Trong số 3 chương trình Cuốn sách cuộc đời là cuộc trò chuyện với bà Lê Mỹ Nga - Chủ tịch của quỹ đầu tư WeAngels Venture, tác giả cuốn sách “Chat với Startup - Từ ý tưởng đến gọi vốn thành công”.
* Đề tài khởi nghiệp được giới trẻ quan tâm trong thời gian gần đây. Bà có chia sẻ nếu không có khả năng biến thành hiện thực thì mọi ý tưởng chỉ đáng giá 1 xu. Vậy làm sao để một bạn trẻ biết ý tưởng của mình có thể hiện thực hóa?
- Khi bạn khởi nghiệp thì bạn thường đi theo suy nghĩ của mình. Nếu bạn tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mà chúng ta có những trung tâm ươm tạo khởi nghiệp thì trong hệ sinh thái đó có các mentor, cố vấn khởi nghiệp, nhà đầu tư thiên thần (Angel Investor), có các chương trình hỗ trợ giúp bạn cọ xát với các hệ sinh thái quốc gia, cũng như các hệ sinh thái quốc tế. Bạn sẽ được các trung tâm ươm tạo hỗ trợ, huấn luyện cho bạn cách thức bạn khởi nghiệp.
Ví dụ như khi học đại học, trường hay yêu cầu bạn làm một kế hoạch kinh doanh theo hướng học thuật từ 50 - 100 trang giấy. Nhưng với cách thức hỗ trợ và huấn luyện kinh doanh theo kinh tế số thì bạn sẽ hoàn thiện kế hoạch kinh doanh chỉ trên 1 trang giấy. Điều này giúp cho bạn có thể thử nghiệm thị trường, thay đổi mô hình kinh doanh, thay đổi đối tác của mình một cách nhanh chóng, giúp bạn linh hoạt tiếp cận thị trường và thay đổi các ý tưởng của mình. Chỉ có thị trường mới có thể giúp bạn trả lời được rằng mô hình kinh doanh của bạn, sản phẩm của bạn có phù hợp hay không.
* Bà từng nói việc chọn được người đồng hành sáng lập là một trong những yếu tố quyết định thành bại của một dự án. Trong thực tế thì hầu hết các startup đều lựa chọn người sáng lập là bạn cùng lớp, cùng khóa hoặc thậm chí là anh em cùng một nhà. Vậy bà có có lưu ý gì để các startup có thể chọn người sáng lập phù hợp?
- Việc lựa chọn người đồng sáng lập là một thách thức đối với tất cả các startup trên toàn cầu, chứ không chỉ Việt Nam. Một trong những yếu tố tiên quyết để quỹ đầu tư chọn dự án là con người. Một team đồng sáng lập có thể bổ sung kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng cho nhau thì hình thành một đội ngũ phù hợp. Nếu lựa chọn những người bạn cùng lớp, cùng ngành học, tức bạn đã không chọn những người có khả năng, kiến thức, kinh nghiệm khác với mình để bổ sung như một bức tranh ghép. Tất cả các yếu tố trong một bức tranh ghép khi hợp lại sẽ thành một bức tranh đẹp.
Trong khởi nghiệp cũng vậy, bạn phải tìm những người có năng lực khác với mình để chúng ta bổ sung cho nhau, vì giai đoạn khởi nghiệp bạn không có tiền để thuê những người giỏi làm việc, bạn buộc phải tự làm việc. Vì thế các co - founder - các đồng sáng lập, phải tự làm việc. Nếu tự làm việc thì mỗi người phải đảm nhiệm một việc khác nhau, có một trách nhiệm cụ thể. Ví dụ như bạn học quản trị kinh doanh thì phải tìm một người học về tài chính và công nghệ để bổ sung, nếu dự án của bạn thuộc về công nghệ.
* Theo chị đâu là vấn đề cốt lõi để doanh nghiệp startup khởi nghiệp thành công?
- Hành trình từ ý tưởng cho đến gọi vốn thành công là một giai đoạn rất dài, thậm chí có bạn mất đến 1-3 năm, tất cả những yếu tố trong hành trình đó điều quan trọng hết. Các yếu tố đó giống như một sợi dây xích, chỉ cần mất đi một mắt xích thì rất khó có thành công để bạn gọi được vốn.
Ví dụ như hình thành ý tưởng từ đâu, bạn khảo sát thị trường như thế nào, bạn ứng dụng công nghệ gì, bạn chuẩn bị các quy trình cho dự án của mình như thế nào, quy chuẩn chất lượng ra làm sao, người đồng hành của mình là ai, các mentor, các nhà đầu tư thiên thần... Tất cả các yếu tố đó đều quan trọng như nhau. Chỉ cần một trong số các yếu tố đó bị sai hoặc không phù hợp thì bạn đã buộc phải dừng lại rồi. Cho nên tất cả các yếu tố mà các bạn thường hay gặp phải mà bị thất bại đều nằm trong sách, giúp cho bạn cân nhắc khi thiết lập một vấn đề trong hành trình đó.
