Theo bảng xếp hạng LPI 2023, đứng đầu thế giới là Singapore, thứ hai là Phần Lan, thứ ba là Đan Mạch, Đức, Hà Lan và Thụy Sỹ. Trong bảng xếp hạng LPI năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43, giảm 4 bậc so với hạng 39 của năm 2018. Tuy nhiên, về điểm LPI tăng lên mức 3,3 điểm so với mức 3,27 điểm năm 2018. Việt Nam thuộc top 5 ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines. Trước đó, tại lần công bố LPI gần nhất vào năm 2018, Việt Nam tăng “ngoạn mục” 25 bậc từ vị trí 64 lên vị trí 39.
Đại diện WB cho biết: "Logistics là mạch máu của thương mại quốc tế và ngược lại, thương mại là động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, bảng xếp hạng LPI giúp các nước đang phát triển xác định những điểm cần cải thiện có thể tăng khả năng cạnh tranh".
Lý giải về sự sụt giảm vị trí của Việt Nam trong LPI 2023, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) phản ánh hệ quả của sự lúng túng trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua. Với các biện pháp phong tỏa tiêu cực, quá mức cần thiết, thậm chí “ngăn sông cấm chợ” đã kéo dài thời gian vận chuyển, gián đoạn và đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất tiêu dùng và vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng LPI 2023. Trong đó, ba chỉ số thành phần giảm gồm thời gian giao hàng, năng lực và chất lượng doanh nghiệp dịch vụ logistics, khả năng theo dõi và truy xuất hàng hóa.
Tuy nhiên, Việt Nam có điểm tích cực khi điểm số LPI tăng lên mức 3,3 điểm so với lần công bố gần nhất và là mức cao nhất từ khi có xếp hạng năm 2007 đến nay. Điều này cho thấy Việt Nam đang dần cải thiện, đặc biệt về chỉ số thành phần về hiệu quả quy trình thông quan và chất lượng cơ sở hạ tầng có sự tăng điểm số rõ rệt nhất.
Qua báo cáo đánh giá của WB toát lên vấn đề tồn tại của ngành dịch vụ logistics Việt Nam là năng lực của nhà cung ứng dịch vụ logistics. Để cải thiện nhanh chóng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cần đẩy mạnh quá trình số hóa, góp phần gia tăng chất lượng dịch vụ, rút ngắn thời gian và cải thiện khả năng truy xuất hàng hóa”, VLA khuyến nghị.
Báo cáo LPI năm 2023 được đưa ra vào thời điểm sau ba năm gián đoạn chuỗi cung ứng chưa từng có trong đại dịch Covid-19, khi thời gian giao hàng tăng vọt. Sự gián đoạn của chuỗi giá trị toàn cầu đã cho thấy tầm quan trọng thiết yếu của hệ thống logistics. Do những sự gián đoạn này, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và những tác động đối với an ninh quốc gia của nó đã nổi lên như những mối quan tâm hàng đầu. Những lo ngại này thường liên quan đến an ninh chuỗi cung ứng - một vấn đề quan trọng cần cân nhắc trong ngành dịch vụ được số hóa cao và kết nối toàn cầu.
Báo cáo LPI 2023 chỉ ra rằng, ngành logistics cần thích ứng với sự thay đổi của các mô hình thương mại toàn cầu, với độ tin cậy của chuỗi cung ứng cao hơn, khả năng chuẩn bị trước khủng hoảng tốt hơn, xanh hóa chuỗi cung ứng và số hóa. Theo LPI 2023, số hóa chuỗi cung ứng từ đầu đến cuối, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi, đang cho phép rút ngắn thời gian trễ cảng lên đến 70% so với các nước phát triển. Hơn nữa, nhu cầu logistics xanh đang tăng lên, với 75% chủ hàng đang tìm kiếm các lựa chọn thân thiện với môi trường khi xuất khẩu sang các nước có thu nhập cao.
Trong khi phần lớn thời gian dành cho vận chuyển, sự chậm trễ lớn nhất xảy ra tại cảng biển, sân bay và vận tải đa phương thức. Và để cải thiện độ tin cậy, chuyên gia WB cho rằng, các chính sách cần hướng tới gồm cải thiện quy trình thông quan và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, áp dụng kỹ thuật số công nghệ và khuyến khích hậu cần bền vững với môi trường bằng cách chuyển sang ít sử dụng carbon hơn, phương thức vận chuyển hàng hóa và kho bãi tiết kiệm năng lượng hơn.