từng khung hình để toát lên cái không khí Nam Bộ nhưng lại rất đời, không thấy có sự phô trương. Những cảnh lái tắc ráng len lỏi qua những con kênh rạch, khu chợ quê, món cá kho tộ, những đứa trẻ nhảy cầu tắm sông... vừa nên thơ vừa đầy khắc khoải. Dàn diễn viên hoàn toàn diễn xuất, thoại bằng nội lực, bản năng và cả tình yêu mà họ tận hiến trọn vẹn cho vai diễn. Sự thật và cái đẹp trở thành ngọn nguồn cảm xúc trong Tro tàn rực rỡ.
2.Lại nói về sự thật, có lẽ phim tài liệu Không sợ hãi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên về dịch Covid-19 đã phản ánh tất cả. Anh thừa nhận, sau mỗi phim truyện, mình như bị vắt kiệt sức và đổi lại phim tài liệu chính là nguồn tiếp năng lượng tuyệt vời. “Cuộc sống hay hơn phim ảnh nhiều. Tôi yêu cuộc sống hơn phim ảnh, yêu sự tự nhiên. Tôi không phải là người sùng bái nghệ thuật. Những gì thuộc về tự nhiên, cuộc sống tiếp sức cho tôi năng lượng để có thể tiếp tục tái tạo và sáng tạo”, anh từng chia sẻ.
Câu chuyện về thân phận người phụ nữ trong Tro tàn rực rỡ đau đáu người xem |
Nhiều người khá tò mò khi anh đặt tựa phim là Không sợ hãi và đặt câu hỏi nó có gì liên quan đến tựa phim trước đó Sống trong sợ hãi. Anh cho rằng, bài học lớn nhất khi thực hiện bộ phim tài liệu này chính là không sợ hãi. Theo anh, sự sợ hãi trong hoàn cảnh ngặt nghèo của lằn ranh sinh tử ấy sẽ khiến mình tổn thương và tự giết chết chính bản thân còn nhanh hơn cả đại dịch. Sợ hãi là tự thua. “Ai cũng có nhiều thứ để sợ nhưng sợ hãi là thứ đáng sợ nhất”, anh tâm niệm.
Vậy là, vượt qua nỗi sợ với vô vàn khó khăn khi phải một mình tự cầm máy quay, lên kịch bản, phỏng vấn nhân vật trong giai đoạn việc di chuyển là cả thách thức lớn, anh đã len lỏi vào cuộc sống. Câu chuyện về những y bác sĩ đến tận nhà khám và phát thuốc cho bệnh nhân; hai người con xin làm tình nguyện viên tại bệnh viện dã chiến nơi bố đang phải điều trị Covid-19; hành trình cung cấp oxy và nhu yếu phẩm của các nhóm thiện nguyện... đã từ đời bước lên phim. Những khung hình ấy đã nói lên sự thật khốc liệt về cuộc chiến sinh tử. Nó cũng là chủ ý của đạo diễn vì phải nói thật để mọi người cùng suy ngẫm, cùng nhìn lại những mất mát đã qua một cách bình thản, chậm rãi hơn.
Nhưng chính từ sự thật đầy đau đớn, mất mát ấy, tình yêu, tình người, tình đồng bào đã được tô đậm theo cách bình dị nhất. Lá thư với tâm nguyện cuối người con viết được đặt lên ngực cha khi không vượt qua lằn ranh sinh tử. Bức ảnh ông bố được mặc quần áo chỉnh tề khi qua đời được bác sĩ ghi lại.
Đau đớn, thắt nghẹn nhưng vẫn ánh lên niềm lạc quan của tình người. Đó chẳng phải là cái đẹp tuyệt vời nhất mà một tác phẩm nghệ thuật có thể chuyên chở và hướng tới. Và đó cũng là mục đích tối thượng của những người làm nghề. Được đi, lắng nghe, kể và được khán giả đồng cảm là niềm hạnh phúc vô bờ bến. Sự thật và cái đẹp trong Không sợ hãi hòa quyện mà không cần những khung hình quá trau chuốt về mặt kỹ thuật.
Sau hai bộ phim cùng ra mắt năm 2022, nhiều người tự hỏi liệu có mất thêm 10 năm nữa mới lại được xem phim của Bùi Thạc Chuyên trên màn ảnh rộng. Theo nhiều nguồn tin, anh đang triển khai dự án kế tiếp và mốc thời gian sẽ chẳng thể nói trước. Nhưng nếu theo dõi hành trình của anh sẽ thấy mỗi tác phẩm đều là dấu gạch nối, đánh dấu những sự chuyển biến trong tư duy làm nghề của chính anh.
Đồng thời, nó cũng là dấu gạch nối quan trọng, như cách khán giả ái mộ, giới làm phim đều mong chờ và không thất vọng khi Tro tàn rực rỡ (giải thưởng cao nhất Khinh khí cầu vàng tại Liên hoan phim Ba lục địa, Pháp) ra đời tiếp thêm niềm hy vọng cho điện ảnh Việt Nam, sau thời gian dài nhiều phim thương mại rơi vào tình trạng kém chất lượng và số phim nghệ thuật chỉ lác đác vài cái tên. Vẻ đẹp đích thực của nghệ thuật há chẳng phải được kết tinh từ sự thật đó hay sao.