Chợ Tết quê tôi

VU GIA| 13/02/2013 08:22

Ngày xưa không có doanh nhân, doanh nghiệp như bây giờ, nhất là ở những vùng quê. Do đó, chợ quê cũng nghèo như phần lớn cuộc đời lam lũ của cộng đồng.

Chợ Tết quê tôi

Ngày xưa không có doanh nhân, doanh nghiệp như bây giờ, nhất là ở những vùng quê. Do đó, chợ quê cũng nghèo như phần lớn cuộc đời lam lũ của cộng đồng. Nói như cụ Tú đất Vị Xuyên: “Chẳng phong lưu cũng ba ngày Tết/ Kiết cú như ai cũng rượu chè”. Cho nên, dù ông bà mình nói “vắng như chợ chiều” nhưng chợ chiều cận Tết ở quê tôi thì không phải vậy, rất nhộn nhịp, nhất là vào ngày 29 và 30 tháng Chạp.

Đọc E-paper

Chợ chiều cuối năm

Hồi nhỏ, tôi đã nhiều lần theo mẹ đi chợ chiều 30 Tết. Mẹ tôi đi chợ chiều 30 Tết không chỉ mong mua được nhiều vật dụng, thực phẩm cần thiết cho ba ngày Tết, mà còn chủ ý mua được những mớ cá ngon.

Theo mẹ tôi, thông thường, giá cả các mặt hàng vào chiều 30 Tết có phần “mềm” hơn, song lắm lúc chẳng rẻ, vì nhiều người có cùng chung ý nghĩ. Chủ ý của mẹ tôi cũng như nhiều người khác đi chợ chiều 30 Tết là để mua cá.

Chợ chiều 30 Tết ở quê tôi bán rất nhiều cá, từ mớ cá trắng, cá mại nhỏ bằng ngón tay út còn tươi roi rói tới những con cá diếc lớn nhỏ đủ cỡ bơi quậy trong các chậu sành; từ những con cá chép nằm trong rổ tre há miệng nhịp mang hớp gió đến những xửng cá hấp khá hấp dẫn được đưa từ Cửa Đại (Hội An) lên...

Theo người dân quê tôi, ngày Tết ăn cá sẽ gặp nhiều may mắn, vì cá trong tiếng Hán là ngư, đọc lên nghe giống với từ dư trong tiếng Việt. Do vậy, ăn cá là cầu mong cho cuộc sống quanh năm dư dả, có của ăn của để.

Ngoài ra, nhiều người cho rằng cá sống trong nước, biểu trưng cho sự linh hoạt; nước biểu trưng cho tiền của (tiền nhiều như nước). Vì thế, ngày Tết ăn cá có rất nhiều ý nghĩa. Bên cạnh đó, cá dễ kiếm và vừa với túi tiền của nhiều thành phần trong xã hội. Ai có tiền thì mua cá lớn, ít tiền thì mua cá vụn, cá hấp...

Nghèo quá thì mua lưng lon nắm cá cơm hoặc cá nục... Mẹ tôi kể, hơn nửa thế kỷ trước, ngày Tết ở quê tôi, nhiều nhà không được bữa nào no. Có không ít nhà chưng vài ba con mắm cá nục hoặc cá cơm chấm với rau, húp lưng chén cháo cũng qua bữa ăn ngày Tết.

Những người lớn tuổi ở quê tôi xem cuộc sống hiện tại như thiên đường, còn lớp trẻ sinh sau ngày đất nước đổi mới thì nghe những chuyện kể ấy cứ như nghe chuyện cổ tích.

Chợ sớm đầu năm

Bây giờ, chợ ở quê tôi vẫn còn giữ lệ sáng mùng 3 mới họp chợ đầu năm. Buổi chợ đầu năm mới nên mặt mày ai cũng hớn hở, áo quần cũng tinh tươm hơn. Nhóm chợ, có người bán nhúm rau cải con, người bán nhúm hành ngò, nhưng lệ xưa còn giữ là cá tràu (miền Nam gọi cá lóc, miền Bắc gọi cá quả) và những chú gà trống choai (gà trống chưa đạp mái) được nhiều người quan tâm nhất.

Người ta mua gà trống choai về cúng đầu năm, còn cá tràu được cho là mạnh nhất trong các loại cá, nên ai cũng muốn mua để cầu mong được mạnh khỏe quanh năm suốt tháng.

Quê tôi có sông, bàu, đìa... nên cá cũng dễ kiếm. Hồi xưa, những ngày cuối năm, người ta thường tổ chức tát bàu, tát đìa. Những nhà có của ăn của để thì bỏ cá vào lu, rộng lại để dùng trong ba ngày Tết.

Con nhà nghèo thì đi bắt hôi trong những ngày tát bàu, tát đìa rồi rộng lại để dành cho buổi chợ chiều 30 Tết nhằm đổi lại những thực phẩm cần thiết cho gia đình.

Người khác thì đi câu cá diếc, cá gáy có nhiều quanh năm ở ven sông. Bà con vạn chài cũng cố làm hết sức để có thêm đồng ra đồng vào trong những ngày đầu năm.

Buổi chợ đầu năm ở quê tôi tan nhanh, bởi người bán không mấy nói thách, người mua cũng chẳng mấy cò kè. Không ai nói ra, nhưng tất cả đều mong mua may bán đắt cùng những tiếng cười vui vẻ kèm theo những lời chúc tốt đẹp.

Xa quê đã lâu, tôi không còn dịp đi chợ Tết, nhưng qua những người thân còn ở quê nhà thì chợ Tết quê tôi bây giờ đã khác nhiều lắm.

Do cuộc sống đã khá hơn nên nhu cầu mua sắm ngày Tết cũng khác, song cái tinh thần của một chợ quê ngày Tết vẫn còn. Thế là mừng, cái tinh thần đó nói ra nghe đơn giản nhưng lại là “hồn vía” của mỗi con người đang sống xa quê.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chợ Tết quê tôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO