Chuyên đề

TP.HCM trong kỷ nguyên vươn mình: Phát triển hạ tầng giao thông đô thị hiện đại - Diện mạo TP.HCM đang thay đổi (Bài 3)

Mỹ Phụng 28/12/2024 17:00

Sau gần 50 năm ngày thống nhất đất nước, gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, TP.HCM sẵn sàng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

TP.HCM đã nỗ lực xây dựng và mở rộng hạ tầng giao thông nội thành và cửa ngõ, từng bước giải quyết được tắc nghẽn, qua đó đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị bền vững.

Công trình trọng điểm thúc đẩy kết nối giao thông

Trong năm 2024, các công trình giao thông nội đô được đưa vào sử dụng, giúp TP.HCM giảm đáng kể ùn tắc, như hầm chui Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện, nhánh hầm HC2 nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, cầu Rạch Đỉa, cầu Cây Khô, cầu Nam Lý, đường Tên Lửa...

Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự an đầu tư xây dựng các công trình giao thông (TCIP), từ nay đến trước Tết Nguyên đán, dự kiến sẽ có 12 công trình nữa được thông xe, như đoạn đường Song hành quốc lộ 50, hầm chui HC1 nút giao thông An Phú, cầu Tăng Long, đường Dương Quảng Hàm, đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, cầu Tân Kỷ - Tân Quý, cầu Phước Long, hầm HC1 và nút giao đường Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ...

Ông Phúc thông tin thêm, các công trình trọng điểm sẽ được khởi công và đẩy mạnh trong năm 2025 là đường Vành đai 2, Vành đai 3, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Nguyễn Khoái, cầu Bình Tiên, các cầu vượt, nút giao trong nội đô, và cửa ngõ. Đây cũng là năm giải quyết cơ bản những “điểm nóng” về giao thông.

Ông Phúc cho rằng, năm 2025 sẽ có ba từ khóa chính là “năm của những dự án giao thông nối kết liên vùng, năm của nguồn lực được khai mở, năm của phát huy sức mạnh lòng dân”. Với đường Vành đai 2, 3, 4 và 5 cao tốc hướng tâm, hạ tầng giao thông TP. HCM sẽ có diện mạo mới, kết nối liên vùng, giúp cải thiện đời sống cư dân và tạo đòn bẩy để phát triển kinh tế.

bai-3-copy.jpg
Tuyến Metro số 1 chính thức vận hành sau 17 năm xây dựng

Metro - biểu tượng của đô thị hiện đại

Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM - Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chiều dài gần 20km, tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng được khai thác vào ngày 22/12/2024, góp phần thúc đẩy hệ thống giao thông công cộng, phát triển đô thị hiện đại theo hướng xanh và bền vững.

Theo ông Lê Văn Đạt - Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông - vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải), trong giao thông thông minh, sử dụng chung phương tiện và kết nối phương tiện là vấn đề cốt lõi để bảo vệ môi trường, giảm ùn tắc, bảo vệ sức khỏe người dân. Do đó, đây là định hướng chiến lược của ngành giao thông - vận tải.

Là một cư dân của TP.HCM, chị Dương Thị Lài ngụ tại TP. Thủ Đức tự hào chia sẻ: “Chứng kiến thành phố nơi mình đang sinh sống đổi thay từng ngày khiến tôi cảm thấy vô cùng may mắn. Thành phố được quy hoạch ngày càng hiện đại, chỉnh chu. Nhiều cầu, đường, hầm chui được hoàn thành giúp dân di chuyển thuận tiện, nhanh chóng và tiết kiệm thời gian. Cửa ngõ thành phố ngày càng thông thoáng cùng với hạ tầng giao thông phát triển đã hỗ trợ rất nhiều cho nhu cầu đi lại của bà con trong nội đô và đến các tỉnh - thành. Đặc biệt, việc vận hành tuyến Metro số 1 giúp giảm tải lượng phương tiện cá nhân, nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân. Gia đình chúng tôi rất háo hức trải nghiệm tuyến đường sắt hiện đại đầu tiên này của Thành phố”.

Những bước tiến mạnh mẽ, quyết liệt trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông đã góp phần tạo nền tảng cho TP.HCM trở thành một đô thị phát triển bền vững, một trung tâm logistics, và là điểm đến thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu cả nước.

Anh Huỳnh Tuấn Kiệt sống tại quận Gò Vấp phấn khởi cho hay: “Tôi thật sự biết ơn vì mình được lớn lên trong giai đoạn TP.HCM đang chuyển mình bứt phá, và rất vinh dự là thế hệ trẻ kế thừa những thành quả phát triển vượt bậc của Thành phố trong thời gian qua. Hòa cùng bà con, chúng tôi rất mong chờ và chào đón tuyến Metro số 1. Đây là mô hình giao thông công cộng tiên tiến, bắt kịp xu hướng của các thành phố phát triển trong khu vực. Tôi tin rằng di chuyển bằng phương tiện này sẽ mang lại trải nghiệm mới mẻ và tuyệt vời cho người dân, và chắc chắn đây là phương tiện giao thông công cộng ưa thích của chúng tôi”.

bai-3-1.jpg
Những bước tiến mạnh mẽ, quyết liệt trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông đã góp phần tạo nền tảng cho TP.HCM trở thành một đô thị phát triển bền vững

Tầm nhìn dài hạn

TP.HCM đã trình Chính phủ đề án xây dựng các tuyến Metro, đặt ra mục tiêu sẽ hoàn thành 355km vào năm 2035 và 510km vào năm 2045. Đây là tầm nhìn dài hạn, đồng thời cho thấy lãnh đạo và người dân TP.HCM luôn đồng lòng và vững tin vào tiềm lực và sự đột phá của Thành phố.

Theo ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, TP.HCM là đô thị lớn với gần 10 triệu dân, do đó việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông là rất quan trọng. Lãnh đạo TP.HCM đã rất quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, phù hợp với nhu cầu và chiến lược phát triển của Thành phố.

Để tiếp tục giải quyết bài toán về mật độ lưu thông cao trong một thành phố lớn và đông dân như TP.HCM, theo ông Chính, Thành phố nên tiếp tục đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống giao thông đường sắt đô thị, như Metro. Đây là giải pháp giao thông công cộng xanh, an toàn, đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân, giúp kết nối với các phương tiện di chuyển thuận tiện khác như xe buýt điện, đồng thời phù hợp với mô hình TOD (Transit Oriented Development - mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng).

Ông Chính nhận định, đầu tư vào giao thông đường thủy là đặc biệt quan trọng đối với một thành phố có sông và biển như TP.HCM. Loại hình giao thông này làm giảm áp lực về vận chuyển hàng hóa và hành khách đường bộ, đồng thời góp phần thu hút du khách. Thành phố cũng đã quan tâm khai thác cảnh quan ven sông Sài Gòn, chú ý tạo mảng xanh ở những khu vực công cộng... Những bước tiến mạnh mẽ, quyết liệt trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông đã góp phần tạo nền tảng cho TP.HCM trở thành một đô thị phát triển bền vững, một trung tâm logistics, và là điểm đến thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu cả nước.

Với diện mạo mới, TP.HCM đã “khoác lớp áo mới” để chào đón 50 năm đất nước thống nhất với tâm thế vươn mình trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu.

Bài 2: Đổi mới sáng tạo và công nghệ - Động lực vươn mình

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM trong kỷ nguyên vươn mình: Phát triển hạ tầng giao thông đô thị hiện đại - Diện mạo TP.HCM đang thay đổi (Bài 3)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO