Đề án tinh giản biên chế nhằm vào đội ngũ "cắp ô"

03/03/2014 07:42

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, mục tiêu của việc tinh giản biên chế lần này không phải là con số 100.000 mà là đưa ra khỏi công vụ những người không đáp ứng được yêu cầu của công việc

Đề án tinh giản biên chế nhằm vào đội ngũ

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, mục tiêu của việc tinh giản biên chế lần này không phải là con số 100.000 mà là đưa ra khỏi công vụ những người không đáp ứng được yêu cầu của công việc.

Mục tiêu của việc tinh giản biên chế lần này là đưa ra khỏi công vụ những người không đáp ứng được yêu cầu của công việc - đội ngũ công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về"

Dự thảo Nghị định tinh giản biên chế do Bộ Nội vụ soạn thảo dự kiến sau 6 năm kể từ năm 2014, sẽ thực hiện tinh giản biên chế khoảng 100.000 người, với tổng kinh phí thực hiện là 8.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng 80% nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc. Đây là một vấn đề gây sự quan tâm của dư luận trong thời gian gần đây. Nhiều ý kiến băn khoăn về con số 100.000 cũng như cách thức, hiệu quả sẽ đạt được. Thứ trưởng Trần Anh Tuấn trao đổi về những thắc mắc của Dự thảo.

* Thưa Thứ trưởng, dư luận quan tâm con số 100.000 đối tượng theo kế hoạch sẽ được tinh giản từ nay đến 2020. Xin Thứ trưởng nói rõ hơn về con số này.

- Con số 100.000 không phải là mục tiêu của tinh giản biên chế lần này. Chính sách tinh giản biên chế lần này nhằm rà soát, phân loại, đánh giá lại đội ngũ cán bộ công chức, đưa ra khỏi công vụ những người không đáp ứng được yêu cầu của công việc trong quá trình làm nhiệm vụ, thay vào đó sẽ tiếp tục đổi mới phương thức tuyển chọn, đưa vào trong đội ngũ công chức những người đáp ứng đủ yêu cầu, phẩm chất, trình độ, năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để có thể phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.

Trong nhiều giải pháp chúng tôi đưa ra có giải pháp giải quyết đối với những người không đáp ứng công việc công vụ là cho hưởng chính sách về hưu trước tuổi. Đó chỉ là một giải pháp trong rất nhiều giải pháp tinh giản biên chế. Con số 100.000 có thể là do trong nhóm các chuyên viên ban soạn thảo tính, nếu như thực hiện theo giải pháp này thì ước tính những người thực hiện chính sách về hưu trước tuổi là 100.000.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là con số ban đầu của Dự thảo lần 1. Hiện nay, Dự thảo Nghị định tinh giản biên chế đã được chúng tôi gửi đi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và đưa lên trang Web của Bộ Nội vụ để xin ý kiến nhân dân. Bộ Nội vụ cũng luôn mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành địa phương để nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện dự thảo nhằm đảm bảo các chính sách liên quan đến tinh giản biên chế khi được Chính phủ ban hành sẽ có tính khả thi và đi vào cuộc sống.

Người đứng đầu phải thực sự công bằng, khách quan

*Dư luận băn khoăn trong quá trình thực hiện có thể có những mặt tiêu cực gây cản trở, khó khăn như chạy chọt, nể nang hoặc thậm chí là những cơ chế ràng buộc khiến việc tinh giản biên chế khó thực hiện. Thứ trưởng nghĩ sao về những băn khoăn này?

- Dư luận băn khoăn là chuyện bình thường. Trong bất cứ việc thực thi, triển khai các chính sách nào, nếu chúng ta buông lỏng quản lý, buông lỏng sự kiểm tra giám sát và đặc biệt là trách nhiệm của những người thực thi chính sách này không được đề cao thì chắc chắn sẽ xảy ra những hiện tượng, biểu hiện tiêu cực như chạy chọt, hoặc nhằm làm cho chính sách tinh giản biên chế không thực hiện được đúng những mục tiêu đặt ra, không đúng đối tượng, không đảm bảo yêu cầu của chính sách tinh giản biên chế.

Vì vậy, khi thực hiện chính sách tinh giản biên chế này, bên cạnh những chính sách đã được xây dựng thì việc tổ chức thực hiện, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng là điều rất quan trọng. Đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước ở các đơn vị, Bộ, Ngành, các địa phương phải được đề cao lên rất nhiều.

Nếu phát huy được hết trách nhiệm, với quyết tâm chính trị cao thì chính sách tinh giản biên chế của chúng ta có thể đạt được mục tiêu đề ra là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. Cái đó đòi hỏi sự quyết tâm, sự khách quan vô tư, công tâm trong phân loại, rà soát, đánh giá để có thể xác định được danh sách các cán bộ công chức, viên chức không đáp ứng được yêu cầu công vụ để đưa vào diện chính sách giải quyết tinh giản biên chế. Những người làm việc tốt, tận tâm, tận tụy, trách nhiệm phục vụ nhân dân phải được bảo vệ, khuyến khích xây dựng để phát huy. Đó là những nhân tố góp phần nâng cao đội ngũ cán bộ công chức.

* Về việc triển khai trên diện rộng từ cấp ngành, cấp địa phương dự kiến trong tương lai, có văn bản nào hướng dẫn hay những quy định, cơ chế nào có tính thống nhất triển khai không, thưa Thứ trưởng?

- Dự thảo này sau khi được các Bộ, Ngành, địa phương và nhân dân tham gia đóng góp, hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành thì chắc chắn Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan xây dựng các thông tư hướng dẫn đảm bảo tính khả thi cũng như đảm bảo chất lượng, hiệu quả trong quá trình thực hiện, các bộ ngành, địa phương, các cơ quan.

* Những đối tượng tinh giản biên chế chủ yếu nằm ở các bộ, ngành và địa phương. Vậy theo Thứ trưởng, cần phải làm gì để có thể thực hiện được chính sách này?

- Như tôi đã nói, nếu muốn đạt được kết quả như mong đợi thì sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan được giao nhiệm vụ phụ trách tinh giản biên chế ở các bộ, ngành, địa phương phải được đề cao rất nhiều. Về tính khả thi, khi triển khai xây dựng Nghị định, chúng tôi đã cùng Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan có liên quan nghiên cứu đánh giá tác động của chính sách này.

> Chuẩn bị tinh giản biên chế 100.000 công chức
> Tinh giản biên chế: Cắt ai, ai cắt?
> 6 năm, cắt giảm 100.000 biên chế vẫn khả thi

Trên cơ sở đánh giá tác động đó, chúng tôi sẽ hoàn thiện Dự thảo các nội dung chính sách. Nếu như được Chính phủ ban hành, sẽ phải có những hội nghị tập huấn phối hợp với các cơ quan liên quan thống nhất về mặt nhận thức, về quan điểm và có quyết tâm chính trị để thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Một hoạt động nữa không thể thiếu là hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với các cơ quan tổ chức thực hiện tinh giản biên chế để đảm bảo không có những biểu hiện tiêu cực, thiên vị, nể nang hoặc chạy chọt làm méo mó chính sách tinh giản biên chế. Nếu làm được những điều đó thì tính khả thi, tính hiệu quả của chính sách tinh giản biên chế sẽ được thực hiện.

Tinh giản biên chế là một giải pháp tích cực, bên cạnh đó là những giải pháp khác hiện đang thực hiện để tiếp tục cải cách chế độ công vụ công chức như triển khai xác định vị trí việc làm, tổ chức thi tuyển công chức đảm bảo khách quan công bằng và nâng cao chất lượng như đã làm, đó là áp dụng phương pháp trực tuyến vào thi tuyển công chức, nâng cao chất lượng tuyển chọn, đổi mới cách thức tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp sở, cấp phòng nâng kỷ luật kỷ cương trong hoạt động công vụ.

* Tinh giản biên chế là một phần nâng cao chất lượng công chức viên chức, vậy tinh giản biên chế nằm ở vị trí nào trong lộ trình cải cách bộ máy công chức viên chức, thưa Thứ trưởng?

- Về cơ bản, giải pháp nào cũng quan trọng và nó đều có mối liên hệ với nhau. Bây giờ, chúng ta đưa ra khỏi chế độ công vụ những người không làm được việc - những người như dư luận vẫn nói là sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, không đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ được giao, nhưng nếu chỉ một giải pháp đó thôi chưa đủ. Chúng ta phải đổi mới cả việc nâng cao chất lượng những người tham gia vào nền công vụ mà trực tiếp là tuyển dụng chẳng hạn. Phải tuyển vào những người đáp ứng đủ yêu cầu nhiệm vụ, đủ trình độ phẩm chất và năng lực, kể cả trách nhiệm. Đồng thời, trong mỗi đơn vị phải nâng cao kỷ luật kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ được giao. Muốn làm được điều đó thì trách nhiệm người đứng đầu phải được đề cao, rất nhiều giải pháp.

* Xin cảm ơn Thứ trưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đề án tinh giản biên chế nhằm vào đội ngũ "cắp ô"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO