Đạo diễn mới có làm nên chuyện?

XUÂN HƯƠNG| 10/11/2017 06:21

Bên cạnh những bộ phim Việt có kinh phí lớn, được bảo chứng bởi đạo diễn đã có tên tuổi thì tác phẩm đầu tay của nhiều đạo diễn mới luôn mang đến sự mới mẻ, chút tò mò và cả kỳ vọng cho công chúng.

Đạo diễn mới có làm nên chuyện?

Nếu những năm trước chỉ lác đác, thì năm nay có sự xuất hiện của khá đông đạo diễn mới với phim đầu tay đã ra mắt hoặc đang quay. Có thể kể đến Oán - đạo diễn Huỳnh Đông, Lô tô - đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, Đời cho ta bao lần đôi mươi - đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh và Văn Anh, Đảo của dân ngụ cư - đạo diễn Hồng Ánh, Sắc đẹp ngàn cân - đạo diễn James Ngô, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa - đạo diễn Bình Nguyên và Mai Thế Hiệp, Tao không xa mày - đạo diễn Thái Minh Nhiên và Rony Hòa, Ngày mai Mai cưới - đạo diễn Nguyễn Tấn Phước, Kẻ trộm chó - đạo diễn Ngụy Minh Khang, Chí Phèo ngoại truyện - đạo diễn Danny Đỗ, Chơi thì chịu - đạo diễn Nguyễn Lâm, Cô Ba Sài Gòn - đạo diễn Bửu Lộc và Kay Nguyễn, Mùa hè năm ấy - đạo diễn Nguyễn Phúc Huy Cương, K - Đứa bé thức tỉnh - đạo diễn Hữu Hoàng, Về quê ăn Tết - đạo diễn Hoàng Anh, Ả xe ôm và gã đứng đường - đạo diễn Huy Hoàng, Trường học bá vương - đạo diễn Duy Josep, Em đẹp em có quyền - đạo diễn Nguyễn Hoàng Vũ, Kế hoạch đổi chồng - đạo diễn Trần Nhân Kiên...

Tuy lần đầu làm đạo diễn nhưng nhiều người kể trên không quá xa lạ với showbiz Việt. Chẳng hạn Hồng Ánh, Mai Thế Hiệp, Huỳnh Đông, Văn Anh xuất thân là diễn viên nhiều năm đóng phim và có theo học về đạo diễn. Bửu Lộc từng làm nhà sản xuất cho Tấm Cám: Chuyện chưa kể - bộ phim đầu tay của đạo diễn Ngô Thanh Vân. Kay Nguyễn (Nguyễn Lê Phương Khanh) từng tham gia viết kịch bản cho phim Tèo Em, Chung cư ma1735km.

Nguyễn Tấn Phước từng là phó đạo diễn của phim Long Thành cầm giả ca, Già gân, mỹ nhân và găng-tơ, Cho em gần anh thêm chút nữa... Nguyễn Phúc Huy Cương là đạo diễn của một loạt MV như Bad Boy (Đông Nhi), Nắm lấy tay anh (Tuấn Hưng), Chắc ai đó sẽ về (Sơn Tùng M-TP). Huỳnh Tuấn Anh sở hữu nhiều kịch bản phim truyền hình và sân khấu "ăn khách". James Ngô là đạo diễn hình ảnh (D.O.P) của nhiều phim điện ảnh đình đám...

>>Vì sao nhiều đạo diễn lừng danh không muốn nghỉ hưu?

Trừ Cô Ba Sài Gòn, Sắc đẹp ngàn cân, Lô tô, Đảo của dân ngụ cư có kinh phí tương đối dễ thở với đạo diễn lần đầu làm phim, còn lại hầu hết đều phải "liệu cơm gắp mắm". Ví như Kẻ trộm chó, ban đầu Ngụy Minh Khang chỉ định làm thành phim tài liệu để dự thi tốt nghiệp đạo diễn với kinh phí gần 300 triệu đồng, sau nhờ một số diễn viên đàn anh giúp đỡ mà có thêm tiền làm thành phim chiếu rạp. Mai Thế Hiệp từng phải cầm cố căn hộ để có kinh phí làm Có căn nhà nằm nghe nắng mưa. Các phim Đời cho ta bao lần đôi mươi, Oán, Chơi thì chịu, Ngày mai Mai cưới có kinh phí chỉ vài tỷ đồng, khá thấp so với mặt bằng chung (6 - 10 tỷ đồng/phim).

Đi vào thị trường ngách, nhiều đạo diễn chọn đề tài không phổ biến như đồng tính, thân phận của nghệ sĩ lô tô, chuyện xã hội (trộm chó, sống thử)... và cả những đề tài đã quá phổ biến như tuổi thanh xuân, gia đình, bạn bè... cho bộ phim đầu tay.

Vì sở hữu toàn những điều bất lợi như đạo diễn chưa có tên tuổi, kinh phí thấp, không mời được diễn viên ngôi sao, kinh nghiệm và kỹ thuật còn non yếu, nên các bộ phim như Ngày mai Mai cưới, Tao không xa mày, Kẻ trộm chó, Đời cho ta bao lần đôi mươi, Oán, Chơi thì chịu... còn lỗi và "sạn" nhiều chỗ, nhưng vẫn là phim có ý tưởng và sự phát hiện, hay nói như nhiều người thì "may quá, không phải là phim thảm họa". Tuy nhiên, Lô tôCó căn nhà nằm nghe nắng mưa được công nhận là phim khá, mang lại những xúc cảm nhân văn về thân phận con người. Riêng Đảo của dân ngụ cưCô Ba Sài Gòn đã đại diện cho điện ảnh Việt Nam đi dự một số liên hoan phim quốc tế năm nay.

>>Đạo diễn Đức Thịnh: Áp lực làm phim "không được lỗ"

Lý giải về sự xuất hiện của nhiều đạo diễn mới, theo một nhà sản xuất kỳ cựu là nhờ thị trường phim Việt đang khởi sắc, khi khán giả chịu đến rạp hơn, hệ thống rạp ngày càng mở rộng, phát hành phim vốn là trở ngại lớn nhất của các đạo diễn trước đây thì nay đã cởi mở hơn, phương tiện quảng bá và tiếp thị phim cũng "trăm hoa đua nở". Nhưng thách thức cũng không nhỏ, khi số lượng phim được sản xuất đang tăng cao, sự cạnh tranh với phim ngoại và giữa phim Việt với nhau rất khốc liệt.

Để thu hồi vốn, các nhà sản xuất và đầu tư vẫn giữ tâm lý chắc ăn khi tìm đến đạo diễn có khả năng "đảm bảo bán vé" nên dè dặt với đạo diễn mới. May mắn được chọn, nhưng nếu thất bại ở phim đầu tay thì sẽ khó có cơ hội làm phim thứ hai, thứ ba... Không đi thì khó có đường, nên Hồng Ánh, Văn Anh, Mai Thế Hiệp, Huỳnh Đông... chọn cách vừa làm đạo diễn, vừa làm nhà sản xuất, tự bỏ tiền túi và kêu gọi thêm đầu tư để làm phim đầu tay.

Có thể nói, điện ảnh Việt Nam luôn cần sự kế thừa, và biết đâu sẽ có được những Victor Vũ, Charlie Nguyễn, Nguyễn Quang Dũng... từ trong số đạo diễn đang dấn thân với phim đầu tay. Và đáng mừng thay, ở thời điểm này, một số đạo diễn mới sau phim đầu tay gặt hái được ít nhiều thành công đang có cơ hội làm phim thứ hai như Huỳnh Tuấn Anh với Bình tĩnh mà yêu quay ở Việt Nam và Thái Lan, Lý Minh Thắng đang làm hậu kỳ cho phim Mẹ chồng, Văn Công Viễn đang quay phim Yêu em bất chấp, Võ Thanh Hòa đang làm phim Ông ngoại tuổi băm...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đạo diễn mới có làm nên chuyện?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO