Bản tin sáng 15/7: Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quản lý chặt thương mại điện tử, thiết kế công cụ giám sát thuế và hàng hóa
Tin tức nổi bật sáng 15/7: Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quản lý chặt thương mại điện tử, thiết kế công cụ giám sát thuế và hàng hóa; Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: Lâm Đồng phải xử lý tài sản dôi dư đúng quy định, chuẩn bị tốt Đại hội Đảng; Bộ Công an đề xuất giới hạn chênh lệch giá mua - bán vàng miếng; TP.HCM sẽ xem xét vấn đề trùng tên đường sau sáp nhập hành chính; Cục Thuế không yêu cầu hộ kinh doanh nộp căn cước để cập nhật thông tin... và một số tin tức đáng chú ý khác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quản lý chặt thương mại điện tử, thiết kế công cụ giám sát thuế và hàng hóa
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 14/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết trong việc xây dựng hành lang pháp lý hiện đại, hiệu quả cho thương mại điện tử, đảm bảo phát triển bền vững và lành mạnh.
Đối với dự án Luật Thương mại điện tử, Thủ tướng chỉ đạo cần thiết kế các công cụ kiểm tra, giám sát nhằm quản lý chất lượng hàng hóa, thu thuế hiệu quả, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái. Luật cần cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời kiểm soát được những mặt trái của thương mại điện tử.

Về Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Thủ tướng nhấn mạnh phải lấy phòng ngừa làm trọng tâm, kiên quyết loại bỏ ma túy học đường, xây dựng môi trường học đường an toàn.
Thủ tướng yêu cầu luật pháp cần mang tính khung, nguyên tắc, trao quyền linh hoạt cho Chính phủ trong triển khai thực tế; thúc đẩy phân cấp, cải cách hành chính, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, lấy người dân làm trung tâm và chủ thể trong quá trình phát triển.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: Lâm Đồng phải xử lý tài sản dôi dư đúng quy định, chuẩn bị tốt Đại hội Đảng
Chiều 14/7, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình yêu cầu tỉnh tập trung xử lý tài sản công dôi dư sau sắp xếp bộ máy hành chính, bảo đảm đúng quy định pháp luật, minh bạch và phù hợp thực tiễn.
Ông nhấn mạnh việc chuyển đổi công năng các tài sản này cần hiệu quả, tránh lãng phí và phục vụ tốt người dân. Trong bối cảnh tỉnh đang vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, đây là nhiệm vụ cấp thiết.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị địa phương tăng cường đào tạo cán bộ, nhất là cấp cơ sở, và chủ động kiến nghị điều chỉnh chính sách nếu phát sinh bất cập.
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, hơn 97% hồ sơ hành chính được giải quyết đúng hạn từ khi vận hành mô hình mới. Tỉnh đang tích cực chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Phó Thủ tướng đánh giá cao kết quả ban đầu, đồng thời yêu cầu Lâm Đồng tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm toàn diện để đảm bảo hiệu quả vận hành bộ máy trong giai đoạn tới.
Bộ Công an đề xuất giới hạn chênh lệch giá mua - bán vàng miếng
Trong góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, Bộ Công an kiến nghị bổ sung quy định về biên độ chênh lệch tối đa giữa giá mua và bán vàng miếng nhằm đảm bảo minh bạch, ngăn chặn thao túng giá. Bộ cũng đề xuất yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh vàng phải có quy trình rõ ràng trong thiết lập, thay đổi giá và lưu trữ đầy đủ chứng từ, dữ liệu liên quan. Đồng thời, cần cho phép cơ quan quản lý được can thiệp vào cung - cầu, giá mua - bán vàng khi cần thiết.
Ngoài ra, Bộ Công an đề xuất bổ sung cơ chế giúp doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro trước biến động giá vàng thế giới như cho phép chốt giá hàng ngày hoặc sử dụng công cụ phái sinh.

