Thị trường gạo: Tiền tranh bán, hậu tranh mua

LÊ LOAN| 19/08/2011 04:44

Giá gạo tăng cao ở thời điểm hiện tại đang là thời cơ cho các doanh nghiệp (DN) xuất gạo Việt Nam. Dự kiến, sắp tới sẽ có nhiều DN nước ngoài vào Việt Nam mua gạo. Tình trạng tranh mua đang gây ra những lo ngại mới cho thị trường gạo Việt Nam.

Thị trường gạo: Tiền tranh bán, hậu tranh mua

Giá gạo tăng cao ở thời điểm hiện tại đang là thời cơ cho các doanh nghiệp (DN) xuất gạo Việt Nam. Dự kiến, sắp tới sẽ có nhiều DN nước ngoài vào Việt Nam mua gạo. Tình trạng tranh mua đang gây ra những lo ngại mới cho thị trường gạo Việt Nam.

Được mùa, được giá

Kho gạo Công ty Lương thực Hậu Giang - Ảnh: Quý Hòa

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), trong tháng 7, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 636.344 tấn, trị giá 305,067 triệu USD, trong đó có hơn 50% lượng gạo được xuất đi các thị trường khu vực châu Á.

Như vậy, tính từ đầu năm đến hết tháng 7, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt 4,549 triệu tấn, trị giá 2,152 tỷ USD. Đặc biệt, trong khi một số nước chuyên về xuất khẩu gạo có xu hướng giảm lượng gạo xuất khẩu thì xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn tăng trưởng cả về lượng và giá trị. so với lượng gạo xuất khẩu của cùng kỳ năm 2010 thì đến nay đã tăng 13,79%.

Theo phân tích của VFA, trong tuần cuối tháng 7, giá gạo Việt Nam tăng do ảnh hưởng tâm lý từ Thái Lan, vì vậy, giữa tuần này giá dịu hơn và thu hút khách hàng nước ngoài. Trong khi đó, Ấn Độ đã trở lại thị trường nhờ chính phủ đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati.

Đại diện VFA trong các lần thực tế thị trường gần đây đều khuyến cáo bà con nông dân nên tiếp tục xuống giống càng sớm càng tốt, bởi theo dự báo, từ nay tới quý I/2012, giá gạo xuất khẩu sẽ vẫn đứng ở mức cao với nhu cầu thực tế khá lớn.

Đặc biệt, thị trường thế giới đang diễn biến phức tạp do ảnh hưởng tâm lý từ chính sách nâng giá lúa thế chấp của chính phủ mới tại Thái Lan đã làm tăng giá lúa gạo và tạo khan hiếm giả tại nước này.

Dự kiến, giá gạo trắng Thái Lan sẽ tăng lên mức 850 USD/tấn, gạo thơm sẽ tăng lên 1.400 USD/tấn. Bên cạnh đó, Mỹ thu hẹp diện tích sản xuất 30% (giảm 1,5 - 2 triệu tấn gạo) cũng tạo tác động đến nguồn cung của thế giới.

Nếu Thái Lan áp dụng chính sách can thiệp mới có thể sẽ tăng tồn kho và giảm cung cấp trên thị trường gạo thế giới từ 1 - 2 triệu tấn trong năm 2012. Do đó, để bù đắp lượng thiếu hụt này, thị trường chỉ còn biết trông chờ vào động thái tăng xuất khẩu của Ấn Độ.

Ông Lê Trường Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP Docimexco, thừa nhận, ngoài những số liệu trên, yếu tố tăng giá gạo thời gian tới phần lớn là do có nhu cầu thực.

Điển hình, Indonesia sẽ nhập thêm gạo trong quý IV; không những thế, Malaysia cũng tiếp tục nhập theo nhu cầu hằng năm. Riêng châu Phi sẽ giảm nhập khẩu vì giá cao và tồn kho với các hợp đồng đã ký còn nhiều, chờ giao hàng trong tháng 8 và 9.

Trước thực trạng này, nông dân khá phấn khởi trong việc thu hoạch và chuẩn bị gieo sạ vụ Thu Đông. Song, một diễn biến khác trên thị trường hiện nay là các DN ngoài ngành lương thực như ngân hàng, thương mại cũng... đổ xô thu mua gạo. Tuy nhiên, theo VFA, tình hình này cũng không ảnh hưởng nhiều đến thị trường.

Thận trọng mừng

Phát biểu tại buổi báo cáo kết quả xuất khẩu gạo tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2011, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, khẳng định, không có chuyện thương nhân Trung Quốc thu gom lúa ở các tỉnh miền Tây.

Nhưng ông Phong thông tin là sắp tới sẽ có một làn sóng các DN ngoại vào Việt Nam mua lúa gạo. Trước viễn cảnh này, VFA khuyến cáo DN trong nước tham gia xuất khẩu gạo nên cân đối mức tạm trữ lưu thông, tránh để giá gạo biến động. Đồng thời lưu ý DN bán ra thận trọng, nên theo giá thị trường.

Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đang trở nên phức tạp do tác động từ chính sách thay đổi tại Thái Lan. Thời gian gần đây, giá gạo Việt Nam tăng theo giá gạo Thái (trong ba tuần qua tăng 50 - 70 USD/tuần) nhưng VFA cho rằng, cần rất thận trọng để không vượt qua giá gạo Thái, đặc biệt khi đang giao dịch, đàm phán với Indonesia, nếu không, sẽ mất lợi thế cạnh tranh.

Giá gạo xuất khẩu tăng vừa là cơ hội, nhưng cũng vừa sẽ là thách thức đối với Việt Nam. Vì bên cạnh cơ hội mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao giá bán, thì gạo Việt Nam cũng chịu nhiều rủi ro do thị trường biến động thường xuyên.

Ngoài ra, do khả năng xuất khẩu của Việt Nam có hạn, nếu xuất khẩu vượt mức cân đối và giá lên quá cao sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước.

Dự báo cân đối cuối năm sẽ gặp khó khăn do nguồn cung hạn chế so với nhu cầu xuất khẩu, ảnh hưởng tới tồn kho chuyển sang gối đầu quý I/2012.

Trước những diễn biến được phân tích nêu trên, VFA khuyến cáo các DN, từ nay tới cuối năm hợp đồng còn rất nhiều và ký với số lượng lớn, DN chắc chắn còn gạo tạm trữ lưu thông (dự trữ lưu thông nội địa) thì xuất khẩu bình thường vì phải đảm bảo ổn định thị trường trong nước. Khi bán ra cũng cần thận trọng, DN phải chắc chắn có gạo trong kho mới bán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường gạo: Tiền tranh bán, hậu tranh mua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO