Gia đình

“Thời đại… bất kính” trên mạng xã hội

Yên Minh 25/01/2024 - 09:58

Người ta gọi thời đại này là “VUCA” (bốn chữ đầu tiếng Anh: phức tạp, mơ hồ, biến đổi, không chắc chắn). Có người nói là “thời đại không có trí nhớ”. Đáng lưu tâm nữa là “thời đại bất kính”: cách ứng xử trên mạng xã hội của con người hiện đại gây ra những rủi ro, nhiều người không chịu đựng được, suy sụp, thậm chí tự vẫn.

anh-1-1-2691.jpg

Nếu gọi là “tấn công mạng” thì dễ hiểu sang lĩnh vực kỹ thuật, như lỗ hổng nền tảng, lỗ hổng website, như năm qua có tới 13.900 vụ tấn công mạng riêng tại Việt Nam. “Dễ chết” nhất vẫn là tấn công vào con người trong các cuộc “ném đá tập thể” trên mạng. Được ví như “người lính không súng trong môi trường số”, con người ngày nay đã yếu ớt do vật lộn với bao biến đổi, công ăn việc làm, xa nhà, đi tứ xứ, quá căng thẳng do làm việc cật lực.

CNN lý giải chuyện vừa xảy ra: Diễn viên Lee nổi tiếng trong phim “Ký sinh trùng” vừa tự tử vì bị điều tra việc dùng ma túy trái phép. Hãng tin này viết: “Cái chết của sao “Ký sinh trùng” làm nổi bật áp lực mà sao Hàn đối mặt”. Bài báo nói thêm về nhiều cái chết của sao K-pop còn rất trẻ. Họ chịu nhiều áp lực trong ngành giải trí đầy cạm bẫy và cạnh tranh gay cấn. Giáo viên ở Hàn Quốc cũng quá áp lực dẫn đến tự vẫn. Và Hàn Quốc là xứ có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới.

Những thông tin đó cho ta một thí dụ nóng hổi về sự tàn phá thần kinh đối với con người trong cuộc sống hiện đại, chả riêng gì sao Hàn. Áp lực thích ứng khiến con người ngày nay dễ suy sụp khi đối mặt với những sự thay đổi trong cuộc sống.

Không đâu xa, báo chí nước ta từng đưa tin: Ở một trường tiểu học trên Đắk Lắk, một bé gái sụt 10kg vì bị giáo viên mắng “không có não”.

Vậy mà chính nhiều người hiện nay có khi vừa đi chùa cầu cúng lại vừa tạo “khẩu nghiệp” văng mạng trên mạng cho hả cái tôi. Mắng chửi được người khác cho hả hê và cảm thấy lời chửi của mình… có trọng lượng, hay ho chí lý sáng tạo. Thật là bệnh hoạn!

Không hiểu sao mà cô hoa hậu hoàn vũ vừa đăng quang đã có ngay… anti fan hùng hậu tới hàng trăm ngàn “hội viên” chửi bới phản đối. Họ tự cho mình quyền giám khảo. Đến nỗi vừa đăng quang thì hoa hậu ấy khóc lóc “xin lỗi” (không hiểu cô lỗi gì?), mong khán giả rộng lòng và hứa sẽ cố gắng… sửa chữa. Thật là một cuộc tấn công thô bạo núp dưới danh nghĩa “quần chúng có quyền phát biểu”.

Gần đây, thông tin nữ ca sĩ Phương Mỹ Chi lộ clip nhạy cảm khiến cộng đồng mạng Việt xôn xao. Nổi tiếng từ khi mới 10 tuổi, Phương Mỹ Chi gắn liền với hình ảnh cô bé dân ca ngây thơ, trong trẻo. Chính vì thế những thông tin liên quan đến cô ngay lập tức lên “hot tìm kiếm”. Là nạn nhân trong những vụ ồn ào liên quan đến clip nhạy cảm nhưng Phương Mỹ Chi bị chỉ trích, chế giễu thay vì bênh vực.

Trước đó, một giáo viên cũng chia sẻ việc bị nhiều phụ huynh bêu xấu trên mạng xã hội, không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần cho cá nhân mình mà cả gia đình cũng bị tấn công khiến tinh thần cô bị suy sụp, thậm chí không dám ra ngoài đường.

Mới nữa là bộ phim “Đất rừng phương Nam” bị chỉ trích trên mạng khiến đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM) gọi đây là một hình thức bạo hành và đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về giải pháp bảo vệ cá nhân và tổ chức khi bị cộng đồng mạng tấn công.

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú cũng cho rằng, hiện mỗi trang mạng là một tờ báo riêng, chủ tài khoản đồng thời là “phóng viên” và “tổng biên tập”, chỉ một vài thao tác đơn giản, ý kiến đã được đăng tải lên mạng một cách nhanh chóng. Có những bài viết thóa mạ, thậm chí “bới lông tìm vết”. Có không ít người chưa xem cũng hùa vào “ném đá” phim. Có nhà làm phim cho biết, họ mới phát hành đã bị một người nào đó hoặc một trang tin nào đó vùi dập, chê tơi tả trên mạng xã hội. Sau đó họ nhận được những cú điện thoại tìm đến gần như mặc cả, đòi đoàn phim chi tiền để gỡ.

Tương tự, hiện nay có cả những nhóm cộng đồng mạng lập ra để “tấn công” doanh nghiệp. Trên Facebook, có hàng chục hội nhóm được thành lập để thành viên nói xấu cá nhân cũng như doanh nghiệp, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự mà không có sự kiểm duyệt. Trên mạng internet, hiện có một số website cung cấp thông tin hướng đến người dùng Việt Nam với hình thức hoạt động là trang chia sẻ bình luận, đánh giá về công ty trong nước nhưng “biến tướng” thành nơi nói xấu, bôi nhọ danh dự, uy tín của cá nhân lẫn doanh nghiệp.

Mới đây ông Hồ Huy - Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh đang bị kẻ xấu sử dụng công nghệ Deepfake cắt ghép, phát tán các hình ảnh nhạy cảm trên mạng xã hội hòng bôi nhọ danh dự, nhân phẩm và uy tín cá nhân của ông, cũng như gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Mai Linh.

Phía Mai Linh cho biết cũng nhận được những cuộc gọi tống tiền, thông báo nếu không gửi tiền sẽ tạo những trend tiktok để tiếp tục bôi nhọ.

Không thể đếm xuể có bao nhiêu bài báo hướng dẫn văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, và có luật hẳn hoi, nhưng vẫn không ăn thua. Chỉ khi nào xuyên tạc quá đáng, gieo rắc sai chính sách, chửi bới chính quyền mới bị phạt năm bảy triệu đồng, như gãi ghẻ. Nhiều người trẻ vẫn tôn thờ “người hùng méo mó” trên mạng xã hội.

Vụ bà “thánh chửi” chửi bậy thế mà có biết bao “fan u mê” do bất mãn “muốn chửi nhưng không dám”, nay có ngọn cờ “lãnh tụ chửi giúp”, xả giúp cái bất mãn, nên hỷ hả lắm. Đó chính là văn hóa độc hại, trong đó có nhiều người trẻ. Không chỉ là sự bồng bột yêu ghét rồi quên như xem một buổi biểu diễn, mà đó chính là góp phần xây dựng nên nhân cách con người hung ác trong tương lai.

Chấn hưng văn hóa phải tính đến xây dựng con người có văn hóa đầu tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Thời đại… bất kính” trên mạng xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO