Chuyên đề

TP.HCM trong kỷ nguyên vươn mình: TP.HCM thúc đẩy đổi mới sáng tạo (Bài 4)

Mỹ Huyền 30/12/2024 07:12

Sau gần 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, TP.HCM sẵn sàng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Tuy vẫn còn nhiều thách thức nhưng TP.HCM đã triển khai một số chính sách tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp phát triển.

Chính sách trúng và đúng lúc

Là đơn vị đầu tiên xuất khẩu máy bay không người lái (drone) sang Mỹ, Công ty CP RealTime Robotics Việt Nam (RtR) mất gần 10 năm để đạt được thành tựu này bởi một phần chỉ dựa vào nguồn lực tự có. Tuy nhiên, các chính sách được UBND TP.HCM triển khai, như Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân TP.HCM đã góp phần tăng tốc sự phát triển của Công ty.

Theo đó, các DN công nghệ cao sẽ được vay tối đa 200 tỷ đồng với lãi suất do ngân sách thành phố hỗ trợ trong vòng 7 năm. Chương trình này sẽ giúp RtR xây dựng nhà xưởng hiện đại, đầu tư máy móc tiên tiến, giải quyết vấn đề không gian sản xuất chật hẹp kéo dài. “Trong gần 10 năm qua, chúng tôi tập trung đầu tư tối đa vào R&D, nên nguồn vốn hỗ trợ đến từ Thành phố dành cho đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị đến đúng lúc và rất cần thiết” - TS. Lê Việt Quốc - người sáng lập RtR nói.

bai-4.jpg
TS. Lương Việt Quốc - người sáng lập Công ty CP RealTime Robotics Việt Nam trong chuyến bay thử nghiệm ở Alaska

Ngoài hỗ trợ tài chính, TP.HCM còn tập trung phát triển cơ sở hạ tầng cho các startup cần không gian thử nghiệm khoa học. Trước đây, chi phí thử nghiệm các chuyến bay drone dao động từ 200-300 triệu đồng mỗi đợt. Đây là gánh nặng lớn với RtR khi Công ty còn trong giai đoạn R&D, chưa thương mại hoá sản phẩm. Sau khi hoàn tất xây dựng, RtR sẽ chuyển sang ngôi nhà mới vào năm 2025, giảm tải đáng kể chi phí vận hành và thủ tục thử nghiệm bay cũng được đơn giản hóa.

Gần đây, TP.HCM đã xây dựng cơ chế thử nghiệm máy bay không người lái thuận lợi hơn. Song song đó, lãnh đạo Thành phố làm việc với Bộ Quốc phòng để rút ngắn các thủ tục hành chính liên quan đến thử nghiệm drone, bao gồm giảm thiểu giấy phép và xây dựng khung pháp lý minh bạch về thử nghiệm công nghệ.

Gần đây, RtR đã cung cấp drone thành công cho Bộ Quốc phòng Mỹ. Trong nước, nhu cầu sử dụng drone trong lĩnh vực quốc phòng cũng ngày càng tăng. TP.HCM cũng đang hỗ trợ xúc tiến thương mại hoá sản phẩm phục vụ quốc phòng trong nước của RtR.

Để chính sách hỗ trợ đến gần DN hơn

RtR nằm trong số 1.000 DN khởi nghiệp nhận được sự hỗ trợ của TP.HCM. Với tầm nhìn chiến lược, lãnh đạo Thành phố đặt mục tiêu trở thành trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (KN ĐMST) của cả nước và khu vực. Theo đó, nhiều chính sách đã được triển khai để thúc đẩy KN ĐMST phát triển như Nghị quyết 98 của Quốc hội đã được cụ thể hóa bằng Nghị quyết 20 của Hội đồng nhân dân TP.HCM hỗ trợ thử nghiệm có kiểm soát giải pháp công nghệ mới trong khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin; Nghị quyết 19 và Nghị quyết 20 của Hội đồng nhân dân TP.HCM quy định mức hỗ trợ không hoàn lại tối đa 400 triệu đồng cho DN khởi nghiệp và quy định mức thu nhập với các chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học công nghệ công lập, từng bước khẳng định vị thế là trung tâm KN ĐMST trong khu vực và đang tiến gần đến Top 100 thành phố có hệ sinh thái KN ĐMST năng động nhất toàn cầu và xếp thứ hai về chỉ số ĐMST cấp địa phương do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Tuy nhiên, những thách thức vẫn còn đó. Ông Đặng Đức Thành - Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhà sáng lập Đại học Khởi nghiệp - nhận định DN KN ĐMST vẫn gặp nhiều rào cản để tăng tốc phát triển hơn nữa. Mặc dù đã có những bước tiến trong việc thiết lập chính sách hỗ trợ nguồn vốn mạo hiểm, quy định về đầu tư nước ngoài và khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng nhưng vẫn còn hạn chế, làm giảm khả năng sống sót và thành công của DN KN ĐMST. Để khắc phục, cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Chính phủ, nhà đầu tư và các tổ chức tài chính, cũng như công cụ hỗ trợ tài chính đa dạng hơn cho DN để tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi. Những quy định pháp lý liên quan đến sở hữu trí tuệ và an ninh mạng cần được tiếp tục cải thiện và cập nhật để bảo vệ quyền lợi DN và nâng cao sự an toàn và bảo mật trong không gian mạng.

Việt Nam đề ra mục tiêu 2016 - 2020 phát triển 5.000 DN KN ĐMST, nhưng sau hơn 8 năm chỉ mới đạt khoảng 4.000 DN, trong đó, TP.HCM có khoảng 2.000 DN. Theo ông Đặng Đức Thành, nguyên nhân số lượng DN KN ĐMST chưa đạt mục tiêu đến từ sự thiếu hụt nhân lực chuyên môn cao. Do đó, cần chuyển đổi các trường đại học sang mô hình đại học khởi nghiệp, tích hợp giáo dục với việc thúc đẩy các DN KN ĐMST ngay từ trường để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế hiện đại và giúp DN tối ưu hóa quy trình và chiến lược kinh doanh. Được đào tạo bài bản, họ sẽ lực lượng chủ đạo thích ứng được sự đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thúc đẩy công nghệ cao như AI, blockchain, dữ liệu lớn trong sản xuất, kinh doanh.

bai-4-1-.jpg
Cuộc thi khởi nghiệp Open Innovation Day 2024 do OITI tổ chức

Hướng tới tương lai

Hệ sinh thái KN ĐMST đã hình thành được hơn 15 năm, hiện nay đang tăng tốc hoàn thiện, hướng tới mục tiêu chung. Ông Bùi Trung Hiếu - Phó viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo mở và Doanh nhân công nghệ (OITI) nhận định: “Các tập đoàn lớn tại địa phương, nơi sở hữu nhiều công nghệ cần giải pháp ĐMST mới có đủ không gian để startup tham gia nghiên cứu. Trong mô hình trung tâm ĐMST mở, OITI đã hợp tác cùng các tập đoàn lớn tại TP.HCM để giúp startup đến tìm ra giải pháp ĐMST cho các tập đoàn. Qua sự hợp tác giữa khối công và tư này, khối DN tư nhân sẽ là nơi đầu tư nguồn lực bao gồm không gian kinh doanh, công nghệ và nguồn vốn vào startup giúp họ đủ nội lực bước ra thế giới”

Đây là giải pháp được Bộ Khoa học và Công nghệ và Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC) thúc đẩy hệ sinh thái ĐMST tại các địa phương trong vòng 5 năm tới. Bên cạnh đó, mô hình trung tâm sáng tạo mở OITI cũng là đầu mối hợp tác với DN tư nhân, các tổ chức quốc tế để tạo điều kiện cho hệ sinh thái KN ĐMST tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị xanh toàn cầu.

Theo ông Bùi Trung Hiếu, để tìm ra những điểm nghẽn từ chính sách và thúc đẩy nguồn vốn từ thị trường vào mô hình ĐMST, để thử nghiệm thực thi chính sách về ĐMST góp phần khơi thông các điểm nghẽn này tại TP.HCM - nơi thực hiện cơ chế sandbox nghiên cứu thí điểm về chính sách dành cho ĐMST - OITI và Trung tâm Đổi mới sáng tạo mở (Soihub) đang kết hợp thực hiện các mô hình thực nghiệm để tìm và chứng minh tính hiệu quả của từng chính sách, từ đó kịp thời tham vấn cho các bộ, ngành. Đồng thời cập nhật thông tin về các chính sách hỗ trợ chuyển đổi xanh và số của Nhà nước đến với DN.

Việt Nam đề ra mục tiêu 2016 - 2020 phát triển 5.000 DN KN ĐMST, nhưng sau hơn 8 năm chỉ mới đạt khoảng 4.000 DN, trong đó, TP.HCM có khoảng 2.000 DN.

Bài 3: Phát triển hạ tầng giao thông đô thị hiện đại - Diện mạo TP.HCM đang thay đổi

Bài 5: Giải bài toán phát triển trong kỷ nguyên mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM trong kỷ nguyên vươn mình: TP.HCM thúc đẩy đổi mới sáng tạo (Bài 4)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO