Từ lễ hội đặc sắc đến triển lãm hội họa
Từ tháng 11 đến nay đã có nhiều lễ hội về văn hóa dân gian. Chẳng hạn Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII - 2022 và Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần V - 2022 ở Sóc Trăng, thu hút gần 1 triệu người đón xem nhiều loại hình văn hóa dân gian, như diễn xướng nhạc ngũ âm, các điệu múa dân gian răm vông, saravan, múa trống sadăm, nghệ thuật sân khấu rôbăm và dùkê, đua ghe ngo, phục dựng lễ cúng trăng, trình diễn lôi protip (thả đèn nước) và ghe cà hâu.
Lễ hội “Thiết kế, sáng tạo Hà Nội 2022” hội tụ đa dạng loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian tiêu biểu như xẩm, ca trù, chèo, tuồng, hát ví, hát dặm, trống hội Thăng Long, cho thấy sự sáng tạo, mới mẻ của các nghệ sĩ dựa trên các giá trị truyền thống. Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022, trong đó có không gian hội tụ tinh hoa di sản văn hóa phi vật thể trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca quan họ Bắc Ninh, ca trù, đờn ca tài tử Nam Bộ, bài chòi Trung Bộ, hát chèo và hát xẩm.
Lễ hội “TP.HCM - Ngôi nhà của chúng ta” năm 2022 với các sân khấu mở là không gian của hòa tấu nhạc cụ dân tộc, biểu diễn đờn ca tài tử. Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu tại TP.HCM trình diễn hát then, đàn tính, múa xòe, múa khèn. Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV - 2022 trình diễn các làn điệu dân ca như hát xoan, hát then và xòe Thái, Xống chụ xôn xao - Tiễn dặn người yêu, múa khèn Mông, múa ong eo, tăng bu của dân tộc Khơ Mú, múa trống đu của dân tộc Mường, trình diễn các trang phục dân tộc và các trò chơi dân gian: bắn nỏ, tù lu, tung còn, kéo co, đẩy gậy. Các lễ hội, ngày hội kể trên không chỉ giới thiệu, quảng bá văn hóa dân gian đến đông đảo người dân, mà còn góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian trong thời hiện đại.
Bảo tồn và phát huy bằng cách hướng thế hệ trẻ đến với văn hóa dân gian để tạo ra tác phẩm nghệ thuật mang đậm màu sắc mới và hơi thở đương đại được nhiều chương trình về hội họa, triển lãm đang theo đuổi. Như chương trình Tiên - Rồng nghiên cứu những giá trị nghệ thuật và hoa văn từ hình tượng tiên nữ trong chạm khắc đình làng Bắc Bộ xưa để sinh viên phát triển thành tác phẩm mỹ thuật, nghệ thuật thị giác.
Đến với workshop Kì công, Chạm nét Đông Hồ diễn ra bởi tổ chức phi lợi nhuận Vietnamme vào cuối tháng 10 tại Ươm Art Hub (TP.HCM) người tham dự được tự tay tạo nên bức tranh Đông Hồ, tham quan khu vực trưng bày những tác phẩm thuộc dòng tranh này, lắng nghe các buổi nói chuyện về kiến thức và các dòng tranh Đông Hồ. Triển lãm Con đường tại Bảo tàng Hà Nội với gần 100 tác phẩm đặc sắc về tranh Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng được làm mới trên chất liệu sơn mài khắc (kết hợp giữa sơn mài và khắc) dát vàng.
Nhạc trẻ với văn hóa dân gian
Trong chương trình Hiện đại và cổ điển tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (ngày 12/11), với Vũ điệu chèo và lên đồng, lần đầu tiên trống đế của nghệ thuật chèo được chơi như một “soloist” trong dàn nhạc giao hưởng gồm 80 người do nhạc trưởng Maestro Wojciech Czepiel đến từ Ba Lan chỉ huy. Tác phẩm của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc sử dụng các làn điệu chèo con gà rừng, xẩm xoan, cách cú, hề mồi, bình thảo, lưu không - với chầu văn là dọc cờn xá. Đưa nghệ thuật chèo và chầu văn vào dàn nhạc giao hưởng là sự nỗ lực rất lớn của những người làm nghệ thuật trong việc bảo tồn, quảng bá nghệ thuật truyền thống tới giới trẻ và bạn bè thế giới.
Ở chương trình Cung đàn thương nhớ có sự xuất hiện của nhóm ngũ tấu đàn bầu biểu diễn tác phẩm Lý ngựa ô được chuyển soạn từ bài dân ca Lý ngựa o của Thừa Thiên - Huế, kết hợp guitar bass và trống.
Năm 2019, Để Mị nói cho mà nghe của ca sĩ Hoàng Thùy Linh kết hợp giữa nhạc trẻ và âm hưởng văn hóa dân gian đã gây “sốt” trong công chúng trẻ. Cũng từ đó, có thêm nhiều ca sĩ khác như Hoàng Duyên, Đức Phúc, Hòa Minzy góp phần lan tỏa sức sống mới cho văn hóa dân gian thông qua MV nhạc trẻ.
Gần đây, Hà Myo ra mắt MV Trò chơi... í a... trời cho hòa quyện giữa xẩm và xoan - đã được UNESCO công nhận di sản văn hóa phim vật thể của nhân loại - trên nền âm nhạc điện tử và sáo, đàn nguyệt. MV Ngân nga Việt Nam kết hợp giữa những làn điệu quan họ, ca Huế và cải lương với âm nhạc hiện đại với sự góp giọng của NSND Bạch Tuyết, NSND Thúy Hường và NSƯT Vân Khánh, nằm trong chiến dịch cùng tên nhằm kêu gọi công chúng tìm về vẻ đẹp của âm nhạc truyền hình, tôn vinh văn hóa dân tộc và quảng bá du lịch.
MV Về nghe mẹ ru của NSND Bạch Tuyết và ca sĩ trẻ Hoàng Dũng kết hợp nhạc hiện đại và cải lương do nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền sáng tác. MV Kết duyên tơ hồng của ca sĩ Cao Bá Hưng phối pop hiện đại với âm hưởng dân ca Bắc Bộ. Nghệ sĩ Đinh Nhật Minh biểu diễn sáo trúc trên nền nhạc điện tử, sáo trúc với vũ đạo.
Những sản phẩm âm nhạc trên đều tạo hiệu ứng truyền thông tốt, được yêu thích nhờ đánh trúng tâm lý tò mò và thích sự mới lạ của giới trẻ. Sau nửa tháng ra mắt, Về nghe mẹ ru đạt hơn 5 triệu lượt nghe và gần 200.000 lượt yêu thích, gần 10.000 lượt bình luận trên nền tảng YouTube, Ngân nga Việt Nam cũng đạt mốc 110 triệu lượt xem. Chính những cuộc giao duyên này đã giúp các loại hình văn hóa dân gian có thêm sức sống mới để tiến gần hơn đến khán giả trẻ.