Văn hóa nghệ thuật

Văn học Việt Nam: Nguồn cảm hứng của âm nhạc đương đại

Ngọc Ánh Như 28/10/2023 17:00

Kho tàng văn học Việt Nam có những điểm sáng cần được khai thác và làm mới trong khuôn khổ giữ gìn, tôn trọng bản quyền để tạo nên bản sắc riêng đối với nền âm nhạc nước nhà.

Ý tưởng âm nhạc bắt nguồn từ những câu chuyện cổ tích, những câu ca dao, tục ngữ, lời ru hay những nhân vật rất nổi tiếng trong các tác phẩm văn học. Đây cũng chính là cách để người trẻ thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Đã có nhiều nghệ sĩ trẻ sử dụng chất liệu văn học Việt Nam đưa vào âm nhạc hiện đại. Tuy nhiên, nổi bật và để lại nhiều dấu ấn đối với người hâm mộ phải kể đến Hoàng Thùy Linh, Hòa Minzy, đặc biệt là nữ ca sĩ trẻ Phương Mỹ Chi - người tiên phong trong thế hệ gen Z đang theo đuổi dòng nhạc này. Đó là ba cái tên ấn tượng nhất khi sử dụng chất liệu văn học làm nguồn cảm hứng cho các bài hát mang màu sắc đương đại, đã gặt hái được nhiều thành công cũng như tiếng vang trong thời gian gần đây. Điều này khẳng định những giá trị truyền thống, văn hóa lâu đời vẫn là cội nguồn khơi dậy nguồn cảm hứng sáng tạo âm nhạc, cần được khai thác và phát huy.

hoang-thuy-linh-7.jpg

Năm 2016, nữ ca sĩ Hoàng Thùy Linh cho ra mắt ca khúc Bánh trôi nước với nhiều ẩn dụ nhằm tôn vinh hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Ca khúc được phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của thi sĩ Hồ Xuân Hương. Năm 2019, cô tiếp tục cho ra mắt Để Mị nói cho mà nghe được lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học Việt Nam Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài, đã vào top 1 thịnh hành trên YouTube Việt Nam trong nhiều tháng. Chính từ khi Hoàng Thùy Linh “khuấy đảo” thị trường âm nhạc với hàng loạt MV mang đậm chất văn học dân gian thì nữ ca sĩ ngày càng được nhiều khán giả yêu mến, gắn cô với cái tên đáng tự hào “Nữ hoàng nhạc dân gian đương đại”.

Tiếp nối Hoàng Thùy Linh, Hòa Minzy cũng có màn tái xuất ấn tượng khi thoát khỏi sở trường là các bản ballad nhẹ nhàng để cho ra mắt một sản phẩm hoàn toàn mới với tên gọi Thị Mầu. MV được lấy cảm hứng từ nhân vật Thị Mầu trong tác phẩm văn học nổi tiếng Quan Âm Thị Kính. Nhờ tác phẩm này, Hòa Minzy đã nhận được nhiều lời khen từ khán giả đại chúng trong việc quảng bá văn hóa, văn học Việt Nam thông qua sản phẩm âm nhạc đương đại.

Gần đây nhất, “Cô bé dân ca” Phương Mỹ Chi với album Vũ trụ cò bay đã khai thác gần như tuyệt đối những chất liệu có trong các tác phẩm văn học Việt Nam như Những ngôi sao xa xôi, Chiếc lược ngà, Hai đứa trẻ, Người con gái Nam Xương, Chiếc thuyền ngoài xa. Hơn thế, đó là cả một liveshow cùng tên được diễn ra dưới cơn mưa tầm tả nhưng vẫn có hơn 3.000 khán giả theo dõi và ủng hộ đến cuối chương trình. Đây là minh chứng cho thấy khán giả đánh giá rất cao những nghệ sĩ trẻ biết trân trọng và quảng bá nền văn học nước nhà. Quyết định mở liveshow đánh dấu hoạt động 10 năm đi hát bằng hàng loạt ca khúc mang màu sắc văn học đã cho thấy được quyết tâm rất lớn của Phương Mỹ Chi, với mong muốn truyền tải giá trị của nó đến khán giả.

hoang-thuy-linh-6.jpg

Thế nhưng, khán giả càng hiểu biết văn học thì âm nhạc càng phải nâng cao hơn nữa giá trị nghệ thuật mới đáp ứng được nhu cầu của họ. Đáp ứng điều kiện ấy mới có hy vọng nghệ thuật nước nhà được xuất khẩu.

Chính văn hóa cho người ta biết được sự khác biệt giữa dân tộc này với dân tộc kia, giữa quốc gia này với quốc gia khác. Văn hóa còn, đất nước còn, văn hóa lụi, đất nước suy vong. Nghệ sĩ trẻ và khán giả phải nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này thì văn hóa mới phát triển.

Đồng thời, qua sự ủng hộ đối với những nghệ sĩ như Hoàng Thùy Linh, Hòa Minzy, Phương Mỹ Chi cũng cho thấy khán giả ngày nay đã không còn dễ dãi. Họ bắt đầu đòi hỏi khắt khe hơn đối với âm nhạc. Một MV có hình ảnh đẹp, vũ đạo bắt mắt nhưng nội dung sáo rỗng, đời tư của nghệ sĩ “ồn ào” cũng không được khán giả đánh giá cao và thậm chí bị kêu gọi tẩy chay nếu thông điệp sản phẩm chẳng có ý nghĩa gì góp phần xây dựng, mang lại giá trị cho xã hội.

Đến thời điểm hiện tại, đã có thêm nhiều ca sĩ trẻ muốn khai thác nội dung từ các tác phẩm văn học. Họ được khán giả đón nhận, dành nhiều lời khen và sự ủng hộ vì nhận thấy được rằng họ đang góp phần gìn giữ văn hóa nước nhà.

Không khó để nhận ra những bài học sâu sắc, giàu tính nhân văn trong các tác phẩm văn học Việt Nam. Tuy nhiên, làm sao để biến tấu một tác phẩm văn học vào MV ca nhạc hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc của “cái hồn” tác phẩm văn học thì những nghệ sĩ trẻ vẫn phải tìm hiểu kỹ nhân vật mình hóa thân và thông điệp mình muốn truyền tải.

Ngoài những MV ca nhạc, hiện nay trong hòa âm phối khí, nhiều nhạc cụ dân tộc cũng được khai thác, sử dụng làm chất liệu để thổi vào những làn gió mới trong âm nhạc đương đại. Các tác phẩm văn học cũng được dàn dựng, tái hiện trên sân khấu kịch, chương trình nghệ thuật, các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch.

Đây là chiều hướng tích cực khi những người trẻ có tầm ảnh hưởng trong xã hội bắt đầu nhận ra văn hóa truyền thống đến từ ca dao, tục ngữ, lời ru và văn học đều là những chất liệu đáng quý, cần được phổ biến rộng rãi. Điều này cũng là tín hiệu tốt cho thấy những “cũ kỹ” trong quá khứ đã tìm thấy điểm giao thoa trong tư tưởng của thế hệ hiện đại. Đó cũng là niềm tin đối với những giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam sẽ sống mãi với thời gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Văn học Việt Nam: Nguồn cảm hứng của âm nhạc đương đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO