Thương mại điện tử Việt Nam đạt quy mô trên 20 tỷ USD

Minh Huy| 25/04/2023 01:17

Theo báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam EBI 2023 vừa được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) công bố, ước tính thương mại điện tử nước ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 20 tỷ USD.

Thương mại điện tử Việt Nam đạt quy mô trên 20 tỷ USD

VECOM ước tính, năm 2022 quy mô giao dịch thương mại điện tử bán lẻ chiếm khoảng 8,5% trong 5.680 nghìn tỷ đồng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Xét riêng lĩnh vực bán lẻ hàng hóa, năm 2022 tỷ lệ bán lẻ hàng hóa trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hóa khoảng 7,2%, cao hơn tỷ lệ tương ứng 6,7% của năm 2021.

Những khó khăn lớn của nền kinh tế từ giữa năm 2022 đã kéo dài sang quý I/2023 và có thể đến hết năm 2023. Trong khó khăn đó, VECOM đánh giá thương mại điện tử của quý I tăng trưởng trên 22% so với cùng kỳ và cả năm vẫn có thể đạt trên 25%.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, 3 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm trong nước tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.505,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 10,3%. Hai ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh nhất là dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 26,0%, ngành bán buôn và bán lẻ tăng 8,1%.

Link bài viết

Trong bối cảnh các doanh nghiệp khó khăn bởi suy thoái kinh tế, khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng, cấp thiết phải đưa giải pháp tài chính thông minh vào cuộc sống để giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn nguồn vốn của các tổ chức tài chính. Bên cạnh đó, trong bối cảnh thương mại điện tử nước ta còn chiếm quy mô nhỏ, việc nỗ lực để đưa nhiều hàng hóa, sản phẩm Việt Nam, kể cả thủy sản có thể đưa lên các sàn thương mại điện tử là rất quan trọng.

Thương mại điện tử hiện không chỉ dừng lại ở các sản phẩm, hàng hóa mà còn mở rộng ra các ngành dịch vụ khác như tài chính, du lịch, ngân hàng… Nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử cho biết họ sẽ tăng tỷ trọng lên thương mại điện tử từ 20% lên 40% vì đây là kênh giúp họ tăng trưởng nhanh hơn.

Theo VECOM, hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội là những nét nổi bật của ngành thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 và quý I/2023. Kết quả khảo sát cho thấy có tới 65% doanh nghiệp đã triển khai hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội. Ngoài ra, số lượng lao động trong doanh nghiệp thường xuyên sử dụng các công cụ như Zalo, WhatsApp, Viber hay Facebook Messenger cũng liên tục tăng qua từng năm.

Bán hàng trên các mạng xã hội cũng được đánh giá mang lại hiệu quả cao nhất, vượt qua các hình thức khác như website hay ứng dụng của doanh nghiệp cũng như sàn thương mại điện tử. Hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng ổn định. Kết quả khảo sát của VECOM cho thấy, năm 2022 có 23% doanh nghiệp bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.

Trong khó khăn chung của nền kinh tế, thương mại điện tử tại Việt Nam được đánh giá là một trong những lĩnh vực kinh tế sáng nhất, tăng trưởng nhanh và ổn định nhất. Điều này cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam dù phát triển với tốc độ cao nhưng mới chỉ ở giai đoạn đầu. Tiềm năng cho sự phát triển thương mại điện tử còn rất lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thương mại điện tử Việt Nam đạt quy mô trên 20 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO