Bây giờ thì nhân dân đã biết rõ chuyện vợ chồng nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô đã tặng 5.000 lượng vàng cho Chính phủ cách mạng non trẻ vừa giành được độc lập cho nước nhà. Chúng ta cũng biết ngôi nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội là của gia đình Trịnh Văn Bô đã đón Cụ Hồ về ở và làm việc. Tại ngôi nhà đó, Cụ Hồ đã viết Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chuyện trò, bà Minh Hồ hôm đó kể chuyện phụ nữ Hà Nội ngày trước giỏi giang thế nào.
Bà cho biết, tuy cửa hàng kinh doanh buôn bán tơ lụa là của nhà chồng giao cho, nàng dâu phải lo việc kinh doanh. Bà giao dịch, mà không phải chỉ bán hàng ở Hà Nội mà còn xuất sang Lào, Miên, Thái, xuất sang tận Anh, Pháp, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản.
“Ông Bô làm thông ngôn. Tôi giao dịch. Nên tôi quay tít quanh năm”, bà nói.
Mà không chỉ mình bà đảm đang như vậy. Trong dòng họ, toàn phụ nữ kinh doanh: mẹ chồng, bà nội, mẹ của bà, đến bà là đời thứ tư kinh doanh.
Bà kể, phải thuê người làm. Có người nấu bếp cho nhà bà tới 36 năm. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, phải chạy tản cư mà bà vẫn đem theo 4 người làm. Hai người trông trẻ, hai người trông bà cụ và nấu ăn.
Tôi muốn hỏi bà, ngày nay cũng phải thuê người làm nhưng cách nào để có người trung tín với mình chứ không gặp kẻ phản chủ, bà Minh Hồ bảo: “Dù có người làm nhưng tôi cũng lao động suốt đời. Tuổi 80 vẫn xách nước. Tôi giúp đỡ người ăn ở trong nhà. Khi họ gặp chuyện lớn trong gia đình như đau ốm, cưới xin, ma chay mình đều tận tình giúp. Mình hay cho đi thì lại có lộc. Mình ăn lộc giời”, bà chia sẻ.
Chuyện hôn nhân ngày xưa cũng lạ lắm. Bà và chồng là do mối manh sắp đặt chứ đâu có tìm hiểu nhau. Tôi hỏi, ngộ nhỡ ăn ở không hợp nhau thì làm sao, bà bảo: Thế mà không sao cả, nhường nhịn tương kính thì êm. Trong dòng họ bà, gia đình 11 cặp - chín trai hai gái đều do làm mối mà ai cũng sống hòa thuận, êm ấm trọn đời.
Bà kể phụ nữ xưa nhu mì, đảm đang, ra đường đều mặc áo dài. Bà tin lời ông cha dạy bài học thành công: Lao động và thương người, có đức mặc sức mà ăn.
Bà cho biết, Hà Nội xưa nghiêm lắm. Không bao giờ công chức đến cửa hàng nhũng nhiễu. “Tôi đi kháng chiến 9 năm, nhà cửa để đấy, không ai đụng đến”.