Cần công nghệ ngăn tin độc hại trên mạng xã hội
Nhiều chuyện lắm trên mạng xã hội (MXH), tác động tích cực hay tiêu cực đều dữ dội. Cần phải có văn hóa sống tốt đẹp để nâng đỡ cuộc sống. Quan trọng lắm.
Tổng thống cũng… “đang lo”
Tình hình tiêu cực trên MXH đã được nói đến nhiều, nhưng nó không bao giờ cũ.
Hôm nay thì đến lượt… các tổng thống “cũng phải lo”. Báo Nikei Asia đăng bài: Ngày 2/4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần hai giờ để bàn bạc một số việc quan trọng, như tình hình biển Đông và MXH TikTok.
Theo bài báo thì Tổng thống Biden muốn buộc TikTok phải cắt đứt với công ty mẹ ở Trung Quốc, nếu không sẽ bị cấm ở Mỹ. Ông cho biết, sẽ ký luật cấm TikTok nếu Quốc hội Mỹ thông qua. “Đó không phải là lệnh cấm ứng dụng mà là lợi ích của chúng tôi trong việc thoái vốn, lợi ích an ninh quốc gia và bảo mật dữ liệu của người dân Mỹ”, ông Joe Biden nhấn mạnh.
Sự kiện ấy cho thấy MXH đang tác động đến “những chuyện lớn” như thế nào. Nó đã từng là nguyên nhân gây bạo loạn tại thế giới Ả Rập và bạo loạn tại Ukraina năm 2014, bạo loạn tại Pháp năm ngoái. MXH không dừng ở những gì người ta hay nói, như liên quan đến việc lan truyền tin giả, luận điệu chống phá, hủy hoại nhân cách, văn hóa, lối sống của các thế hệ, nhất là người trẻ.
Báo chí đã đưa nhiều thông tin về cách chống độc hại trên TikTok, như buộc phải sử dụng tính năng cho phép cha mẹ kiểm soát được phần nào tình trạng sử dụng MXH của con cái. Một số nước như Pháp, Anh, Úc… và bang Florida của Mỹ quy định trẻ dưới 13 tuổi không được phép lướt TikTok. Ở Anh đã có trường hợp vi phạm bị phạt tới 12,7 triệu bảng. Một nghiên cứu ở Úc đưa ra kết quả: MXH là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh về sức khỏe tinh thần của trẻ em.
Các biện pháp quản lý, ngăn ngừa MXH xuyên biên giới cũng được áp dụng, giành quyền kiểm soát kho tài nguyên số chứ không để các tập đoàn công nghệ muốn làm gì thì làm. Liên minh châu Âu có đạo luật Dịch vụ số bắt buộc các tập đoàn công nghệ phải chịu trách nhiệm pháp lý trong việc đưa tin giả và tin độc hại.
Sao mà khó thế nhỉ?
Vì công nghệ cao, khó phát hiện, ảo, vô danh, lan truyền mạnh, có khi kiếm được tiền nên lừa đảo cũng nhan nhản. Vẫn luôn có tin tức kiểu ông nọ bà kia bị lừa cả trăm, cả chục tỷ đồng, ông huấn luyện viên bóng đá nọ đã ký hợp đồng với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam ngay sau khi “nghỉ chơi” với ông Troussier…
Thế nên “cuộc chiến” của nhân loại với MXH còn dài dài. Sáng tạo là không ngừng, nhưng mặt trái cũng đã trở nên “vi diệu”: Con AI nó hé ra cách hủy diệt loài người, sự xâm hại của AI không thể bảo vệ được, nhạc do AI tạo ra lan tràn trên BTS đến nỗi Taylor Swift đe dọa sẽ rời khỏi TikTok…
Clip và tin tức “bá đạo” tác động đến loài người
Những vụ án, những lãnh đạo cao cấp bị thôi chức… vừa qua đã làm nháo nhào cuộc sống của nhiều người bám MXH. Một người viết như kêu lên: “Trời trời, sao mà có người bỗng ăn nói lửng lơ - người khôn ăn nói nửa chừng - như dùng mật mã vậy. Ăn nói như dở người cả rồi. Nhiều chuyện đoán không ra. Hổng hiểu gì luôn”.
Trên mạng MXH, rất khó phân biệt được đâu là thật, đâu là bịa. Từ đó người ta hoài nghi cả sự chậm trễ, kém sắc sảo của truyền thông chính thống.
Nhưng cũng có điều hay trên MXH chứ!
Nhiều cách cho ta hiểu cuộc sống dưới nhiều “góc nhìn của công chúng”. Không choáng sao, không cảm động, khâm phục và yêu cuộc sống sao khi xem loạt clip của anh Phương ở Đà Nẵng. Ai cũng tưởng chỉ là việc bày trò lạ “trend” hài khi người cha giả khủng long đến đón con gái nhỏ tan trường. Nhìn vui lắm. Người cha đi bộ nhưng nhìn như cưỡi khủng long màu xanh. Clip khác thì cha mặc quần áo “hoa tưng bừng”. Đứa con gái vừa thích vừa lo bị cười nên thỏ thẻ: “Cha đừng nói là... quen con nha!”.
Sau khi cười, chúng ta lặng đi, rơi nước mắt vì biết đó là cách người cha làm cho đứa con nhỏ vui từng ngày còn lại trên đời - vì mắc bệnh hiểm nghèo.
Mới biết chỉ là clip trên mạng thôi nhưng đã tác dụng đến cách sống nhân văn của con người.
Nhiều chuyện lắm trên MXH, tác động tích cực hay tiêu cực đều dữ dội. Cần phải có văn hóa sống tốt đẹp để nâng đỡ cuộc sống. Quan trọng lắm.
Đã có Luật An ninh mạng, nhưng có đủ giáo dục hiệu quả, đủ răn đe chưa? Nhiều việc tác hại sâu sắc đến lối sống nhưng mới chỉ dừng ở mức phạt tiền nhẹ nhàng như… “mời đi uống trà” chứ không bị “ông giáo bế đi “ - như cách nói của dân cư mạng.
Nhiều người cho rằng, luật tất nhiên là cần thiết, nhưng cần hơn nữa là biện pháp công nghệ ngăn chặn hiệu quả tin xấu, tin độc hại trên MXH. Vì sự cần thiết bảo vệ quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền con người trước sự đe dọa ngày càng tinh vi của loại hình tội phạm công nghệ cao.
“Vũ khí công nghệ văn minh” mà rơi vào quản lý kém cộng với lối sống thiếu văn minh thì kết quả sẽ khủng khiếp ra sao, ai cũng hiểu…