* Một câu hỏi từ bạn đọc: Có phải những bạn học về công nghệ sẽ có lợi thế khởi nghiệp tốt hơn những ngành nghề khác?
- Các quỹ đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư thiên thần luôn chú trọng tiêu chí đầu tư là con người: đội ngũ của mình có đủ năng lực cạnh tranh với những đối thủ cạnh tranh hiện hữu và có thể trong tương lai hay không. Yếu tố thứ 2 đặc biệt quan trọng đó là công nghệ. Từ công nghệ đó bạn mới có thể thiết kế ra được một mô hình kinh doanh mới. Chỉ có công nghệ mới có thể giúp dự án đó tăng quy mô một cách nhanh chóng, bạn sẽ đạt được thị trường nhanh và đó là điều mong muốn của nhà đầu tư.
Nhà đầu tư luôn muốn đầu tư vào và thoái vốn thành công. Vậy nên nếu không học công nghệ thì bạn có thể kết hợp với những người học công nghệ, giống như cách mà Văn Đinh Hoàng Vũ đã làm. Nhưng bản thân bạn cũng phải tìm hiểu như cách mà Nga đã học. Nếu không bạn sẽ không hình dung ra được là những công nghệ đó hoạt động như thế nào, kết hợp ra làm sao, giải quyết được vấn đề gì. Thậm chí trong tương lai, đặc biệt bạn là founder, nhà sáng lập, nếu bạn không tìm hiểu thì bạn sẽ không biết cách quản trị công ty của mình, quản trị sản phẩm mô hình của mình.
* Một câu hỏi khác: “Trong thời đại nghe nhìn lên ngôi, tại sao chị lại chọn viết sách để chia sẻ với các startup thay vì talkshow, những buổi nói chuyện 1-1?”
- Khi mình nói chuyện 1-1 với các bạn thì mất rất nhiều năng lượng, công sức của mình. Bởi vì nội dung đó mình nói chỉ được một người nghe, nhưng nếu mình viết sách thì nhiều bạn có thể tiếp cận, dù không gặp mình thì vẫn đọc được những lời khuyên, những lời nhắn nhủ trong cuốn sách, giúp các bạn hoàn thiện những bước cơ bản hoặc nâng cao nhận thức của mình, hoặc chọn con đường đi phù hợp. Có rất nhiều bạn đang muốn khởi nghiệp nhưng không hiểu từ khởi nghiệp nghĩa là gì, khởi nghiệp là làm gì, thì khi đọc những kiến thức cơ bản trong cuốn sách này thì các bạn sẽ hiểu là mình có nên khởi nghiệp hay không.
Nếu khởi nghiệp thì mình phải làm gì, phải kết hợp với ai, phải tìm hiểu những người nào hoặc hệ sinh thái của nó đang ở đâu... Nga cũng đã đề cập trong sách. Điều này giúp bạn hình thành một lối đi cơ bản để bạn dấn thân vào con đường khởi nghiệp hay tham gia vào thị trường lao động để lấy kinh nghiệm từ các tập đoàn, các công ty hoặc các công ty khởi nghiệp khác.
Trong mùa dịch mình không thể gặp được các bạn, cho nên mình nghĩ rằng ngồi xuống viết những gì mình muốn nói với các bạn. Thời gian viết chỉ 14 -15 ngày, tuy nhiên cuốn sách đúc kết từ những trăn trở, kiến thức của mình suốt mấy chục năm qua. Từ khi Google ra đời thì mình đã thắc mắc tại sao Google làm gì mà lại phát triển nhanh và không lấy phí của người dùng? Những câu hỏi đó khiến mình phải đi tìm hiểu và mình muốn một ngày nào đó Việt Nam mình có những startup như là Google, Facebook. Khi mình buông công việc hiện hữu để giúp các bạn thì trong đầu mình mơ ước một ngày nhiều kỳ lân xuất hiện tại Việt Nam.
Bà Lê Mỹ Nga - Chủ tịch của quỹ đầu tư WeAngels Venture, tác giả cuốn sách “Chat với Startup - Từ ý tưởng đến gọi vốn thành công” |
* Thách thức là gì khi bà viết cuốn sách này?
-Viết cuốn sách giống như một dự án khởi nghiệp vậy. Nó đến từ pain point (điểm đau) của thị trường, đến từ vấn đề của người dùng. Nga gặp rất nhiều các bạn khởi nghiệp có rất nhiều vấn đề giống nhau, đó là pain point trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Cuốn sách giống như một giải pháp giải quyết vấn đề, giúp các bạn tránh sự thất bại ngay từ khởi đầu.
*Xin cảm ơn bà!