Tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP.HCM tháng 5/2023 vừa qua tiếp tục duy trì trạng thái khởi sắc, nhưng chưa có tín hiệu bứt phá. Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vẫn đối diện nhiều khó khăn, cũng như áp lực trước diễn biến phức tạp của thị trường trong và ngoài nước.
Chỉ số IIP tháng 5/2023 tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 5,5% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số IIP trên địa bàn thành phố tăng 1,6% so với cùng kỳ.
Đối với ngành công nghiệp cấp II, có 17/30 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2023 tăng so với cùng kỳ. Trong số đó, một số ngành có mức tăng cao như sản xuất xe có động cơ; sản xuất phương tiện vận tải khác; công nghiệp chế biến, chế tạo khác.
Còn ở 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2023 tăng 3,8% so với cùng kỳ. Cụ thể, ngành hóa dược tăng 12,7%; ngành cơ khí tăng 3,9%; ngành sản xuất hàng điện tử tăng 4,3%; ngành lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 4,7%.
Thống kê chỉ số lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 5/2023 tăng 0,2% so với tháng trước và giảm 4,0% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số lao động giảm 2,8% so với cùng kỳ.
Cục Thống kê TP.HCM đánh giá, nếu trong quý I/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp, xây dựng.. ở mức âm thì trong tháng 4 và tháng 5/2023 đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đang phải đối diện nhiều khó khăn khi thiếu đơn hàng sản xuất, công nhân thiếu việc làm, áp lực trả lãi vay ngân hàng.
Tuy thuộc nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, nhưng ngành lương thực - thực phẩm vẫn bị tác động bởi diễn biến thị trường trong và ngoài nước. Điển hình, xu thế thắt chặt chi tiêu mua sắm, tiêu dùng không chỉ ở thị trường toàn cầu, mà ngay cả thị trường trong nước đang khiến ngành lương thực thực phẩm giảm đơn hàng và sản xuất.
Không chỉ doanh nghiệp ngành lương thực - thực phẩm mà cộng đồng doanh nghiệp sản xuất rất kỳ vọng được sở, ngành đồng hành và có cơ chế chính sách nhanh chóng ổn định sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm... Trong số đó, doanh nghiệp mong muốn có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại với đa dạng hình thức hơn, nhất là xúc tiến thương mại trực tuyến, nhằm sớm phục hồi đơn hàng, thị trường, tìm kiếm đối tác tiềm năng.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn đang điều chỉnh, sắp xếp lại; đồng thời nhiều quốc gia tăng cường chính sách bảo hộ, rào cản thương mại rất cần doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật thông tin, dự báo tình hình thị trường. Trên cơ sở này, doanh nghiệp điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngắn hạn phù hợp với diễn biến thị trường, cũng như tìm ra những giải pháp dài hạn trong sản xuất hướng đến mục tiêu bền vững.
Để giải quyết thách thức về sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng..., doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa hình thức xúc tiến thương mại phù hợp với những xu hướng toàn cầu. Doanh nghiệp cần bắt kịp xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi công nghệ... mới đảm bảo tiêu chuẩn hàng hóa đáp ứng đa dạng thị trường.