Ngân hàng Nhà nước cho biết giá vàng hiện do doanh nghiệp tự quyết theo cung - cầu và pháp luật hiện hành, song sẽ tiếp tục rà soát để hoàn thiện quy định.
Bên cạnh đó, Agribank và BIDV đề xuất cho phép tổ chức tín dụng phát hành “Chứng nhận sở hữu vàng”, thay vì giao vàng vật chất ngay. Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ nghiên cứu bổ sung hướng dẫn cụ thể nội dung này trong thời gian tới.
TP.HCM sẽ xem xét vấn đề trùng tên đường sau sáp nhập hành chính
Chiều 14/7, tại buổi tiếp xúc cử tri các phường Tam Bình, Hiệp Bình và Linh Xuân (TP. Thủ Đức), Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết kỳ họp HĐND TP.HCM sắp tới sẽ bàn về tình trạng trùng tên đường sau khi sáp nhập đơn vị hành chính.
Cử tri phản ánh nhiều tuyến đường trùng tên, thậm chí trùng cả số trong cùng một phường, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Ông Nhân ghi nhận vấn đề và cho biết, hiện Sở Văn hóa - Thể thao đã trình đề án đặt, đổi tên đường và công trình công cộng, nhưng chưa được thông qua do cần rà soát toàn bộ hệ thống đường phố trên địa bàn Thành phố mới.

HĐND TP.HCM cũng đã đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành rà soát tên các anh hùng, liệt sĩ để đặt cho các công trình, tuyến đường phù hợp, đồng thời bảo tồn các địa danh cũ sau sáp nhập. Các địa danh này sẽ được đưa vào quỹ tên đường nhằm giữ gìn bản sắc và lịch sử địa phương trong quá trình phát triển đô thị.
TP.HCM tổng kiểm tra toàn diện chung cư, siết chặt an toàn phòng cháy chữa cháy
UBND TP.HCM vừa ban hành chỉ đạo yêu cầu tổng kiểm tra, rà soát toàn diện công tác quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại tất cả các chung cư trên địa bàn.
Theo UBND TP.HCM, hiện vẫn còn nhiều chung cư tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do vi phạm quy chuẩn xây dựng, cơi nới, che chắn, làm cản trở lối thoát hiểm, thoát nạn.
Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng TP.HCM chủ trì, phối hợp Sở Tài chínhTP.HCM, Công an TP.HCM và các địa phương khẩn trương tổ chức kiểm tra thực tế, tập trung vào công tác bảo trì hệ thống kỹ thuật, tổ chức vận hành hệ thống PCCC, hoạt động của Ban quản trị, đơn vị quản lý chung cư.
UBND TP.HCM yêu cầu các địa phương phối hợp lực lượng chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định PCCC. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cư dân, Ban quản trị tự giác tháo dỡ các công trình lấn chiếm, khắc phục các sai phạm nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản người dân và giữ gìn mỹ quan đô thị.
Đà Nẵng đầu tư gần 10.000 tỷ đồng phát triển du lịch đường thủy nội địa
UBND TP. Đà Nẵng vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh du lịch đường thủy nội địa với tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng. Dự án gồm xây mới, cải tạo và mở rộng 20 bến thủy nội địa cùng các công trình phụ trợ trên diện tích hơn 15 ha, đồng thời phát triển 11 công viên phía sau bến với diện tích khoảng 25 ha.

Dự án nhằm phát triển loại hình du lịch đường thủy kết hợp tour tham quan, ăn uống, giải trí trên tàu; đồng thời phục vụ giao thông công cộng bằng đường thủy, góp phần giảm tải cho hệ thống giao thông đường bộ.
Tàu phục vụ khách sẽ sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường, có sức chứa từ 100 đến 500 khách. Dự án được triển khai dọc các tuyến sông Hàn, Cổ Cò, Vĩnh Điện và Cẩm Lệ, chia làm hai giai đoạn, thực hiện từ năm 2025 đến 2031.
Thành phố kêu gọi các doanh nghiệp vận tải tham gia đầu tư phương tiện hiện đại, đồng thời lập phương án kinh doanh cụ thể để được thẩm định và cấp phép theo quy định.
Lâm Đồng sắp khởi công khu tái định cư phục vụ dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
UBND tỉnh Lâm Đồng đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để khởi công khu tái định cư đầu tiên phục vụ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, dự kiến vào đầu tháng 8 tại khu vực Hàm Kiệm.
Ngày 14/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì cuộc họp với các sở, ngành và 18 địa phương liên quan để triển khai kế hoạch. Ông yêu cầu các xã, phường hoàn tất kiểm kê, xác định ranh giới đất thu hồi trước ngày 24/7, nhằm kiểm soát tình trạng xây dựng và trồng trọt trái phép.

