Số liệu năm 2022 của Liên minh Sáng tạo nội dung và Hội Truyền thông số Việt Nam cho thấy, có 20.000 người Việt Nam kiếm tiền từ YouTube, khoảng 1.500 tỷ đồng.
Điều này phản ánh mạng xã hội (MXH) đang lấn sân dành thị phần TMĐT với các sàn lâu đời và chiếm được kha khá từ "miếng bánh" thị phần này. Hiện nay, Facebook chiếm 36% thị phần, cao hơn cả sàn Sendo chỉ chiếm 27%. Zalo và TikTok lần lượt chiếm 14% và 22% thị phần. Trong đó, chat-commerce (thương mại từ những đoạn chat) chiếm 36% và đưa Việt Nam trở thành thị trường mua bán qua các trình nhắn tin lớn thứ hai.
Facebook Messenger là trình nhắn tin mua hàng phổ biến nhất, chiếm 85% nhưng đang phải dè chừng Zalo - trình nhắn tin của Việt Nam. Kể từ cuối năm ngoái, Zalo đã trở thành ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất, với tỷ lệ sử dụng là 87%, theo báo cáo của Decision Lab và Mobile Marketing Association Vietnam.
DN tranh thủ MXH để bán hàng
Số liệu đã nói lên rằng DN đang giữ chân được khách hàng trung thành và số lượng khách hàng nhắn tin mua hàng ở các MXH ngày càng nhiều. Startup không nằm ngoài xu hướng mà nhanh chóng "nương tựa" vào MXH, nhưng họ có cách sáng tạo riêng để cùng kinh doanh cộng sinh.
Startup Equo khởi đầu từ nước ngoài và tăng sự hiện diện bằng những cuộc trò chuyện về bảo vệ môi trường tại trang Kickstarter. Là sàn TMĐT kinh doanh ống hút thân thiện với môi trường nên Equo nhận được sự ủng hộ của nhiều người tiêu dùng trên thế giới từ cách truyền thông này.
Ở Việt Nam, Marina Tran-Vu - người sáng lập và CEO của Equo cũng lặp lại thông tin này tại LinkedIn - nơi hội tụ nhiều DN để tiếp cận thị trường B2B. Khi có khách hàng sỉ, cô bắt đầu tối ưu hóa mô hình kinh tế chia sẻ để vào thị trường B2C, phân phối sản phẩm tại Facebook và các sàn TMĐT để tăng sự hiện diện trên thị trường. Năm ngoái, Equo đã huy động được 1,3 triệu USD ở vòng hạt giống từ các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài.
Để giữ chân khách hàng, DN startup có xu hướng bán hàng theo mô hình đa kênh (omnichannel). Họ luôn sẵn sàng trên tất cả kênh MXH, khách hàng chỉ chọn theo thói quen. Theo mô hình đa kênh, DN startup không chỉ kinh doanh đơn thuần mà còn phục vụ trải nghiệm mua sắm của khách hàng và tối ưu hóa mô hình kinh tế chia sẻ.
Xếp hạng độ phổ biến của MXH theo Decision Lab |
Startup Mio xây dựng kênh TMĐT phân phối hàng thông qua các nền tảng Facebook, TikTok, Instagram hoặc Zalo. Mio sử dụng đối tác bán hàng chứ không trực tiếp phân phối. Đối tác bán hàng sẽ tự giới thiệu sản phẩm trên MXH bằng video phù hợp với thị hiếu người dùng ở khu vực nông thôn. Người bán chỉ cần bán được hàng và nhận 10% hoa hồng từ Mio, không phải bỏ tiền ôm hàng, trữ hàng mà vẫn có hàng bán đều, giao hàng cũng do Mio lo. Năm 2021, Ventura Discovery và Golden Gate Ventures đã đầu tư 1 triệu USD vào mô hình kinh doanh này.
Vì xu hướng đa kênh, nên các nền tảng MXH cũng phải đổ tiền vào những thuật toán để giữ chân người dùng và người bán. Ví dụ, Zalo kết hợp ứng dụng nhắn tin và ví điện tử ZaloPay với Công ty Funding Societies để làm cầu nối cho DN startup gọi vốn. Zalo cũng phát triển mini app (ứng dụng con tìm việc) hay ứng dụng hành chính công để kéo người dùng về.
Rủi ro đến từ chính MXH
Tuy có nhiều lợi ích khi bán hàng trên MXH, startup vẫn phải nghĩ đến kế hoạch lâu dài khi sử dụng vì uy tín của MXH đang dần bị suy giảm. Để tránh rủi ro khi sử dụng MXH bán hàng, DN startup cần hiểu rõ pháp lý khi tạo ra nội dung trên các nền tảng. Trước hết, phải nắm vững Luật Sở hữu trí tuệ để chống cạnh tranh không lành mạnh trên MXH và tránh vi phạm các quy định về bản quyền. Một cách nữa để tránh rủi ro là xây dựng lòng tin của khách hàng trên MXH. Ngoài tạo ra sản phẩm có chất lượng đảm bảo, có giá trị cạnh tranh, DN startup phải chuyển tải hình ảnh về thương hiệu rõ ràng mới tận dụng hết tiềm năng của MXH.
"Yêu là đủ" - đề án khởi nghiệp về giáo dục giới tính kiêm bán hàng đã nhận giải thưởng "Đề án được yêu thích nhất" của giải Việt Nam Startup Wheel 2019 nhờ cách xây dựng hình ảnh trên MXH. Người sáng lập "Yêu là đủ" Trần Thanh Tùng cho hay, hơn 30.000 video của "Yêu là đủ" luôn xuất hiện hình ảnh các cặp đôi trẻ ứng xử trong cuộc sống đời thường, hướng tới giáo dục giới tính để bán sản phẩm liên quan. Sự sáng tạo của startup này nằm ở việc chỉ sử dụng "người trong nhà” để xây dựng hình ảnh. Những nhân vật "cây nhà lá vườn" vừa tạo ra được trào lưu gần gũi, vừa giữ được chi phí ở mức thấp.