Bản tin trưa 7/7: Hơn 4.800 đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ vận hành chính quyền hai cấp
Tin tức nổi bật trưa 7/7: Hơn 4.800 đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ vận hành chính quyền hai cấp; Hạ đặt thành công Rotor tổ máy số 1 - Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng; Dự kiến ban hành quy chuẩn khí thải xe máy trong tháng 7; Hà Nội thúc đẩy đầu tư nông nghiệp, xây dựng thương hiệu lúa Thủ đô; Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với các tập đoàn kinh tế lớn của Brazil... và một số tin tức đáng chú ý khác.
Hơn 4.800 đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ vận hành chính quyền hai cấp
Sáng 7/7, hơn 4.800 đội hình thanh niên tình nguyện, với khoảng 241.400 đoàn viên, thanh niên đã tham gia hỗ trợ vận hành chính quyền địa phương hai cấp, đồng loạt ra quân tại 3.321 xã, phường và đặc khu trên toàn quốc. Đây là nội dung được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thông tin tại Lễ ra quân toàn quốc các đội hình thanh niên tình nguyện (TNTN) tham gia hỗ trợ vận hành chính quyền địa phương hai cấp và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại cơ sở.

Với phương châm “Hiểu địa bàn - Vững công nghệ - Hỗ trợ tận tâm - Lan tỏa hiệu quả”, các đội hình thanh niên tình nguyện sẽ tập trung triển khai các hoạt động thiết thực như: Hỗ trợ chính quyền địa phương cập nhật, làm sạch, đồng bộ dữ liệu dân cư và dữ liệu hành chính sau sáp nhập; hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tài khoản định danh điện tử VNeID và các ứng dụng số dân sinh; tập huấn kỹ năng số cho cán bộ cơ sở; tổ chức các điểm tư vấn công nghệ lưu động; và phối hợp truyền thông nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong cộng đồng. Qua đó, các đội hình được kỳ vọng sẽ trở thành những “kỹ sư số cộng đồng” đồng hành với chính quyền và nhân dân trong tiến trình chuyển đổi số, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả.
Chương trình diễn ra trong hai tháng, từ tháng 7 đến hết tháng 8/2025. Cùng với đó, 728 đội hình sinh viên tình nguyện “Mùa hè xanh” đến từ 286 trường đại học, cao đẳng cũng có mặt tại các địa phương tham gia hỗ trợ.
Tổ máy 1 Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng có thể hòa lưới trong tháng 8
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ban Quản lý dự án Điện 1 đã phối hợp với các nhà thầu tổ chức hạ đặt thành công Rotor tổ máy số 1. Đây là một trong những cột mốc quan trọng trong tiến trình lắp đặt thiết bị, hoàn thiện tổ máy và tiến tới mục tiêu phát điện vào dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Rotor tổ máy số 1 có trọng lượng khoảng 585 tấn, là phần quay của máy phát, được hạ đặt vào Stator với yêu cầu kỹ thuật khắt khe và độ chính xác rất cao. Quá trình này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị thi công xây lắp, lắp đặt thiết bị cơ điện và đội ngũ giám sát kỹ thuật. Thành công trong việc hạ đặt Rotor đã thể hiện quyết tâm, nỗ lực vượt khó của các đơn vị tham gia dự án trong điều kiện thi công phức tạp.
Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng do EVN là chủ đầu tư, gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 480MW, tổng mức đầu tư 9.220 tỷ đồng. Đây là công trình quan trọng quốc gia, được Thủ tướng duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2018.
Dự kiến ban hành quy chuẩn khí thải xe máy trong tháng 7
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang hoàn thiện dự thảo Quyết định Quy định lộ trình áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông để trình lên Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, dự kiến trong tháng 7.

Về định mức khí thải, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất với xe mô tô (còn gọi là xe máy) sản xuất trước năm 2008 áp dụng mức một - mức thấp nhất trong quy chuẩn. Xe sản xuất 2008-2016 áp dụng mức hai. Mức ba áp dụng với xe sản xuất từ năm 2017 đến 30/6/2026; mức bốn cho các xe sản xuất sau 1/7/2026. Với xe gắn máy, mức một áp dụng với xe sản xuất trước năm 2016; mức hai với xe sản xuất từ năm 2017 đến 30/6/2027. Xe sản xuất từ 1/7/2027 áp dụng mức bốn.
Tại dự thảo, lộ trình thời gian kiểm định khí thải sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 1/7/2027 tại Hà Nội và TP.HCM, các đô thị lớn khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Huế sẽ triển khai từ ngày 1/7/2028. Từ ngày 1/1/2030 kiểm định khí thải chính thức bắt đầu đối với xe máy trên địa bàn các tỉnh, thành phố còn lại. Tùy theo tình hình thực tế, các tỉnh, thành phố này có thể quy định áp dụng thời hạn sớm hơn.
Hà Nội thúc đẩy đầu tư nông nghiệp, xây dựng thương hiệu lúa Thủ đô
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm thuộc lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội khẩn trương lựa chọn đơn vị tư vấn để xây dựng Kế hoạch tổng thể đầu tư hệ thống đê điều, rà soát lại rừng và đất lâm nghiệp, nghiên cứu giống lúa mới mang thương hiệu Thủ đô và chuẩn bị đầu tư cho các dự án năm 2026 và nhiệm kỳ 2026-2030.

Cụ thể, về nghiên cứu giống lúa mới mang thương hiệu Thủ đô, UBND thành phố Hà Nội giao cho Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và các đơn vị liên quan trong thời gian qua chủ động phối hợp, ban hành, triển khai Kế hoạch số 82/KH-SNN-VAAS-SKH&CN ngày 15/7/2024 về việc nghiên cứu, sản xuất, phát triển, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu giống cây trồng thành phố Hà Nội.
Về Kế hoạch đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đê điều, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội thực hiện đúng quy định trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn để xây dựng Kế hoạch tổng thể đầu tư hệ thống đê điều thành phố Hà Nội trong 5 năm 2026-2030. Nội dung phải đánh giá hiện trạng, kết quả đầu tư, giải pháp kỹ thuật, tổng mức đầu tư, nguồn vốn, lấy ý kiến Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, các chuyên gia, các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan. Hoàn thành trong tháng 8/2025.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với các tập đoàn kinh tế lớn của Brazil
Trong chương trình tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng và hoạt động song phương tại Cộng hòa Liên bang Brazil, sáng 6/7 theo giờ địa phương, tại thành phố Rio de Janeiro, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo các tập đoàn kinh tế hàng đầu Brazil để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực hàng không, sản xuất nhiên liệu sinh học, nông nghiệp, chế biến, phân phối thực phẩm… Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính còn làm việc với lãnh đạo công ty FS, doanh nghiệp tiên phong tại Brazil chuyên sản xuất ethanol từ ngô và lãnh đạo công ty Granja Fujikura - trang trại nông nghiệp công nghệ cao tại Brazil thuộc hệ thống Granja Fujikura của Nhật Bản.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết quan hệ Việt Nam - Brazil đang tiếp tục phát triển tốt đẹp, đặc biệt khi hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược vào tháng 11/2024. Thủ tướng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Brazil, trong đó có tập đoàn JBS, sẽ tiếp tục quan tâm và mở rộng hợp tác đầu tư kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Cho biết Việt Nam đang thúc đẩy đàm phán, tiến tới ký kết Hiệp định thương mại tự do với Brazil và Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các tập đoàn góp phần thúc đẩy quá trình này, qua đó tạo điều kiện để tập đoàn hoạt động hiệu quả hơn, tiếp tục mở rộng sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam.
Đà Nẵng quy hoạch khu đô thị hơn 2.800ha quanh núi
UBND TP. Đà Nẵng vừa phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu đô thị Sườn Đồi tỉ lệ 1/2000 với quy mô hơn 2.800ha, thuộc địa bàn hai xã Bà Nà và Hòa Vang, phường Hòa Khánh. Ranh giới quy hoạch giáp đường tránh Nam Hải Vân, đường tỉnh 602 và sông Túy Loan. Phân khu được tổ chức thành 11 đơn vị ở và 3 khu chức năng nằm ngoài khu dân cư. Một khu vực lõi trung tâm chủ yếu là rừng và các khu dân cư hiện hữu.

Phân khu được định hướng là khu đô thị mới ưu tiên phát triển du lịch, thương mại dịch vụ kết hợp ở, phân bổ quanh núi Dương Ba Làng. Về tổ chức không gian kiến trúc, núi Dương Ba Làng là trung tâm, bao quanh bởi một số công viên gắn với hồ hiện trạng. Các khu nhà ở và thương mại dịch vụ cao tầng sẽ bố trí ở phía nam, còn phía đông phát triển mô hình đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm (TOD) gần ga đường sắt quy hoạch. Khu nhà ở thấp tầng gồm biệt thự ven đồi, nhà liền kề được bố trí quanh hồ ở phía tây nam.
Ngoài ra, phân khu này còn có 3 khu chức năng gần đường Hoàng Văn Thái gồm tổ hợp phi thuế quan (hơn 157ha), trung tâm thể dục thể thao (trên 202ha) và cảng cạn kết hợp trung tâm logistics (gần 71ha). Đây cũng là 3 hạng mục được ưu tiên đầu tư tại phân khu đô thị Sườn Đồi.
Ngân hàng rao bán hàng loạt bất động sản ở phố cổ Hội An
Hàng loạt ngôi nhà ở phố cổ Hội An, Đà Nẵng, được ngân hàng rao bán để thu hồi nợ xấu của các doanh nghiệp, cá nhân. Các bất động sản có giá từ khoảng 8 tỷ đồng đến gần 52 tỷ đồng. Từ đầu tháng 7, Agribank liên tiếp thông báo bán đấu giá tài sản với gần 30 quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại các phường Hội An và Hội An Đông, thành phố Đà Nẵng.

Các tài sản bán đấu giá gồm khu nhà tại số 2A đường Nguyễn Huệ, có diện tích hơn 124m2; hai bất động sản tại khu đất số 45/39 đường Trần Hưng Đạo, diện tích sử dụng gần 84m2 và 139m2; bất động sản tại H23/11 hẻm 49 đường Trần Hưng Đạo, diện tích hơn 161m2. Các bất động sản này đều ở phường Hội An, được ngân hàng rao bán đấu giá với giá khởi điểm gần 51 tỷ đồng.
Các bất động sản tại số 45/21 (diện tích hơn 245m2); 45/23 (diện tích gần 130m2), 45/25 (diện tích gần 110m2) đường Trần Hưng Đạo, phường Hội An được đấu giá với giá khởi điểm hơn 46 tỷ đồng. Tài sản lớn nhất trong đợt bán đấu giá lần này của Agribank là bất động sản tại khối Ngọc Thành, phường Hội An, có diện tích gần 767m2, giá khởi điểm gần 52 tỷ đồng. Các tài sản còn lại dao động 90-200m2, giá 8-36 tỷ đồng. Những tài sản này được dùng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay của một loạt công ty.
VCCI kiến nghị bỏ nhiều thủ tục bất hợp lý trong kinh doanh
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý cho dự thảo quyết định cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính năm 2025 của Bộ Công Thương. Theo VCCI, thương mại điện tử là xu hướng tất yếu, rủi ro đã giảm nhờ cơ chế kiểm tra và trình độ người tiêu dùng ngày càng cao. Do đó, nên chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặc biệt với các sàn thương mại điện tử nhỏ hoặc hoạt động thử nghiệm.

Trong các lĩnh vực kinh doanh khí (LPG), xăng dầu, VCCI cũng đề xuất bãi bỏ giấy chứng nhận cửa hàng bán LPG và doanh nghiệp sửa chữa, sản xuất chai LPG, do đã có quy định an toàn chuyên ngành. Trong lĩnh vực xăng dầu, điều kiện thuê địa điểm 5 năm được cho là không cần thiết.
Ngoài ra, các điều kiện kinh doanh rượu như hệ thống phân phối hai tỉnh hay văn bản giới thiệu nhà cung cấp bị đánh giá là can thiệp sâu vào quyền tự chủ doanh nghiệp. VCCI đề xuất bỏ giấy phép kinh doanh rượu, đồng thời bãi bỏ quy định thông báo chương trình khuyến mại và mức khống chế tỉ lệ, vì không phù hợp với cơ chế thị trường.