Cổ kim giao hòa: Lan tỏa văn hóa dân gian trong đời sống hiện đại
Với xu hướng số hóa hiện nay, văn hóa dân gian càng có nhiều cơ hội phổ biến trong các sản phẩm âm nhạc cổ kim giao hòa.
Đưa chất liệu văn hóa dân gian vào âm nhạc đã có từ lâu trong những ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao, Phó Đức Phương, Trần Tiến... Hiện nay, khai thác chất liệu dân gian, như cải lương, vọng cổ, hò, hát ru, chèo, trò chơi dân gian... thể hiện qua ca từ, giai điệu của ca khúc hoặc trang phục trong các cảnh quay của MV vẫn được nhiều nghệ sĩ trẻ lựa chọn. Không chỉ chú trọng chất liệu văn hóa dân gian, họ còn tìm đến những nét đặc sắc của mỗi vùng miền, và kết hợp sáng tạo chúng với yếu tố hiện đại. Nhờ vậy, nhiều sản phẩm âm nhạc khai thác chất liệu dân gian đã đạt từ vài triệu đến hàng chục triệu lượt xem và nghe trên các nền tảng số, mạng xã hội, như À lôi (câu cảm thán của người Tày) của rapper Double2T (Bùi Xuân Trường) được đánh giá là một “hiện tượng” âm nhạc của năm 2023. Kết hợp đặc sắc giữa phong cách hiện đại với chất liệu văn hóa dân gian của dân tộc Tày, À lôi đứng ở Top 1 thịnh hành của YouTube sau 13 ngày đăng tải, video có hơn 23 triệu lượt xem và thu về hàng triệu lượt streams. Nhiều khán giả, nghệ sĩ tham gia game biến hình trên nền nhạc của ca khúc này.
See tình của Hoàng Thùy Linh khai thác chất liệu đờn ca tài tử cùng điệp khác mang âm hưởng ngũ cung kết hợp phong cách âm nhạc hiện đại vui nhộn đã gây “sốt” ở cộng đồng nhiều nước, tạo thành trào lưu cover hoặc nhảy được lồng ghép vào video của nhiều người nổi tiếng ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ…
Đầu năm 2024, MV Theo em về nhà của ca sĩ Ngọc Mai kết hợp tiếng khèn, sáo và cách xử lý của hát dân ca thể hiện tinh thần hiện đại, sau hai tháng ra mắt vẫn chưa “hạ nhiệt” trên nền tảng âm nhạc số.
MV Kén cá chọn canh pha trộn khéo léo giữa dân ca Bắc bộ và âm nhạc điện tử hiện đại của Hòa Minzy luôn giữ vị trí cao trên các bảng xếp hạng âm nhạc, xu hướng của YouTube sau một tháng phát hành.
Với những câu ngân nga “í a…í a” liên tưởng đến dân ca Bắc bộ và giai điệu bắt tai, MV Đi chùa cầu duyên đã trở thành “big hit” của Đức Phúc.
MV Cánh sen cô độc của Ngọc Mai, Cô Ba ca cổ của Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết kết hợp với ca sĩ trẻ Hồ Phi Nal khắc họa vẻ đẹp vùng đất và con người phương Nam, Cầu duyên của Hồng Duyên, Tại vì thương thương của Avi Kim Anh, album Chơi trò yêu với trò chơi dân gian như Úm ba la xì bùa, Kéo co, Bịt mắt bắt dê, Oẳn tù tì… của M Tú, Điệu đà và Tết ngọt xớt của Phương Mỹ Chi, Thị Kính của Thiện Nhân kết hợp chất liệu dân gian với hiện đại, đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả, đặc biệt là giới trẻ khi phát hành trên các nền tảng số.
Trong dòng chảy của âm nhạc Việt Nam, chất liệu văn hóa dân gian luôn mang giá trị bền vững, có sức hút đáng kể với công chúng. Người nghe, người xem trẻ hiện nay tuy thiên về âm nhạc điện tử, nhưng vẫn trân trọng những giá trị văn hóa dân gian. Vì vậy, sự dung hòa của hai yếu tố dân gian và hiện đại trong sản phẩm âm nhạc không chỉ tạo nên sắc màu riêng, độc đáo cho nhạc Việt mà còn gây được sự tò mò, thích thú đối với giới trẻ. Song trong thời đại giải trí công nghệ số và mạng xã hội bùng nổ các xu hướng thịnh hành, đáp ứng nhu cầu của người nghe, người xem nhưng không hòa lẫn vào dòng chảy chung luôn là bài toán khó của mỗi sản phẩm âm nhạc. Chọn sản phẩm âm nhạc kết hợp chất liệu văn hóa dân gian và hiện đại cần đầu tư lớn hơn so với sản phẩm khác, đòi hỏi nghệ sĩ (sáng tác, biểu diễn) phải có tâm huyết và dành nhiều công sức, kinh phí. Tại Giải thưởng Làn sóng xanh 2023, Album Vũ trụ cò bay của Phương Mỹ Chi, MV Thị Mầu của Hòa Minzy đều lọt vào đề cử Album của năm hay MV của năm, DTAP (Album Vũ trụ cò bay của Phương Mỹ Chi) được trao giải Nhà sản xuất âm nhạc của năm, MV Bo xì bo của Hoàng Thùy Linh - lấy cảm hứng từ các trò chơi dân gian - được giải MV của năm. Đây là những sản phẩm âm nhạc có chất liệu văn hóa dân gian kết hợp với âm nhạc hiện đại với sự đầu tư chọn lọc, chỉn chu, được giới chuyên môn và người khán thính giả đánh giá cao. Mỗi sản phẩm âm nhạc có màu sắc riêng nhưng đều có điểm chung là truyền cảm hứng cho người nghe, người xem về sự bảo tồn văn hóa dân tộc.
So với trước kia, sự “cạnh tranh” của các ca sĩ trẻ, gương mặt mới cũng “khốc liệt” hơn trong thời sản phẩm âm nhạc “trăm hoa đua nở” trên các nền tảng âm nhạc số, mạng xã hội. Nếu đi theo dòng nhạc trẻ thông thường, ca sĩ trẻ hay gương mặt mới sẽ khó nhận được sự quan tâm của khán giả. Chọn kết hợp yếu tố văn hóa dân gian với hiện đại đã giúp cho sản phẩm âm nhạc của họ có màu sắc riêng và dễ được nhắc nhớ nhiều hơn. Từ MV Thị Mầu đến Kén cá chọn canh khán thính giả đã thấy hình ảnh mới trong âm nhạc: lạc quan, vui tươi, pha chút dí dỏm, phù hợp với chất giọng, ngoại hình của Hòa Minzy. Phương Mỹ Chi “ẵm” một loạt giải thưởng nhờ sự tìm tòi cách kết hợp độc đáo cổ kim trong album Vũ trụ cò bay. Đặc biệt, Double2T - chàng rapper dân tộc Tày - đã sớm xây dựng được thương hiệu bản thân với các bài rap khai thác màu sắc văn hóa dân gian như điệu hát then, tiếng đàn tính, kèn lá... của người miền núi. Mỗi tiết mục của Double2T đều cân bằng giữa yếu tố nghệ thuật và thị hiếu của khán thính giả.
Kho tàng văn hóa dân gian vẫn luôn là nguồn chất liệu phong phú và giàu bản sắc không chỉ cho âm nhạc mà cả các loại hình nghệ thuật, giải trí. Cổ kim giao hòa là hướng đi đáng khuyến khích, góp phần tạo nên sự đa dạng, độc đáo cho âm nhạc Việt, góp phần đưa văn hóa dân gian lan tỏa trong đời sống hiện đại. Những sản phẩm âm nhạc mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian Việt được lan tỏa trên các nền tảng âm nhạc số, mạng xã hội còn giúp giới thiệu, quảng bá về đất nước ra thế giới, tôn vinh bản sắc dân tộc để hòa nhập nhưng không hòa tan.