Dự án đường sắt tốc độ cao đi qua Lâm Đồng dài khoảng 156,5 km, ảnh hưởng đến 1.150 hộ dân. Trong đó, 1.105 hộ sẽ được bố trí tại 9 khu tái định cư mới với tổng diện tích hơn 28 ha, quy mô 1.465 lô, tổng kinh phí khoảng 447 tỷ đồng.
Ban Quản lý dự án số 2 là đơn vị chủ đầu tư, phối hợp cùng các sở ngành thực hiện công tác pháp lý, chuẩn bị vốn và đẩy nhanh tiến độ. Việc khởi công sớm khu tái định cư Hàm Kiệm thể hiện quyết tâm của tỉnh trong triển khai dự án trọng điểm quốc gia đúng tiến độ, đúng quy định và đảm bảo quyền lợi người dân.
TP.HCM đưa gần 300 bác sĩ trẻ về trạm y tế, có cả Côn Đảo
Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong năm 2025, thành phố sẽ phân bổ 274 bác sĩ trẻ khóa 4 về công tác tại các trạm y tế phường, xã, trong đó có cả các khu vực đặc biệt như Côn Đảo. Đây là giai đoạn tiếp nối sau 6 tháng thực hành tại bệnh viện đa khoa, theo mô hình luân phiên 6-3-3-3-3: bác sĩ được bố trí luân chuyển giữa bệnh viện và tuyến cơ sở để nâng cao khả năng thích nghi và hiểu rõ hệ thống y tế.

Tất cả bác sĩ trước khi về trạm y tế đều đã được tập huấn chuyên đề về an toàn tiêm chủng, đảm bảo sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Ngày 8/7, Sở Y tế tổ chức bốc thăm phân bổ công khai, minh bạch. Đáng chú ý, có 21 bác sĩ tự nguyện chọn các vùng khó khăn, trong đó 2 người đăng ký về Côn Đảo.
Bác sĩ thực hành tại trạm y tế được hỗ trợ sinh hoạt phí 10 triệu đồng/tháng, học phí thực hành do bệnh viện chi trả. Sau khi hoàn thành chương trình, bác sĩ sẽ được cấp giấy phép hành nghề và tham gia "Ngày hội việc làm ngành y tế", mở rộng cơ hội công tác lâu dài.
Cục CSGT lý giải nguyên nhân VNeID chậm hiển thị giấy phép lái xe
Ngày 14/7, Cục Cảnh sát Giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an) cho biết ba nguyên nhân chính khiến ứng dụng VNeID chậm hiển thị thông tin giấy phép lái xe (GPLX), dù người dân đã hoàn tất sát hạch và khai báo thông tin.
Thứ nhất, hệ thống đường truyền đôi lúc quá tải. Thứ hai, dữ liệu GPLX phải đồng bộ qua nhiều hệ thống, gây chậm trễ. Thứ ba, người dùng có thể khai báo sai thông tin hoặc chưa thực hiện cập nhật sau khi nhận tin nhắn từ ứng dụng.

Cục CSGT hướng dẫn: sau khi đỗ sát hạch, người dân cần truy cập app VNeID, vào mục “Thông báo của cơ quan nhà nước”, xác nhận thông tin GPLX, sau đó vào “Ví giấy tờ” để tích hợp và gửi yêu cầu cập nhật.
Đơn vị khuyến cáo không nghe điện thoại hướng dẫn hay nhấn vào đường link lạ để tránh bị lừa đảo. Công an chỉ làm việc trực tiếp, không yêu cầu xác minh qua video call hay liên kết không chính thống.
Người dân có thể sử dụng VNeID hoặc ứng dụng VneTraffic để xuất trình GPLX khi được kiểm tra, với giá trị pháp lý tương đương bản gốc.
Cục Thuế: Không yêu cầu hộ kinh doanh nộp căn cước để cập nhật thông tin
Ngày 14/7, Cục Thuế (Bộ Tài chính) khẳng định không yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cung cấp căn cước công dân, giấy phép đăng ký kinh doanh hay giấy chứng nhận đăng ký thuế để cập nhật thông tin theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Thông báo được đưa ra trước tình trạng xuất hiện các đối tượng giả danh cơ quan thuế để yêu cầu cập nhật thông tin, nhằm mục đích lừa đảo. Cục Thuế khuyến cáo người nộp thuế cần nâng cao cảnh giác trước các cuộc gọi, email hoặc tin nhắn mạo danh.

Cơ quan thuế đã cập nhật dữ liệu đăng ký thuế theo địa bàn hành chính mới và sẽ gửi thông báo chính thức về địa chỉ và cơ quan thuế quản lý trực tiếp đến các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
Đối với trường hợp cần cập nhật địa chỉ trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, người nộp thuế nên liên hệ với cơ quan đăng ký kinh doanh để được hướng dẫn đúng quy định.
Cục Thuế cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan để nâng cấp hệ thống hóa đơn điện tử, đảm bảo thuận tiện, không gây gián đoạn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.