Trung gian mua bán nợ đang thiếu và yếu

SONG ANH| 07/12/2017 09:48

Về việc mua bán nợ ở Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhận xét: Hành lang pháp lý không thiếu, vấn đề nằm ở sự chồng chéo, không đồng bộ và khó làm.

Trung gian mua bán nợ đang thiếu và yếu

Về việc mua bán nợ ở Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhận xét: Hành lang pháp lý không thiếu, vấn đề nằm ở sự chồng chéo, không đồng bộ và khó làm.  

Đọc E-paper

TS. Cấn Văn Lực

* Đang có ý kiến về việc thành lập thị trường mua bán nợ. Theo ông thì có cần thiết không?

- Nhu cầu thành lập thị trường mua bán nợ của Việt Nam xuất phát từ yêu cầu xử lý nợ xấu. Thực tế thì từ năm 2008, các ngân hàng và chi nhánh ngân hàng đã mua bán nợ với nhau, bao gồm cả nợ xấu và nợ bình thường.

Tôi đã tham gia khảo sát ba thị trường mua bán nợ của Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc. Mục tiêu của Trung Quốc và Hàn Quốc tương tự Việt Nam, tức nhằm xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu ở Trung Quốc không hiệu quả, trong khi Hàn Quốc đã xử lý rất tốt vấn đề nợ xấu thông qua Công ty Quản lý khai thác tài sản Hàn Quốc (Kamco). Thị trường mua bán nợ của Mỹ rất hiện đại, gồm cả nợ xấu và nợ bình thường, kể cả các ngân hàng bán nợ khi muốn phân tán rủi ro.

Đặc biệt, chứng khoán hóa là phương pháp để đa dạng hóa, phân tán rủi ro rất hữu hiệu cho các tổ chức tín dụng. Chứng khoán hóa chiếm khoảng 20% tổng dư nợ của các ngân hàng của Mỹ. Chính phủ Mỹ đã tạo lập hành lang pháp lý riêng cho mua bán nợ, trong khi Hiệp hội Kinh doanh và Hợp vốn nợ - một tổ chức quan trọng của Mỹ được phép ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, mẫu biểu mua bán nợ. Đây là mô hình rất hiệu quả liên quan đến tiêu chuẩn mua và bán nơ.

* Theo ông, điều gì cần lưu ý khi Việt Nam xây dựng thị trường mua bán nợ?

- Xây dựng thị trường mua bán nợ ở Việt Nam trước hết phải xây dựng khuôn khổ pháp lý. Hàn Quốc đã xây dựng hệ thống pháp lý về quản lý các định chế tài chính liên quan đến mua bán nợ. Đối chiếu với Hàn Quốc, hành lang pháp lý của Việt Nam là không thiếu. Hàn Quốc có quy định riêng cho hoạt động của Kamco, Việt Nam cũng có Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội và Quyết định số 1058 của Chính phủ về xử lý nợ xấu. Vấn đề của Việt Nam là chồng chéo, không đồng bộ và khó làm.

Tổng dư nợ của nền kinh tế khoảng 6 triệu tỷ đồng tính đến tháng 6, và đến cuối năm 2017 sẽ lên tới khoảng 6,5 triệu tỷ đồng. Trong đó, khoảng 35% là nợ cá nhân và hộ gia đình, khoảng 65% (khoảng 4 triệu tỷ đồng) là nợ liên quan đến ngân hàng cho vay. Hiện nay dư nợ hoặc giá trị vốn hóa thị trường trái phiếu của Việt Nam khoảng 27% GDP, trong đó nợ chính phủ khoảng 23 - 24% và nợ doanh nghiệp 2%.

Về mặt hàng hóa, chứng khoán hóa là xương sống để phát triển thị trường mua bán nợ, đó cũng là giải pháp hiệu quả để thị trường có thanh khoản cao. Ở Mỹ có nợ bình thường, nợ tốt, nhưng nợ tốt không nhiều lắm, chỉ khoảng 4% trên tổng quy mô nợ. Tuy nhiên, chứng khoán hóa lại rất nhiều, khoảng 20%. Hiện tại, Hàn Quốc đã có mua bán nợ bình thường và đã cho chứng khoán hóa. Trung Quốc cũng đã triển khai chứng khoán hóa trong mua bán nợ xấu.

Có nhiều việc phải làm để phát triển thị trường mua bán nợ. Thị trường mua bán nợ phải bao gồm cả nợ bình thường và nợ xấu. Nợ xấu của nước ta hiện nay, như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo trước Quốc hội, khoảng 8,6% tổng dư nợ, khoảng 516.000 tỷ đồng. Đây là số liệu chuẩn làm cơ sở để mua bán nợ xấu. Kế đến, thị trường mua bán nợ có bao gồm trái phiếu doanh nghiệp, nợ cá nhân, nợ gia đình hay không, hay về "quyền sở hữu" có được quy định trong các văn bản pháp lý liên quan không. Những điều đó cần được làm rõ.

* Như vậy những chủ thể nào sẽ tham gia thị trường mua bán nợ?

- Đây là vấn đề quan trọng. Tại Trung Quốc, chính phủ đưa cả ba cơ quan tài chính vào (Ngân hàng Trung ương, Cơ quan Giám sát ngân hàng và Bộ Tài chính) cùng tham gia quản lý.

Tại Việt Nam, Bộ Tài chính đang quản lý thị trường mua bán nợ. Trong Quyết định số 1058 của Chính phủ nêu rõ, Bộ Tài chính có trách nhiệm xây dựng phương án và đề án để thành lập thị trường mua bán nợ. Thế nhưng, trung gian của thị trường mua bán nợ đang rất thiếu và yếu.

Hiện nay những đơn vị tham gia mua bán nợ là Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và các tổ chức tín dụng.

Tôi nghĩ rằng vai trò của tư nhân trong thị trường mua bán nợ là rất quan trọng. Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội cho phép nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước được mua bán nợ tại Việt Nam. Thế nhưng, các quy định liên quan đang có những vướng mắc, đặc biệt là những vướng mắc liên quan đến quyền sở hữu đối với tài sản tại Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài. Tôi đã đề xuất cơ chế cho phép các tổ chức tín thác, ủy thác thay mặt để mua bán nợ và quản lý tài sản cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là biện pháp mà Hàn Quốc đã làm rất tốt.

* Một thị trường mua bán nợ như ông nói có dùng tiền ngân sách?

- Trong việc mua bán nợ xấu, Hàn Quốc đã phải bỏ ra 50% ngân sách nhà nước và tỷ lệ thu hồi là 50%. Trung Quốc cũng phải chi ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu. Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội không cho sử dụng ngân sách nhà nước, điều này đã làm thị trường mua bán nợ bị cản trở nhất định.

* Cám ơn ông!

>>Mua nợ xấu: Cứu ai và cứu vì cái gì?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung gian mua bán nợ đang thiếu và yếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO