Nói theo dân gian thì cây nó có hồn. Chả thế mà có chuyện trong vườn bỗng một cái cây chết là cả nhà lo lắng, cho là nó chết theo chủ nhà hoặc trong nhà có người mất. Tục lệ là đám tang, người ta quét vôi vào phần dưới gốc cây trong vườn cho nó để tang chủ. Có người còn bảo có những cây chết theo người.
Những cây cổ thụ dân ít khi chặt vì sợ xui. Cây đa thường “có thần” trú ngụ. Các loài hoa hào phóng nên mới nở theo mùa vui của con người - mùa Xuân.
Có những cây đặc biệt ghi dấu cuộc đời hoặc một chuyện lịch sử, như cây đa Tân Trào, cây đào Tô Hiệu, cây Bác Hồ trồng... Nó thiêng liêng vì cùng với thời gian làm xanh thẫm màu lá là những chuyện đáng ghi nhớ mãi, gần như một chi tiết của lịch sử, như một di sản cần bảo tồn.
Nhưng ngày nay nhiều người đã vội quên lịch sử, quên lợi ích của cây xanh, đã phá rừng, có hẳn một giới “lâm tặc”. Nhiều nơi “hy sinh cây cối” vì một công trình nào đó.
Công việc trồng cây gây rừng, trồng cây theo lời Cụ Hồ dạy để bảo vệ môi trường sống đã trở thành phong trào xã hội. Nhưng có kẻ lạm dụng quá đà, biến thành hình thức, nhiều khi cây to tướng rồi, quý vị tưới lên tý nước để quay phim, chụp hình, rồi bắt cây đeo cái bảng tên ông X, bà Z, nhìn rất phản cảm. Và chắc chắn không ai nhớ cái tên bà Z, ông X ấy, chỉ thương cây.
Cũng có thể chấp nhận có phong trào ở Hà Nội, vì mục tiêu trồng 30 triệu cây xanh nên đã phát động thanh thiếu niên trồng cây gắn tên mình - chỉ là mong muốn sau này có quay lại thì nhận biết cây năm xưa. Nếu cần, nên có biển ghi chung tên những người trồng cây. Hãy nghĩ rằng chúng ta cố gắng tạo nên thảm xanh, những khu rừng, thì cần chi phải viết tên mình trên từng cây.
Nhìn những quan chức xúm xít cầm xẻng “thao tác chút đỉnh” bên cây đã lớn hay cây mới trồng, cầm bình tưới “tượng trưng” thật phản cảm, chẳng ý nghĩa gì. Đó là chưa kể đeo hoặc đóng bảng lên cây ông X, bà Z trồng (mà ông X, bà Z đâu có trồng, người ta chuẩn bị sẵn tất cả, họ chỉ việc xúc vài xẻng đất cho vào gốc, cầm bình nước tưới cho có lệ). Trong đó không ít ông X, bà Z ngày trước “oanh liệt” nay đã “vào lò”, hàng ngàn vị. Rất dễ ở đâu đó cái cây khốn khổ đang đeo tên quý vị ấy. Chỉ thương cái cây khổ.