Gia đình

Đau khổ từ chính mình mà ra…

Nguyễn Châu Linh (*) 08/10/2023 06:00

Nếu mọi người lĩnh hội các triết lý đạo Phật và chiêm nghiệm, sẽ thấy đau khổ từ chính mình mà ra. Áp dụng vào cuộc sống, sẽ thấy thương trường thật hạnh phúc, cuộc sống thật nhẹ nhàng.

Khi bộ truyện tranh khắc họa cuộc đời Đức Phật Thích Ca được xem như một kiệt tác, phát hành lên đến con số hơn 20 triệu bản trên toàn thế giới, nhiều người hỏi: Vì sao? Câu trả lời sẽ không khó nếu bạn thực hành những triết lý được đúc kết sau:

Đau khổ từ tham vọng mà ra

Không thể phủ nhận rằng, trong mỗi chúng ta luôn có tham vọng, thậm chí đó là chuỗi tham vọng. Chúng ta đi làm, nhận được mức lương tương xứng với khả năng, nhưng không thể dừng việc hy vọng được tăng lương, được nhận thưởng. Chúng ta đứng đúng vị trí của mình trong tổ chức, nhưng không thể dừng suy nghĩ mong được thăng tiến, nắm giữ vị trí cao hơn, quan trọng hơn… Nếu nhìn theo hướng tích cực thì đây là cách để mỗi chúng ta cố gắng, phát triển bản thân lên. Nhưng nếu để những hy vọng ấy biến thành tham vọng và khi không đạt được, chúng ta chìm trong đau khổ, thất vọng, bất mãn…

thien-su.jpg

Có tham vọng, có hoài bão là tốt, nhưng hãy đảm bảo bản thân mình có thể kiểm soát được để không vượt khỏi giới hạn cho phép. Bởi một khi chuỗi tham vọng đã bắt đầu, chúng ta rất khó để thoát ra. Chúng ta sống, làm việc là để tìm kiếm sự đủ đầy, hạnh phúc. Đôi khi, hạnh phúc ấy ở trong bàn tay ta, nhưng sẽ lụi tàn đi trước ngọn lửa tham vọng trong tim quá lớn.

Không có gì sinh ra đã khổ

Có lẽ đây cũng là một triết lý mà không nhiều người biết thuộc Kinh điển Phật giáo. Đây là giáo lý mà Đức Phật đã thuyết giảng cho Vương tử Lưu Ly, khi Vương tử cứ đắm chìm trong mặc cảm, phẫn uất vì mẹ là nô tì.

Chúng ta thì sao? Có phải trong công việc, khi không như ý mình, chúng ta thường tìm lời giải thích nghe có vẻ phù hợp rằng bản thân mình không nhận được sự công bằng, thậm chí là do hoàn cảnh vốn không thể so bì cùng người khác nên quá trình chứng tỏ bản thân trở nên khó khăn và trở ngại hơn? Điều ấy có đúng không? Có thật hoàn cảnh, xuất thân tạo nên đau khổ của chúng ta không?

Nếu lắng lại, cho mình đủ sự yên tĩnh để nhìn thấu vấn đề, chúng ta sẽ thấy rằng, từ những lời giải thích tiêu cực ấy, chúng ta rất dễ ruồng bỏ, chán ghét bản thân. Chúng ta tưởng mình đang phản ứng với sự thiếu công bằng của cuộc sống; nhưng thực chất là chúng ta đang ngược đãi chính mình, không cho mình cơ hội cố gắng để phát triển hơn.

Trả thù là tấn công chính bản thân

Khi suy ngẫm về triết lý này, chúng ta sẽ nhận ra một điều, đồng nghiệp là cộng sự chứ không bao giờ là kẻ thù. Chúng ta và họ đứng trên cùng một con thuyền, cùng hướng đến một mục tiêu, nếu xem nhau là kẻ thù và trả thù nhau, chẳng khác nào chính ta đắm chìm con thuyền mà mình có mặt trên đó. Như thế, khác nào mình tự nhấn chìm bản thân.

Mở rộng hơn, nếu xem đối thủ cạnh tranh trên thương trường là kẻ thù và tìm cách trả thù họ vì giành được hợp đồng mà ta đang cố gắng đạt được, kết quả cũng chỉ là ta đang tự tấn công mình mà thôi. Vì bạn có quyền trả thù, đối thủ cũng thế, thậm chí họ hoàn toàn có thể thâm độc hơn; rồi mọi thứ biến thành một cuộc chiến không hồi kết, thay vì hai bên cố gắng để phát triển tổ chức của mình.

Cách phòng bị tuyệt vời nhất khi bị công kích, là đừng xem đối phương là kẻ thù. Nỗi hối hận sau khi trả thù còn đau đớn và nặng nề hơn cả khi bị tấn công.

Tử tế với người mình thương quý là việc khá dễ dàng, nhưng với đối thủ cạnh tranh, với khách hàng khó tính thì việc ấy không đơn giản tí nào. Muốn như thế, chúng ta phải thật sự sống trọn vẹn với tâm thiện của mình và không ngừng nhắc nhở bản thân bằng những giáo lý sâu sắc.

Luôn mang tâm thế “đối phương là bản thân”

Nếu không thích cảm giác bản thân bị đối xử bất công thì chúng ta đừng đối xử với họ như thế. Chúng ta thử thực hành thế này, tĩnh lặng lại và hình dung cảm giác của đối phương khi họ thất bại trong một cuộc đàm phán hoặc cạnh tranh. Ắt hẳn đó không phải là cảm giác dễ chịu gì. Hiểu như thế thì hãy học cách cư xử công bằng, tử tế với nhau; để chính bản thân chúng ta không phải trải qua cảm giác khó chịu từ những điều không tích cực.

Trong cuộc sống cũng như kinh doanh, cạnh tranh nên dựa trên công bằng, tử tế và tôn trọng nhau. Nếu tất cả mọi doanh nghiệp đều học cách nghĩ đến tâm trạng của người khác để thông cảm cho họ thì tự nhiên hạnh phúc sẽ đến với tất cả mọi người; vì thông cảm cho người khác trên thương trường cũng là thông cảm cho chính mình.

“Vì mọi người” là niềm vui tuyệt đỉnh

Đức Phật là người dẫu phải hy sinh bản thân cũng hết lòng vì người khác. Đó là hình tượng mà tôi tin rằng không chỉ riêng Phật tử, mà tất cả những ai quan tâm đến giáo lý Phật giáo, những ai quan tâm đến việc phát triển bản thân để phụng sự cho tha nhân đều hướng đến để thực hành theo.

Tất nhiên, chúng ta không cần và cũng không đủ sức để có thể luôn hy sinh lợi ích bản thân vì người khác. Điều đúng nhất là phải tìm được hạnh phúc cho chính mình, nhưng quan trọng nhất là hạnh phúc tự thân của chúng ta sẽ đem lại hạnh phúc cho người khác, chứ không phải khổ đau. Với các đối tác, thậm chí với những dịch vụ cạnh tranh trực tiếp hay gián tiếp, nếu có thể giữ gìn giáo lý này cho mình, tôi tin mọi người đều có thể đạt đến trạng thái bình an và có thể từ đối thủ thành bạn.

(*) Founder, CEO Tập đoàn Hành trình Kim Cương - DJC

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đau khổ từ chính mình mà ra…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO