Gia đình: Hiểu để yêu thương

Lê Thị Thanh Lâm (*)| 01/07/2023 01:00

Nếu quê hương là “chùm khế ngọt”, là lũy tre làng, là bờ ao, là ruộng lúa thì gia đình là góc bếp thơm mùi khói, là những bữa ăn rôm rả tiếng nói cười, là cọng rau dấp cá, là mùi sầu riêng... Nói đến gia đình là nói đến sự đùm bọc, gắn bó, thấu hiểu, thâm tình…

Gia đình: Hiểu để yêu thương

Tuy nhiên, những giá trị truyền thống rất đỗi thiêng liêng ấy, nếu không gìn giữ sẽ dần phai nhạt. Bởi tư duy, sở thích, nhu cầu của từng thế hệ khác nhau. Quan trọng nhất là cách ứng xử khác biệt rất dễ gây ra bất đồng quan điểm giữa các thế hệ trong gia đình Việt Nam hiện đại. 

Các bậc ông bà, cha mẹ hẳn cũng có lúc như tôi, không thể nói chuyện hay đối thoại được với con cái. Chúng ta vẫn quen với nếp suy nghĩ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, con ngoan là phải biết vâng lời, dù đôi khi chưa hẳn cha mẹ, ông bà đã đúng. Con cháu bây giờ suy nghĩ rất khác. Phản biện, tranh luận, bảo vệ chính kiến một cách thẳng thắn, bốc đồng. Nhiều bạn trẻ khi bất đồng còn tỏ thái độ gay gắt, thậm chí đóng sầm cửa trước mặt cha mẹ chỉ vì một chuyện nhỏ. Cho nên cần lắm sự lắng nghe, tôn trọng, thuyết phục. Thậm chí chỉ là dẫn dắt và không được áp đặt. 

Tôi nhớ mãi một lần trao đổi với con gái:

- Con có biết không, mentee của mẹ bằng tuổi con nhưng khi mẹ nói chuyện, chia sẻ, bạn ấy lắng nghe nghiêm túc. Còn với con sao mẹ nói chuyện thấy khó khăn quá!

- Tại mẹ chưa coi con như mentee của mẹ, hay áp đặt và rất nhạy cảm khi con phản biện. Mẹ cũng chưa dành nhiều thời gian để lắng nghe con như nghe mentee. 

- À mà sao con hay phản biện quá vậy?

- Mẹ đã tốn rất nhiều tiền cho con học tư duy phản biện ở trường học nước ngoài. Ở đó, người ta dạy con, khuyến khích con phản biện. 

Tôi hoàn toàn bất ngờ trước sự phản bác thẳng thắn của con và đã phải tự kiểm điểm bản thân, phải thay đổi. 

Nhiều khi suy nghĩ theo nếp cũ, mặc định bọn trẻ nghĩ như chúng ta. Trong khi các bạn trẻ giờ đây được giáo dục trong môi trường rất khác. Nhiều cha mẹ đang để con tự lớn, tự hiểu mà không cố gắng hiểu con. Vậy nên có khả năng trước khi những đứa trẻ lớn lên, mối quan hệ giữa hai bên đã không còn khăng khít nữa. Thế nên, tôi nghĩ việc chủ động tìm hiểu để thích ứng, để thấu hiểu, để gắn kết yêu thương nhau và giữ gìn hòa khí gia đình, đầu tiên phải là trách nhiệm của người đi trước.

-2610-1687759754.jpg

Có một lần, tôi chứng kiến con dâu đi mua quà Giáng sinh cho hai cháu mà cứ đổi tới đổi lui hoài. Lần đầu là mua hai món quà theo độ tuổi, đến khi tính tiền thì đổi lại. Tôi thầm nghĩ có lẽ là do giá cả không phù hợp. Chọn lại một hồi khá lâu cũng được hai con gấu bông giống nhau nhưng khác màu theo sở thích từng đứa. Nhưng vẫn chưa yên. Cuối cùng mua về hai con gấu bông cùng màu, giống y như nhau. Tôi hỏi:

- Sao con phải chọn quà cho bọn trẻ kỹ lưỡng quá vậy?

- Bọn trẻ bây giờ khó lắm mẹ ơi! Thời của con được nhận quà là vui lắm rồi. Còn giờ mua quà cho bọn trẻ là phải hỏi ý kiến, nếu không sẽ thắc mắc đủ điều, nhất là chị nhỏ. Vì quà Noel là bí mật nên con phải quyết định. Lần trước, con mua hai món quà khác nhau, em nhỏ nói vậy là không công bằng.

- Nhưng nếu giống nhau như vậy con nghiêng về đứa nào?

- Phải nghiêng về em nhỏ vì dù sao em lớn có hiểu biết hơn nên con giải thích dễ hơn.

Vậy mới thấy rõ, mỗi thế hệ sinh ra và trưởng thành trong môi trường và hoàn cảnh khác nhau, nên suy nghĩ rất khác nhau. 

Ba mẹ nào cũng yêu thương con cái, quan trọng là yêu thế nào, giáo dục ra sao. Tình yêu đó rất cần sự tinh tế, linh hoạt trong mỗi mái nhà, trong từng tình huống. Thời đại này, văn hóa cởi mở, tôn trọng, chia sẻ, giải thích, thuyết phục là cách để thu hẹp khoảng cách thế hệ, để những mâu thuẫn hay sự khác biệt trở thành những câu chuyện tâm tình giữa ba mẹ và con cái, sao cho hai bên thấu hiểu nhau. 

Tuy nhiên, việc giải thích, thuyết phục cũng rất khác với thời trước. Có một lần, chứng kiến hai đứa cháu tôi chơi đùa vui vẻ rồi xảy ra xung đột, tôi lên tiếng:

- Zara à, con lớn hơn em, con phải nhường nhịn em chứ!

Con bé quay qua nhìn tôi rồi nhăn mặt bỏ đi. Hôm sau, con trai gặp riêng tôi hỏi chuyện rồi nói:

- Con đã bị một lần giải thích như vậy rồi và Zara không thông mẹ à!

- Sao lại không thông? Hồi xưa, mẹ vẫn dạy con như thế!

- Mỗi thời mỗi khác, nó gặp con mếu máo nói: “Bà nội nói vậy con không chịu đâu. Anna lúc nào cũng là em con, vậy con phải nhường hoài sao?”. Trong trường hợp này, mẹ nên giải thích cặn kẽ hơn, chẳng hạn như: “Em con dừng cuộc chơi có thể không phải em bị thua ăn gian mà do em nhỏ hơn con, sức khỏe em không bằng con nên em mau mệt. Sau này hai đứa nên thỏa thuận thời gian dừng cuộc chơi, con thấy hợp lý không?”.

Tôi được một phen “đứng hình” khi con trai mình chỉ mẹ cách dạy con. Nhưng tôi phải thừa nhận là con trai đúng. Trẻ con bây giờ bảo nhỏ không nhỏ, lớn không lớn, chúng đã có suy nghĩ riêng, thích sự công bằng và thẳng thắn bày tỏ. Người lớn vì thế phải học cách nói điều hợp lẽ, không áp đặt, nếu muốn “chung sống hòa bình”. 

Khoảng cách thế hệ giữa ba mẹ và con cái, giữa ông bà và cháu ngày càng rõ ràng hơn trong thời đại 4.0. Đó là sự thật không tránh khỏi. Cho nên, để thu hẹp khoảng cách, dung hòa đôi bên, cần chấp nhận, lắng nghe, mở lòng và chia sẻ để thấu hiểu nhau. Như vậy mới trọn tình gia đình. 

(*) Phó chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP.HCM, 
thành viên Hội đồng Sách doanh nhân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gia đình: Hiểu để yêu thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO