Mạng ảo, lo thật

MAI YẾN| 06/02/2007 09:52

Bộ Văn hóa - Thông tin đang xem xét soạn thảo một thông tư nhằm đưa nhật ký mạng vào khuôn khổ. Thế nhưng khi thế giới ảo đang gia tăng theo cấp số nhân thì các cơ quan quản lý vẫn lúng túng...

Mạng ảo, lo thật

Khi mạng xã hội ảo (cyberspace) MySapce hay YouTube tạo thành hiện tượng trên thế giới, thì tại VN, những mạng xã hội ảo cũng trở thành hiện tượng đặc biệt. Bùng nổ internet tạo nên sức hấp dẫn và tốc độ phát triển đáng kinh ngạc của những mạng xã hội ảo Việt như VietSpace, VietGreat rồi Mạng chia sẻ VN, Thế hệ 8x và Opera VN...

Chẳng hạn, VietSpace đã có gần 40.000 thành viên, với xấp xỉ 200-250 người đăng ký mỗi ngày. Hay trong VietGreat, các thành viên có thể tạo những trang web cá nhân độc đáo, chia sẻ hình ảnh - thông tin, blog - diễn đàn, video clip - bài hát có thể mở rộng kết nối với hàng nghìn thành viên khác.

Trào lưu web 2.0 và cyberspace tạo nên sự bùng nổ của dạng nhật ký trực tuyến (blog) trên thế giới cũng như VN. Chưa có con số thống kê chính thức, nhưng thế giới blog VN trong các mạng dịch vụ như Yahoo 360o, Blogger, WordPress, Windows Live Space... có số lượng thành viên lên đến con số triệu.

Năm 2006 đã chứng kiến sự bùng nổ của “làn sóng blog VN” khi những người nổi tiếng cũng tham gia viết blog, trong khi những người bình thường, nhờ viết blog trở thành người nổi tiếng. Nhiều blog đã thu hút được hàng triệu người truy cập và có blog đạt được số lượt truy cập trong ngày tương đương một tờ báo điện tử.

Thế giới ảo ngày càng có sức lôi cuốn giới trẻ VN mang theo mối bận tâm có thật ngày càng lớn của xã hội

Thực tế, blog đã vượt tầm của một dạng nhật ký cá nhân, trở thành công cụ giao lưu, trao đổi thông tin, quảng cáo. Thậm chí, blog còn được cho là đang trở thành một kênh giao tiếp quan trọng nhất của giới trẻ hiện nay.

Người ta có thể thấy điều này qua những cuộc “ra quân” rầm rộ của hàng ngàn Viet’sbloggers vào những dịp lễ hay những đợt quyên góp.

Bên cạnh đó, xã hội cũng đang bày tỏ lo lắng về sự phát triển thái quá của những “blog bẩn” và “blog sex” phát triển mạnh trong thời gian gần đây.

Vì thế, blog không còn là “thế giới ảo” mà đang được nhìn nhận dưới góc độ một vấn đề xã hội rất nghiêm túc.

Cũng như trên thế giới, để hướng các blog vào con đường phát triển lành mạnh, việc ra các qui định quản lý các blog là hoàn toàn hợp lý.

Tiếp sau việc đưa ra Thông tư liên bộ 60 về quản lý hoạt động các game online, Bộ Văn hóa - Thông tin tiếp tục xem xét soạn thảo một thông tư mới nhằm quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm đối với blog.

Tuy nhiên, trong khi sự phát triển của blog đang gia tăng theo cấp số nhân, thì cơ quan chức năng hiện nay vẫn lúng túng trong việc tìm ra biện pháp quản lý hữu hiệu. Theo ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng, khó có thể yêu cầu các nhà cung cấp nước ngoài hợp tác do những khác biệt về các đánh giá nội dung và khác biệt về luật pháp.

Trong khi đó, việc kiểm soát blog cũng phức tạp hơn game online. Nhà cung cấp blog lớn nhất hiện nay là Yahoo 3600 có dịch vụ “Report for abuse” nhằm giúp thông báo những vi phạm và cảnh báo những nội dung “người lớn”. Tuy nhiên, hiện dịch vụ này chưa hỗ trợ tiếng Việt, nên những “blog bẩn” và “blog sex” tại VN vẫn chưa thể chặn được từ ngay nhà cung cấp dịch vụ.

Một nghiên cứu mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường Taylor Nelson Sofres (TNS), cho thấy khoảng 80% thanh niên VN thạo internet. Càng bỏ nhiều thời giờ trên mạng, độc giả trẻ càng tách khỏi truyền thông truyền thống, và sự phát triển của internet cũng như các mạng xã hội ảo là dấu hiệu cho thấy các công cụ truyền thông kiểu cũ đang bị internet xâm lấn dần.

Trước sự bùng nổ quá nhanh của các hình thức giao tiếp internet, các chuyên gia xã hội cho rằng, nếu báo chí được coi là quyền lực thứ tư thì giờ đây blog đang dần trở thành một thứ quyền lực thứ năm. Tuy nhiên, ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa - Thông tin cho biết, blog là hoạt động khá mới nên vẫn chưa có những chế tài cụ thể áp dụng đối với hình thức trao đổi thông tin trên nhật ký mạng.

Bộ đã giao cho Phòng Thanh tra báo chí - xuất bản nghiên cứu, khảo sát và trình lên Bộ hướng quản lý. Hiện tất cả văn bản pháp quy đều có những điều khoản quy định về việc đưa thông tin lên mạng. Do đó, trong trường hợp phát hiện các blog gây tác động xấu tới xã hội thì các cơ quan chức năng vẫn có thể truy tìm được chủ nhân để xử lý.

Không có biện pháp kỹ thuật để kiểm soát cũng như ngăn chặn blog xấu đã biến việc áp dụng một thông tư quản lý blog trở nên khó khăn. Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Bưu chính - Viễn thông TP.HCM cũng nhìn nhận, nếu theo dõi tất cả blog hiện nay là không thực tế về mặt nhân lực và kỹ thuật!

Vì thế, trong khi chấp nhận thực tế “theo dõi tất cả blog là bất khả thi”, nhiều sở bưu chính - viễn thông có việc làm thêm là mỗi khi Bộ yêu cầu chặn blog nào thì sở chặn blog đó!

Theo số liệu của Technorati, sau 5 năm ra đời, hiện trên intemet đã có 57 triệu blog và ngày càng tăng với tốc độ 100.000 blog ra đời mỗi ngày. Thống kê cho biết mỗi ngày, các cư dân trên mạng đưa 1,3 triệu ghi chép cá nhân vào loại “nhật ký” này.

MAI YẾN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mạng ảo, lo thật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO