Tôi gọi Bùi Quý Phong bằng “Lão”, không phải vì nghệ nhân đang ở tuổi 66, mà vì trong giới vẽ mặt nạ ở phố cổ Hội An, Lão được xếp vào hàng “lão làng”.
Căn nhà cổ với mái hiên rêu phong càng làm không gian trưng bày những chiếc mặt nạ thời gian thêm liêu trai. Góc phố nhỏ ấy trên đường Bạch Đằng gần như là một không gian riêng khác, không nơi nào có ở phố cổ này.
Chút hương trầm tỏa ra trong chiều mưa thâm trầm như nỗi niềm hoài cổ. Lão ngồi bên bàn vẽ, khuôn mặt đăm chiêu như tự thuở xa xưa lắm, cái ngày mà Lão bắt đầu nếm trải những truân chuyên của đời người. Vốn tính lãng tử, nhưng rồi một đêm vợ sinh con đầu lòng, khi đó Lão 22 tuổi. Từ bệnh viện về, Lão lang thang trong phố cổ, ngẫm nghĩ tuổi trẻ quá lông bông. Trong khoảnh khắc, Lão nhận ra từ đây mình có cả một gia đình để lo, lo nhất là nuôi con.
Thế rồi, trong đêm đầu tiên được làm cha ấy, Lão thấy bên đường một chiếc mặt nạ đồ chơi bị gió thổi lăn lóc cùng đám lá vàng. Lão nhặt chiếc mặt nạ đồ chơi bằng nhựa ấy lên, một ý tưởng lóe sáng trong đầu. Những chiếc mặt nạ đồ chơi này bán rất rẻ, người ta chơi xong thì chẳng còn nhớ, chẳng còn cần. Nếu có những chiếc mặt nạ khiến người ta phải nâng niu, phải gìn giữ, phải trân trọng nó và không vứt nó vào sọt rác thì tốt biết bao.
Nhưng Lão phải tạm gác ý tưởng đó để làm những công việc khác, như làm đèn, làm đầu lân... bán kiếm chút ít tiền nuôi con. Để rồi, đến khi trở thành một đạo diễn tuồng, những chiếc mặt nạ vẽ trên khuôn mặt của diễn viên tuồng đã đánh thức ý niệm thời gian thuở trước của Lão về chiếc mặt nạ chẳng bao giờ vứt đi.
Là một đạo diễn tuồng, Lão am hiểu về những khuôn mặt biểu hiện tính cách, thái độ của nhân vật, từ những nhân vật phản diện tới những nhân vật chính diện, từ kiểu mặt nạ nạn nhân tới kiểu mặt nạ của nhà quyền quý trên sân khấu. Không chỉ thế, Lão còn nằm lòng cách vẽ, cách tạo hình của mặt nạ nhân vật khi biểu diễn. Nhưng tiếc một điều, tuồng ngày càng ít người xem. Lão đau đáu buồn vì điều đó.
Rồi ý niệm về mặt nạ thời gian lại thức tỉnh trong Lão. Lão sẽ vẽ những mặt nạ tuồng trên những chất liệu dân gian, tạo ra sản phẩm có thể đến tay người ưa thích và cũng là một cách để giữ lại văn hóa tuồng cho đời sau. Lão bắt tay vào làm một cách say mê, như sợ thời gian sẽ không còn đủ để thực hiện điều đó nữa. Nhiều lần thất bại, nhưng rồi Lão đã thành công, những chiếc mặt nạ được người dân địa phương thích thú, du khách trong và ngoài nước thích thú, trở thành sản phẩm bán được.
Mặt nạ thời gian của Lão thấm nhuần những nét đẹp của mặt nạ tuồng. Và theo cách riêng, Lão đã tối giản quy chuẩn của mặt nạ tuồng, tạo nên những chiếc mặt nạ chất chứa thông điệp của cuộc sống, tình yêu.
Nghệ nhân Bùi Quý Phong với mặt nạ thời gian |
Mặt nạ của Lão làm từ giấy bồi, dán chồng nhiều lớp lên nhau để có độ cứng và bề mặt phù hợp. Làm ra mặt nạ phải trải qua nhiều bước kỳ công, đắp giấy bồi lên khuôn, đánh dầu bóng, để khô rồi mới vẽ và tô màu.
Lão phân giải tỉ mỉ rằng, mặt nạ tuồng Việt Nam chỉ dùng 5 màu, còn mặt nạ hý kịch Trung Quốc có tới 8 hay 10 màu. Họ có thể đánh bạt màu ra để dẫn màu, còn mặt nạ của ta không dẫn màu. Trên gương mặt của tuồng Việt còn là họa tiết hình mỏ chim biển, gắn liền với lịch sử đi biển từ thuở mở cõi tiến vào Nam của cư dân miền biển Trung bộ Việt Nam. Mặt nạ hý kịch Trung Quốc mang hình tượng đuôi cá, mang cá. Mặt nạ của Lão không liên quan tới hý kịch, cũng chẳng phải kịch Nô của Nhật Bản, chỉ mang hơi thở dân gian của Việt Nam.
Và có một điều đặc biệt, Lão không bao giờ vẽ theo quy chuẩn khuôn mặt “ác” trong tuồng, như môi thâm, da sạm, mắt trợn. Tất cả được lược bỏ vì người xem có cảm giác “ma quỷ”, khó tiếp nhận. Lão chỉ vẽ khuôn mặt hạnh phúc, vui tươi.
Lão chỉ lên một mặt nạ treo ở giữa tường có khuôn miệng tươi tắn, trên trán, cánh mũi, thái dương có những chấm tròn, rồi giải thích đó là khuôn mặt một người lạc quan, đầy năng lượng. Màu đỏ trên chiếc mặt nạ tượng trưng ngọn lửa trong lòng, ngọn lửa của nhiệt huyết. Trên trán, cánh mũi, thái dương cũng có những chấm tròn ở vị trí huyệt đạo.
Lão diễn giải, khi tình yêu thương đủ đầy và khi con người chứa năng lượng tích cực thì những đường nét, huyệt đạo trên khuôn mặt tự hiện ra. Khi đã tối giản quy chuẩn thì những chiếc mặt nạ này không còn gọi là mặt nạ tuồng đúng nghĩa, nhưng với nguyên tắc như không dùng màu pha, đuôi mắt hình mỏ chim, kết hợp màu âm dương thì nó đã “nói được” một nửa mặt nạ tuồng.
Và một điều đặc biệt, những chiếc mặt nạ của Lão đều không đục rỗng phần mắt như nhiều loại mặt nạ khác. Thay vào đó, Lão vẽ mắt, bởi đôi mắt chính là cửa sổ tâm hồn. Khi nhìn vào đôi mắt ấy, người xem sẽ hiểu điều mà mặt nạ đó muốn thể hiện. Lão bảo mặt nạ này chỉ vẽ mà không khoét mắt để nó được treo lên trang trọng nhà như bức tranh, thay vì là một món đồ chơi đeo trên mặt, khi chán người ta sẽ bỏ.
Trong tiệm cà phê nhỏ nằm giữa lòng phố cổ (số 76 Lê Lợi, Hội An) là không gian thứ hai nơi Lão trưng bày mặt nạ thời gian. Du khách tới đây vừa nhâm nhi cà phê, vừa thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật. Không gian quán treo nhiều mặt nạ thời gian, thể hiện như một bức tranh. “Tôi muốn du khách trong và ngoài nước hiểu quy ước khi vẽ mặt nạ dân gian - một phần của mặt nạ tuồng. Và hơn thế, khi mặt nạ theo chân họ đi đây đó, nghĩa là đã góp phần quảng bá tuồng hay văn hóa của Việt Nam với thế giới!”, Lão nói.
Những năm trước, Bùi Quý Phong được mời tham dự triển lãm mặt nạ ở Hàn Quốc, giờ Lão nhận được nhiều đơn hàng từ Pháp, Ý, Mỹ... Lão tự hào vì ít nhất cũng đã góp phần nhỏ vào đời sống tinh thần Hội An và muốn loại mặt nạ mỹ thuật thuần Việt thân thiện môi trường vươn xa hơn nữa. Bây giờ, giá mỗi chiếc mặt nạ khoảng 250.000 đồng, dù một ngày bán không được bao nhiêu nhưng Lão cùng những học trò vẫn quyết không bỏ nghề. Lão bảo, dù không mua nhưng khi nhìn vào, người ta sẽ nhớ đến hát tuồng, nhớ tới một nét văn hóa của Việt Nam.